Vướng mắc trong hoàn thuế VAT đã phát sinh suốt ba năm qua, nhiều doanh nghiệp miệt mài giải trình nhưng đến nay vẫn bị treo rất nhiều kỳ hoàn. Có doanh nghiệp đã kiện thuế ra tòa.
Doanh nghiệp kêu chậm hoàn thuế, nói khai sai sẽ chịu trách nhiệm
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Công ty cổ phần Fococev Việt Nam (phường 1, quận 4) cho hay công ty kinh doanh, xuất khẩu bột sắn. Công ty có 529 tỉ tiền thuế chưa hoàn trong 6 năm dù theo ông, cơ quan công an chưa tìm ra dấu hiệu hoàn thuế khống.
Doanh nghiệp kiện thuế ra tòa, tòa sơ thẩm đã tuyên án, Tổng cục Thuế đã có công điện nhưng quá trình hoàn thuế vẫn bị kéo dài.
Vốn doanh nghiệp chỉ hơn 100 tỉ nhưng tiền thuế VAT chưa hoàn lên đến vài trăm tỉ vì cơ quan thuế đòi doanh nghiệp phải xác minh từ số seal, số bill, tên tài xế, số CCCD… do vậy doanh nghiệp rất khó đáp ứng.
“Chúng tôi có cảm giác cơ quan thuế mới quan tâm tới chỉ tiêu thu vượt ngân sách, trong khi hoàn thuế VAT cũng là một chỉ tiêu mà cơ quan thuế chưa quan tâm.
Doanh nghiệp cũng hiểu sự thận trọng của cơ quan thuế trong bối cảnh vừa xảy ra một số vụ việc liên quan đến hoàn thuế. Tuy nhiên rất mong cơ quan thuế xem xét, hoàn thuế cho doanh nghiệp. Nếu kê khai sai, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm”, đại diện doanh nghiệp đề nghị.
Vì sao doanh nghiệp và thuế dắt nhau ra tòa?
Trả lời đề nghị của Fococev, bà Lê Thị Duyên Hải – vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) – kể chi tiết “cơ duyên” vì sao doanh nghiệp này và cơ quan thuế dắt nhau ra tòa.
Đầu tiên, Fococev phản ánh việc Cục Thuế TP.HCM truy thu thuế giá trị gia tăng sai quy định (số tiền 36,7 tỉ đồng, kỳ hoàn thuế 1-2027 đến 10-2018). Cơ quan công an cũng đã xác minh nhưng chưa có căn cứ xác định doanh nghiệp xuất khẩu khống hàng hóa sang Trung Quốc để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Vì vậy, đề nghị trả lại tiền cho doanh nghiệp.
Sau đó cơ quan thuế đã trả lại 36 tỉ đồng, riêng 700 triệu đồng còn lại, khi đã đối chiếu đầy đủ và chính xác thì sẽ sớm trả cho doanh nghiệp.
Những trúc trắc trong việc hoàn thuế VAT của Fococev đến từ việc các năm vừa qua, doanh nghiệp này xuất khẩu bột sắn qua đường bộ.
Tuy nhiên khi cơ quan thuế Việt Nam phối hợp với cơ quan thuế của Trung Quốc xác minh thì phát hiện trong số các đối tác của Fococev, có doanh nghiệp không tồn tại hoặc đã ngừng hoạt động, không hoạt động tại nơi đăng ký, đang hoạt động nhưng không thừa nhận có ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Với kết quả xác minh như trên, cơ quan thuế đặt nghi vấn liệu hợp đồng có hiệu lực pháp lý không nên mới có những quyết định truy thu thuế.
Thứ hai, đối với khoản tiền 127 tỉ đồng (kỳ hoàn thuế 11-2018 đến 5-2020), tòa án TP.HCM đã tuyên hủy quyết định thu hồi thuế, buộc trả lại tiền đã truy thu cho doanh nghiệp.
Theo bà Hải, Cục Thuế TP.HCM chưa nhận được bản án chính thức của tòa án, đồng thời đang củng cố thông tin để tiếp tục kháng cáo. Khi có bản án cuối cùng, cơ quan thuế thi hành đúng pháp luật.
Thứ ba, với phản ánh từ tháng 6-2020 đến nay, cục thuế không giải quyết các hồ sơ hoàn 366 tỉ đồng (29 hồ sơ), bà Lê Thị Duyên Hải giải thích trong khoản tiền trên, có 204 tỉ đồng doanh nghiệp bán qua đường biển và có hồ sơ thủ tục đầy đủ, nhưng riêng đường bộ thì chiếm 150 tỉ (bao gồm 37 tỉ thuộc trường hợp doanh nghiệp không rõ ràng như trên). Đó là lý do cục yêu cầu nộp thêm hồ sơ.
Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế TP.HCM rà soát các thông báo gửi doanh nghiệp (yêu cầu bổ sung tài liệu). Những thông tin nào Cục Thuế TP.HCM yêu cầu đúng quy định pháp luật, cần cùng nhau rà soát để giải quyết, đảm bảo đúng bản chất giữa bên mua – bên bán, đúng quy định pháp luật.
Với những yêu cầu không phù hợp quy định pháp luật, không thuộc trách nhiệm, cơ quan thuế phải có những phương pháp khác phù hợp.
Thứ tư, doanh nghiệp cho hay có hai hồ sơ (khoảng 11 tỉ đồng, kỳ hoàn thuế tháng 5-2023 và tháng 9-2023), thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, nhưng đã quá thời hạn giải quyết theo quy định.
Sau khi lắng nghe, ông Mai Sơn – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cũng cho biết với ý kiến và trao đổi hôm nay của Công ty Fococev và các doanh nghiệp khác, cơ quan thuế có trách nhiệm và tinh thần luôn luôn lắng nghe và chia sẻ, cố gắng giải quyết tận gốc vấn đề, đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp và đảm bảo ngân sách nhà nước về hoàn thuế.