Nhìn xa hơn, cần phải chủ động được nguồn nước để đảm bảo cho kinh tế xanh, phát triển bền vững. Đó là ý kiến bạn đọc phản hồi giải pháp cứu những dòng sông, sau phóng sự ảnh “Lời cảnh báo từ những dòng sông” (Tuổi Trẻ ngày 6-7).
* Giáo sư Vũ Trọng Hồng (chuyên gia ngành thủy lợi – nguyên thứ trưởng Bộ NN-PTNT):
Luôn làm “sống” những sông nhánh
Mức độ ô nhiễm đã quá lớn, vượt ngưỡng chịu đựng của dòng sông, buộc nó phải chảy ngược lại (như chuyện sông Nhuệ cuối năm 2023 đã trào nước thải ra sông Hồng).
Thật lo ngại khi mùa lũ về đột ngột, nếu các dòng sông nhánh không thể chia bớt nước, hậu quả có thể xảy đến với hệ thống đê, phá các công trình khác, đe dọa ngập úng khu dân cư.
Cần phải luôn làm “sống” các dòng sông nhánh, thậm chí còn phải đào thêm kênh để đưa nước từ sông chính về cánh đồng. Sông nhánh “chết”, nước nuôi cánh đồng sẽ không còn, con người sẽ phải chịu hậu quả.
Theo tôi, phải nâng đáy sông Hồng và sông Đà theo các giải pháp, quy luật tự nhiên của dòng chảy. Cần phải xem xét lại quá trình cấp phép các mỏ cát, khai thác phải theo quy hoạch. Ngoài ra cũng nên xem lại những thủy điện nhỏ không hiệu quả nhưng lại là nơi lưu giữ một lượng phù sa rất lớn có thể “nuôi sống” các dòng sông.
* PGS.TS Đào Trọng Tứ (trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam):
Kiểm soát khai thác cát
Biến động lòng dẫn sông Đà, sông Hồng có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường nếu chúng ta không khắc phục. Đáy sông tụt quá sâu, có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi trong đó có các hoạt động khai thác cát trái phép.
Khi dòng sông lớn bị xói lở, nước không thể vào sông nhánh cũng sẽ khiến ô nhiễm ngày một nặng nề. Sẽ rất nguy hiểm khi các dòng sông đều “hấp hối”. Không kiểm soát được hoạt động khai thác cát trái phép thì không thể cứu được sông Đà, sông Hồng.
Những dòng sông trong nội đô cũng vậy, không kiên quyết thu gom nước thải đô thị để xử lý, tạo ra dòng chảy tự nhiên thì sông không thể “sống” được. Phải hành động ngay để đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế.
* Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
Bảo vệ tài nguyên nước
Ngân hàng Thế giới đánh giá nếu Việt Nam không áp dụng các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải thì GDP sẽ giảm 2,5% vào năm 2035. Và nếu chúng ta giải quyết triệt để thì GDP sẽ tăng 2,3%. Số liệu này cho thấy giá trị rất lớn của tài nguyên nước.
Giải quyết ô nhiễm các dòng sông không nên chỉ tập trung xử lý môi trường, mà còn phải hướng tới các mục tiêu kinh tế mà tài nguyên nước mang lại.
Tôi mừng khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã mạnh dạn nêu ra tại diễn đàn Quốc hội là phải có thêm nhiều quy định rõ ràng, xem nước là nguồn tài nguyên quý phải bảo vệ và cần tuyên ngôn Việt Nam không phải là quốc gia dư thừa nước.
Kinh nghiệm của một số quốc gia khi xử lý ô nhiễm họ sẽ đưa ra các chính sách cụ thể, thu hút đầu tư xử lý ô nhiễm. Họ ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý nước thải…
* Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Chậm trễ, con cháu gánh hậu quả
Chúng ta đã có đánh giá kịp thời về những biến động dòng sông nhưng việc triển khai, hành động xử lý ô nhiễm còn chậm. Nếu chúng ta không kịp thời hành động, thế hệ sau gánh hậu quả nặng nề hơn bây giờ.
Việc xử lý ô nhiễm của Việt Nam nên nhìn Ấn Độ về câu chuyện thiếu nước hay một số quốc gia phải lọc nước biển, tái chế nước thải để dùng cho sinh hoạt.
Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước những tháng vừa qua chúng ta mới thấy thấm thía. Hay chuyện thiếu nước tưới cà phê, tiêu, mắc ca… gây thiệt hại lớn.
Cần phân tích nghiêm túc về nguồn nước, tình trạng ô nhiễm các dòng sông cũng như hệ lụy của khai thác cát. Xử lý ô nhiễm nhanh chóng và toàn diện để giữ lợi thế phát triển mạnh về cây công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao.
Đại diện Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết trong quy hoạch Thủ tướng đã ký nêu rất rõ đầu tư trung hạn sẽ xây dựng hai đập dâng trên sông Hồng nhằm giải quyết đa mục tiêu, nhiều vấn đề căn cơ, đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội cũng đã đề nghị làm đập dâng nhưng cần phải có thời gian nghiên cứu các yếu tố liên quan đến môi trường, sinh thái, giao thông…