Chiến thắng của Gabrielle Thomas ở nội dung chạy 200m nữ không chỉ thể hiện sức mạnh của điền kinh Mỹ, mà còn trở thành một biểu tượng cho tính toàn diện của các ngôi sao trí thức.
Con nhà tông
Ngay sau giành HCV vào rạng sáng 7-8 (giờ VN), Thomas tự hào chia sẻ: “Con đường thành công của tôi ư? Tôi nghĩ phần quan trọng đến từ sức khỏe tinh thần. Tôi học cách cân bằng cuộc sống của mình, để cơ thể luôn trong trạng thái thoải mái nhất”.
Trong hơn 10.000 VĐV tham dự Olympic Paris, có lẽ không một ai am hiểu khái niệm “sức khỏe tinh thần” hơn Thomas – người tốt nghiệp ngành thần kinh học ở ĐH Harvard và có bằng thạc sĩ sức khỏe cộng đồng của ĐH Texas.
Chân chạy 27 tuổi người Mỹ xuất thân từ một gia đình trí thức. Mẹ của Gabrielle Thomas – bà Jennifer Randall – là tiến sĩ ngành tâm lý và là giáo sư của ĐH Massachusetts. Với nguồn kiến thức phong phú về y học, bà Randall đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự nghiệp của Thomas.
Trước thềm Olympic, Thomas tập luyện từ 3 đến 6 giờ mỗi ngày. Nhưng vào buổi tối, cô làm việc tại một phòng khám chăm sóc sức khỏe tình nguyện ở Austin, nhằm hỗ trợ những người không có bảo hiểm.
“Tôi biết ơn vì những điều kiện làm việc hiện tại. Sau một ngày vất vả trên đường đua, khi tôi mệt mỏi và thở khò khè vì luyện tập, tôi chỉ nghĩ rằng thật hạnh phúc khi được làm những gì mình yêu thích. Sau những buổi tập, tôi bước vào công việc tình nguyện, đó thực sự là niềm đam mê của tôi” – Thomas chia sẻ về công việc trong lĩnh vực y tế của mình.
Nữ kiếm sĩ đặc biệt của Hong Kong
Có một danh sách dài những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ở Olympic Paris 2024. Họ thậm chí còn trở thành các nhà vô địch. Nữ kiếm sĩ đoạt HCV kiếm 3 cạnh cá nhân Vivian Kong (Hong Kong) là một ví dụ.
VĐV 30 tuổi của Hong Kong được ví von là “tinh hoa hội tụ” của hai nền văn minh phương Tây và phương Đông. Vivian Kong sinh tại Hong Kong nhưng lớn lên ở Canada và lấy bằng cử nhân ngành quan hệ quốc tế của ĐH Stanford (Mỹ) – một trong những trường đại học hàng đầu thế giới cả về học thuật lẫn phong trào thể thao. Sau đó, Vivian lấy tiếp bằng thạc sĩ ngành luật ở ĐH Renmin (Trung Quốc). Và đầu năm nay, cô đăng ký học tiến sĩ ở ĐH Trung Quốc (Hong Kong).
Ngay sau khi giành HCV đấu kiếm ở Paris 2024, Vivian tuyên bố giải nghệ. “Tôi muốn tập trung tối đa cho việc học và sau đó là cống hiến hết mình cho quê hương Hong Kong. Tôi đang hướng đến một sự nghiệp mới với mong muốn hỗ trợ trẻ em có thể chơi thể thao và tận hưởng niềm vui”, Vivian chia sẻ.
Cũng như Thomas, Vivian ấp ủ nhiều dự án cộng đồng. Và cô đã công bố sẽ dùng toàn bộ số tiền thưởng 6 triệu đô la Hong Kong (19,4 tỉ đồng) để lập dự án từ thiện.
Sự nghiệp kỳ lạ của Faulkner
Cua rơ người Mỹ Kristen Faulkner lại là một trường hợp đặc biệt khác. Năm 2016, Faulker lấy bằng cử nhân ngành khoa học máy tính ở ĐH Harvard. Ở thời điểm đó, Faulkner chỉ chơi thể thao cho khỏe. Môn thể thao yêu thích của Faulkner thậm chí không phải là xe đạp mà là chèo thuyền và leo núi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Faulkner đến New York vào năm 2017 để bắt đầu công việc của một chuyên viên phân tích tài chính. Đó cũng là thời điểm Faulkner làm quen với xe đạp đường trường, như một cách cân bằng cuộc sống. Và thật khó tin, cua rơ tay ngang này chứng tỏ tiềm năng khó tin với xe đạp. Chỉ một năm sau đó, Faulkner đã tham gia vào một CLB xe đạp chuyên nghiệp.
Sau nhiều năm làm cùng lúc hai việc, Faulkner quyết định tạm dừng công việc chuyên viên tài chính để tập trung cho sự nghiệp thể thao vào năm 2021. Không lâu sau đó, cựu sinh viên Harvard trở thành cái tên quen thuộc của những giải đấu quốc tế. Và ngay trong lần đầu tiên dự Olympic, Faulkner giành luôn HCV nội dung xe đạp đường trường.
Thành công của Faulkner gần như phá vỡ mọi quy tắc về việc đào tạo, rèn luyện năng khiếu cho các VĐV trẻ. Thay vào đó, người hâm mộ có thể nhìn nhận thành công của cô theo một góc độ khác. Đó là những học sinh, sinh viên ở Mỹ được có nền tảng thể thao phong trào quá tốt. Vì vậy khi chuyển sang chơi chuyên nghiệp ở bất kỳ độ tuổi nào, họ cũng có thể trở thành những nhà vô địch.