Doanh nghiệp nữ chủ tịch 83 tuổi báo lãi tăng mạnh
Nữ doanh nhân nhiều tuổi nhất sàn chứng khoán là bà Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1941. 83 tuổi, bà Nhung đang giữ cương vị chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty CP Sơn Á Đông (ADP).
ADB được thành lập từ năm 1970 tại Sài Gòn, một trong hai nhà sản xuất lớn nhất khu vực miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Đến năm 1976, bà Nhung tiếp quản nhà máy, năm 2000 trở thành thành viên hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty.
Năm 2020, bà Nhung từng thôi giữ chức vụ chủ tịch nhưng hơn hai năm sau, nữ doanh nhân trở lại vị trí đứng đầu hội đồng quản trị ADP.
ADP có vốn điều lệ hơn 230 tỉ đồng. Theo báo cáo quản trị, tại thời điểm tháng 6-2024, bà Nhung nắm hơn 2,3 triệu cổ phần ADP, tương đương hơn 10% vốn doanh nghiệp.
Còn ông Võ Hồng Hà – tổng giám đốc công ty cũng là con trai bà Nhung, nắm hơn 2,5 triệu cổ phần, chiếm 11% vốn.
Ông Trần Bửu Trí, con rể nữ chủ tịch, cũng nắm hơn 11,36% vốn ADP, tương ứng 2,61 triệu cổ phần.
Báo cáo từ doanh nghiệp cho biết, tại thời điểm cuối năm 2023, ADP có tổng số 150 nhân viên. Thu nhập bình quân người lao động tăng từ mức 11 triệu đồng năm 2021 lên hơn 18,5 triệu đồng năm 2023.
Trên sàn chứng khoán, mỗi cổ phiếu ADP được giao dịch 30.650 đồng, tăng hơn 100% sau một năm trong bối cảnh kết quả kinh doanh doanh nghiệp được cải thiện.
Báo cáo tài chính quý 3-2024 vừa công bố cho thấy, doanh nghiệp của bà Nhung ghi nhận doanh thu đạt 628 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế gần 69 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi.
Nữ chủ tịch U90 nhận thu nhập khủng, bỏ xa ‘sếp’ ngân hàng
Một nữ doanh nhân U90 khác cũng tiếng tăm trên sàn chứng khoán, là bà Nguyễn Bạch Tuyết, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc của Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC).
Bà Tuyết sinh năm 1942 tại tỉnh Quảng Ngãi, được giới thiệu có trình độ chuyên môn là kỹ sư nông nghiệp. Nữ chủ tịch 82 tuổi này trước khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, có thời gian dài làm chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật (1976 – 1984).
Sau đó từ 1985 đến nay, bà Tuyết trải qua nhiều vị trí khác nhau tại VFC. Vị trí chủ tịch được bà Tuyết đảm nhiệm từ năm 2009 đến nay.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 cho biết bà Tuyết chỉ nắm 1,35% vốn tại VFC. Hai con ruột chủ tịch là Nguyễn Hoàng Anh và Nguyễn Hoàng Linh cũng sở hữu tỉ lệ không cao, lần lượt 0,55% và 0,38% vốn doanh nghiệp.
Riêng Thân Trọng Hoàn Mỹ – con dâu bà Tuyết, nắm 3,7% vốn. Song hầu hết các thành viên trong gia đình bà Tuyết không nắm giữ chức vụ nào tại hội đồng quản trị hay ban tổng giám đốc.
Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của VFC liên tục tăng trưởng. Năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp nông nghiệp này đạt 3.262 tỉ đồng, tăng gần 10% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt gần 300 tỉ đồng, tăng gần 30%.
Sang nửa đầu năm nay, doanh thu của VFC đạt gần 2.000 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ở mức 160 tỉ đồng, tăng 43%.
Kinh doanh khả quan, ở quý 1 vừa qua, bà Tuyết nhận thu nhập 22,35 tỉ đồng, cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mức thu nhập này cao thuộc top đầu sàn chứng khoán, vượt qua nhiều sếp ngân hàng.
Trong danh sách những nữ doanh nhân dù nhiều tuổi vẫn sôi nổi khí thế kinh doanh còn có bà Nguyễn Thị Hòe, chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova. Bà Hòe được nhiều người gọi là “bà hoàng” sơn Việt.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, bà Hòe từng cho biết, nhiều tuổi, bà vẫn di chuyển liên tục từ TP.HCM đến Hà Nội rồi Singapore, Campuchia, Malaysia… để điều hành việc sản xuất tại các nhà máy.
Các nữ doanh nhân khác U80 còn có bà Nguyễn Thị Mai Thanh – chủ tịch REE (72 tuổi), hay bà Ngô Thị Thông – chủ tịch Ngô Han (72 tuổi).