Di sản ấy cho thấy chân dung ông, một nhà tư tưởng, nhà văn hóa của dân tộc, một con người dành trọn cuộc đời cho dân, cho nước.
Những bài viết nửa thế kỷ vẫn nguyên giá trị
Một trong những cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng nhân dân, bạn đọc là cuốn sách về phòng chống tham nhũng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh (NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, 2023).
Điều đặc biệt, cuốn sách có những bài viết cách đây nửa thế kỷ khi Tổng bí thư còn là biên tập viên 29 tuổi của Tạp chí Cộng Sản, như bài Bệnh sợ trách nhiệm đăng trên Tạp chí Cộng Sản năm 1973, hay bài Móc ngoặc, Làm xiếc, Của công, của riêng... Để thấy khi còn trẻ, Tổng bí thư đã trăn trở, suy nghĩ và tỏ rõ thái độ lên án, phê phán những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên. Quan điểm này xuyên suốt trong cả cuộc đời ông, đẩy lên mạnh mẽ hơn khi ông nắm giữ các trọng trách quan trọng của đất nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong một hội thảo khoa học về phòng chống tham nhũng tại TP.HCM đã đánh giá cuốn sách của Tổng bí thư là kim chỉ nam trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, là tài liệu có giá trị cao về lý luận và thực tiễn. Sách đồng thời cũng là lời hiệu triệu thuyết phục nhất, động viên, củng cố thêm niềm tin, sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục cuộc chiến đấu có ý nghĩa hệ trọng này.
Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất
Cuốn sách Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất (Những phát biểu chỉ đạo, bài viết và hình ảnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam) cũng ra mắt năm 2023, tổng hợp, chắt lọc những ý kiến chỉ đạo, bài viết và hình ảnh của Tổng bí thư với lực lượng Công an nhân dân.
Tổng bí thư nhắc nhở lực lượng Công an nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, lời chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 vào tháng 1-2018: “Toàn thể công an nhân dân hãy luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được lời thề: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Còn Đảng thì còn mình”, “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”!”.
Nay những lời đó không chỉ trở thành lời thề cho lực lượng công an tự soi, tự sửa, mà còn trở thành châm ngôn sống của nhiều người. Đây cũng là câu nói cộng đồng mạng nhắc đến nhiều nhất những ngày này để mô tả chân dung Tổng bí thư, một tấm gương liêm khiết, luôn coi “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chứ không phải tiền tài danh vọng.
Nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng
Sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ra mắt bạn đọc đầu năm 2022, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Một năm sau, sách được xuất bản bằng bảy ngoại ngữ Anh, Trung Quốc, Lào, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan, với 11.000 bản sách giấy và sách điện tử.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá đây là một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng của Đảng về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, trên cơ sở vận dụng, sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng ở Việt Nam.
Đồng thời tác giả kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng bản sắc riêng. Những luận giải khoa học, khách quan cùng những dẫn chứng thực tiễn của Tổng bí thư về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội được minh chứng bằng thực tiễn công cuộc đổi mới của Việt Nam đã có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với dư luận trong nước cũng như quốc tế.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra mắt tháng 6-2024 gửi gắm những thông điệp sâu sắc của Tổng bí thư đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa, theo đánh giá của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Các bài phát biểu, bài viết trong sách thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập…
Sách còn in bài báo của ông trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 11-1968, bài Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu. Đây là một trong những bài báo đầu tiên của ông, rút gọn từ luận văn tốt nghiệp khoa văn, Đại học Tổng hợp.
Với cuốn sách này, ông Nghĩa gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà văn hóa, nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hóa của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc lĩnh vực văn hóa; và Hội nghị toàn quốc về văn hóa được tổ chức lần thứ 2 sau hơn 70 năm, đã tạo ra một khí thế mới trong phát triển văn hóa văn nghệ của đất nước.
“Sách là văn bia để đời”
Là người trực tiếp tham gia biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó giám đốc – phó tổng biên tập NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật Phạm Thị Thinh cho biết đó là vinh dự và trách nhiệm lớn mà bà có được. Đồng thời bà cũng học được rất nhiều bài học lớn từ Tổng bí thư trong quá trình làm sách của ông.
Bà Thinh kể bà còn nhớ Tổng bí thư luôn dặn, sách là văn bia để đời, do vậy mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác, bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải… Bà Thinh cũng học được bài học lớn từ lối làm việc vô cùng nghiêm cẩn tới từng chi tiết nhỏ nhất, từng chữ, từng hình ảnh của Tổng bí thư.
Qua việc tham gia biên tập và đọc kỹ toàn bộ hệ thống các bài viết của Tổng bí thư trên tất cả các lĩnh vực, bà Thinh xúc động nhận ra Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách lớn, đầy bản lĩnh, một trí tuệ mẫn tiệp, tư duy khoa học biện chứng, vượt lên những suy nghĩ thông thường.