Nỗ lực khôi phục sản xuất sau bão Yagi

Bảy nhà máy LG có vốn đầu tư hơn 8,4 tỉ USD hoạt động bình thường sau bão Yagi – Ảnh: B.NGỌC

Những ngày bão, nhiều ngư dân nuôi trồng thủy hải sản ở huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả chưa hết bàng hoàng vì nhà bè, ao nuôi tiền tỉ tan nát sau bão.

Đề nghị ngân hàng chia sẻ khó khăn

Kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại của các hộ nuôi trồng thủy hải sản tại huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả, bà Trịnh Thị Minh Thanh, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, đánh giá thiệt hại về tài sản của người dân trong nuôi trồng thủy hải sản do bão là rất lớn. 

Với số lượng lồng bè, giàn nuôi hàu của người dân bị thiệt hại lớn, bà Thanh yêu cầu địa phương xây dựng giải pháp tổng thể để khôi phục nghề nuôi biển theo hướng bền vững hơn, nhất là trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp.

Theo thống kê ban đầu, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng với hoạt động nuôi trồng thủy hải sản trên biển tại huyện Vân Đồn, ước tính thiệt hại nuôi trồng thủy hải sản ở huyện khoảng 2.200 tỉ đồng. Còn tại TP Cẩm Phả có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại do bão Yagi, tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng.

Tối 11-9, ông Cao Tường Huy, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã làm việc với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để thảo luận, thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng của cơn bão Yagi.

Theo tỉnh Quảng Ninh, ở tỉnh có hơn 11.000 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỉ đồng đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão Yagi, trong đó có nhiều người nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng rất nặng nề. 

Để vượt qua khó khăn sau bão, ông Huy đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với khách hàng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bão, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão.

Ông Huy cũng đề nghị các ngân hàng xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, nghiên cứu việc tiếp tục cho vay mới đối với doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại do bão để họ có thể khôi phục sản xuất kinh doanh. Thực hiện xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả.

Miễn giảm thuế phí, lãi ngân hàng

Sau khi khảo sát thiệt hại sau bão Yagi tại Quảng Ninh, Hải Phòng, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho hay có rất nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân bị thiệt hại, gần như bị mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp được trong thời gian trước mắt. 

Đánh giá sơ bộ của NHNN chi nhánh Quảng Ninh và Hải Phòng, hiện có tổng số gần 12.000 khách hàng với tổng dư nợ hơn 23.100 tỉ đồng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ông Tú thông tin NHNN đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại phải tập trung hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người dân và hộ vay vốn khắc phục ngay các khó khăn do bão gây ra. NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn. 

Với những khoản nợ sắp tới hạn, giải pháp hỗ trợ cũng nên rất tích cực cho khách hàng vay vốn. Hơn nữa các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay mới để doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng. Còn các khoản nợ cũ, phía ngân hàng cần xem xét giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế.

Về giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão Yagi, trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng vừa có công điện 92 yêu cầu bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định. 

Thực hiện chỉ đạo này, lãnh đạo Bộ Tài chính đang giao các đơn vị như: Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Tổng cục Thuế rà soát các chính sách để có hướng dẫn chính sách hỗ trợ kịp thời tới người nộp thuế bị thiệt hại do bão Yagi và mưa lũ.

Nỗ lực khôi phục sản xuất sau bão Yagi - Ảnh 2.

Hơn 20 tấn chuối có nguy cơ bị đổ bỏ trong vùng bão lũ được doanh nghiệp thu mua để làm chuối sấy – Ảnh: NGỌC AN

Nhà máy trong khu công nghiệp đã sản xuất trở lại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Quân, phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng, thông tin những ngày qua UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả do bão. 

Đối với việc khôi phục lưới điện tại Hải Phòng, theo ông Quân, TP đã khôi phục 4/4 trạm 220kV và 36/38 trạm 110kV, còn trạm 110KV xi măng Chinfon đang chờ khôi phục do nguồn phía Quảng Ninh đang sửa chữa và trạm 110kV Cát Bà do đường dây vượt biển không đảm bảo vận hành 110kV. 

Đến nay, Hải Phòng đã cấp điện cho khu vực nội thành, khu vực ngoại thành đã cấp điện cho khoảng 60% địa bàn.

Hệ thống viễn thông của TP cơ bản được khôi phục. Với hệ thống cấp nước, đến nay Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đã vận hành 9 nhà máy nước do công ty quản lý, cấp nước cho 100% dân cư khu vực các quận nội thành và một số vùng phục vụ các huyện ngoại thành. 

Tại các khu công nghiệp, đến nay TP Hải Phòng đã được phục hồi hệ thống điện, nước, viễn thông theo địa bàn hành chính. Các doanh nghiệp cũng đang tiếp tục tích cực khắc phục thiệt hại của doanh nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại có 90 – 95% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã sản xuất trở lại.

Ông Lê Trung Kiên, trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thông tin tính đến cuối ngày 12-9, hầu hết các khu công nghiệp, khu kinh tế đã hoạt động trở lại. Để đưa các nhà máy hoạt động trở lại, Hải Phòng đã tập trung khôi phục việc cấp điện, mạng viễn thông tại các khu công nghiệp, còn các doanh nghiệp đã tự khắc phục tình trạng nhà xưởng bị tốc mái do bão.

Khôi phục điện, than để sản xuất trở lại

Vùng sản xuất than tại Quảng Ninh là một trong những địa bàn bị chịu thiệt hại nặng nề. Đến ngày 12-9, nhiều nhà máy đã hoạt động sản xuất trở lại sau 4 ngày nỗ lực khắc phục, dọn dẹp. Ông Ngô Hoàng Ngân, chủ tịch Tập đoàn TKV, đã trực tiếp xuống các mỏ để khắc phục, xử lý các sự cố một cách nhanh nhất.

Theo ông Ngân, bằng mọi cách, các đơn vị phải bảo vệ an toàn cho hệ thống hầm bơm và trạm điện, nơi được coi là trái tim của mỏ hầm lò. Đồng thời, tiếp tục duy trì công tác trực hằng ngày, khắc phục hậu quả của bão cho đến khi sản xuất hoạt động ổn định trở lại.

Tương tự, toàn bộ nguồn điện cung cấp cho các nhà máy than đã sản xuất trở lại. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến trưa 12-9 đã khôi phục vận hành được 1.393/1.671 đường dây trung áp bị sự cố do ảnh hưởng bão.

Đồng thời có gần 5,3 triệu khách hàng trên tổng số khoảng 6 triệu khách hàng bị ảnh hưởng do bão và lũ lụt (tương ứng với tỉ lệ hơn 88%) được cấp điện trở lại.

Nỗ lực khôi phục sản xuất sau bão Yagi - Ảnh 3.Nhiều vùng sản xuất phía Bắc lo thiếu hàng

Nhiều khu sản xuất rau, nuôi trồng thủy sản ở miền Bắc bị tàn phá do ảnh hưởng của bão lũ không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người sản xuất, mà còn có nguy cơ thiếu nguồn cung thời gian tới.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *