Thật sự không quá ngạc nhiên khi giải Nobel kinh tế năm nay được trao cho ba nhà kinh tế học Mỹ về thể chế, gồm Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson vì nghiên cứu tiên phong của họ về cách các thể chế định hình nên sự thịnh vượng của các quốc gia.
Công trình của các giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Chicago cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các yếu tố quyết định sự tăng trưởng và thịnh vượng của quốc gia này trong khi những quốc gia khác lại mắc kẹt trong nghèo đói và lạc hậu.
Nói cách khác, nghiên cứu của ba nhà kinh tế học thể chế đã giúp khám phá vai trò của các thể chế trong việc xác định liệu một quốc gia có phát triển hay vẫn mắc kẹt trong nghèo đói.
Ông JAKOB SVENSSON (chủ tịch Ủy ban giải Khoa học kinh tế) cho rằng ba tác giả đoạt giải đã xác định được nguồn gốc lịch sử của các môi trường thể chế yếu kém là đặc trưng của nhiều quốc gia thu nhập thấp ngày nay.
Tầm quan trọng của các thể chế tiến bộ
Đối với các quốc gia đang phát triển và mới nổi như Việt Nam, giải Nobel kinh tế (còn gọi là Nobel khoa học kinh tế) năm nay mang lại những bài học sâu sắc và ý nghĩa về tầm quan trọng của các thể chế tiến bộ và dung hợp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy các cải cách về thể chế.
Trong nhiều nghiên cứu của mình, nổi bật trong số đó là quyển sách nổi tiếng Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói (Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty), Daron Acemoglu và James Robinson lập luận rằng một số quốc gia giàu có và thịnh vượng hơn những quốc gia khác là do các thể chế chính trị và kinh tế của họ chứ không phải do khí hậu, địa lý hoặc văn hóa của quốc gia đó.
Nói khác đi, chính thể chế – bao gồm cả thể chế chính trị và kinh tế – sẽ định hình nên số phận của mình chứ không phải là định mệnh. Các thể chế tốt (được gọi là thể chế “bao trùm” hay “dung hợp”) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển và thịnh vượng; trong khi các thể chế xấu (thể chế “khai thác” hay “tước đoạt”) sẽ khiến các quốc gia trở nên kém hấp dẫn, bất ổn, ngày càng nghèo đói.
Các thể chế “bao trùm” thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của người dân và toàn xã hội vào đời sống kinh tế và chính trị, bảo vệ quyền kinh doanh, quyền tài sản và khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Ngược lại ở các nhà nước với thể chế “tước đoạt”, quyền lực và của cải thường được tập trung vào tay một nhóm tinh hoa nhỏ, hạn chế sự tham gia của người dân và thường kìm hãm sự đổi mới.
Các thể chế “dung hợp” tạo điều kiện cho mọi người dân, ai cũng có quyền và cơ hội đóng góp vào hoạt động kinh tế và hưởng lợi từ thành quả của tăng trưởng. Trong khi đó các thể chế “khai thác” được thiết kế để khai thác tài nguyên, tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, vì lợi ích của một số ít người, dẫn đến chu kỳ đói nghèo, bất bình đẳng và tụt hậu.
Nhiều bài học sâu sắc cho Việt Nam
Có thể nói giải Nobel kinh tế năm 2024 mang lại nhiều bài học sâu sắc và quan trọng đối với Việt Nam, nhất là trong giai đoạn Đảng và Nhà nước đang ra sức đẩy mạnh cải cách thể chế như là một trong ba đột phá chiến lược.
Công cuộc đổi mới và mở cửa kinh tế đất nước được tiến hành cách đây gần bốn thập niên, có hình thức là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường nhưng bản chất của nó là chuyển sang áp dụng các thể chế kinh tế có tính dung hợp và bao trùm hơn.
Những cải cách đó đã góp phần quyết định việc giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, quán tính của những cải cách cũ không còn nữa và cần phải tạo ra động lực mạnh mẽ cho cải cách thể chế để có thể duy trì được quỹ đạo tăng trưởng, đưa nước ta trở thành nước thu nhập cao đến năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Bài học từ các nghiên cứu của Acemoglu (người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ), Johnson và Robinson (người Mỹ gốc Anh) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng và duy trì các thể chế “dung hợp” nhằm thúc đẩy tính minh bạch, quản trị tốt và sự tham gia rộng rãi của mọi thành phần vào quá trình ra quyết định kinh tế.
Công trình của các giáo sư có lẽ đã giúp Việt Nam tìm ra những lời giải để giải quyết các thách thức phát triển của mình, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Các thể chế “dung hợp” đó không thể nào khác hơn là phải bảo đảm quyền tài sản cho người dân, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, phát huy tinh thần kinh doanh lành mạnh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng chống chịu, tăng cường hội nhập và đa dạng hóa kinh tế, thúc đẩy tiến bộ về kinh tế và sự thăng tiến của toàn xã hội.
Ngoài việc tạo dựng các thể chế tốt, những bài học quan trọng rút ra từ các nghiên cứu của Acemoglu, Johnson và Robinson còn là tránh các thể chế “khai thác”, nơi quyền lực kinh tế tập trung vào tay một nhóm tinh hoa nhỏ, các nhóm đặc quyền đặc lợi, dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng và làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước.
Đây là vấn đề phổ biến mà nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi thường gặp phải, nơi mà các cải cách thể chế có lợi cho toàn bộ người dân thường bị phản đối bởi một nhóm nhỏ đặc quyền.
Đối với Việt Nam, điều này hàm ý sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực chống tham nhũng, lãng phí và đảm bảo trách nhiệm giải trình kết quả trước nhân dân.
Thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng được Đảng tiến hành đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, bước đầu tạo dựng được niềm tin của nhân dân, song thiết nghĩ chúng ta cũng cần phải cải cách những tồn tại trên phương diện thể chế theo hướng toàn diện và bao trùm hơn mới là giải pháp căn cơ để chống tham nhũng, lãng phí.
Chỉ bằng cách đó, nước ta mới có thể ươm dưỡng được môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và phát huy tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, hướng đến sự thịnh vượng cho quốc gia, dân tộc.