Tại khu vực cảng neo đậu tàu thuyền của Hải đội 2 (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh), các cán bộ, chiến sĩ đang khẩn trương đưa tàu của đơn vị ra các vị trí kín gió để tránh trú bão, cũng như làm nhiệm vụ tuyên truyền, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão.
Quảng Ninh hối hả đưa tàu thuyền đến nơi trú bão, phòng tâm bão số 3 đổ bộ – Video: CHÍ TUỆ – NGUYỄN KHÁNH
Trên chiếc xuồng chạy quanh khu vực ven biển thành phố Hạ Long, thiếu tá Nguyễn Bình Phương (nhân viên kiểm soát hành chính Hải đội 2) cùng đồng đội đến từng tàu thuyền còn đang hoạt động tuyên truyền.
“Theo dự báo, bão số 3 đã mạnh lên cấp 16, giật trên cấp 17 và có khả năng đi vào vùng biển cũng như đất liền tỉnh Quảng Ninh, bà con khẩn trương đưa tàu thuyền về nơi neo đậu, tránh trú bão để bảo đảm an toàn” – thiếu tá Phương nói, và đề nghị các ngư dân hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tránh trú bão. Nếu có sự cố thì thông tin kịp thời đến lực lượng biên phòng.
Trung tá Phạm Hồng Tuyến, chính trị viên Hải đội 2 (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh), cho biết để ứng phó với siêu bão Yagi, đơn vị huy động 19 cán bộ, chiến sĩ cùng 9 tàu, xuồng thường trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm khi có lệnh.
“Từ sáng 5-9, Hải đội 2 đã bố trí 2 xuồng với 10 cán bộ, chiến sĩ đi giúp người dân chằng chống nhà cửa, gia cố và di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản, tàu thuyền vào vị trí an toàn” – trung tá Tuyến nói.
Ông cũng cho biết đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó với bão, và tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống bão.
Theo trung tá Tuyến, Hải đội 2 xác định các tuyến biển ven bờ các huyện Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn, TP Hạ Long, Cẩm Phả là địa bàn có khả năng xảy ra dông lốc, gây đắm, chìm tàu, thuyền.
Do đó, đơn vị yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ duy trì nghiêm các chế độ trực, tăng cường canh trực thông tin tìm kiếm cứu nạn, nắm chắc tình hình người, phương tiện đang hoạt động trên biển và cùng chủ tàu, thuyền trưởng kêu gọi, hướng dẫn cho tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn; hoặc hướng dẫn di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm của bão.
Ông Nghiêm Xuân Cường, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, Quảng Ninh đã chỉ đạo tất cả các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Trong đó, đã huy động gần 2.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ứng trực tại các địa bàn được phân công.
Các lực lượng chức năng đã kêu gọi gần 5.600 tàu thuyền về các khu vực neo đậu tránh trú bão. Tỉnh Quảng Ninh cấm biển từ 11h ngày 6-9.
Khoảng 2.900 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển với gần 3.000 lao động đã thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ từ ngày 4-9 và việc di dời này xong trước 16h ngày 6-9. Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh… khi bão đổ bộ.
Theo ông Cường, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu tổ chức nạo vét, phát quang, khơi thông dòng chảy hệ thống mương, suối, cống thoát nước trên địa bàn để phòng chống ngập úng. Tổ chức cắt tỉa cành, nhánh, chằng chống cây xanh, gia cố lại các biển quảng cáo, cột viễn thông, kiến trúc cao tầng… để đảm bảo an toàn và tập trung chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, xong trước 16h ngày 6-9.
Đồng thời chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình mưa, bão chủ động chỉ đạo học sinh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.