Nóng bỏng khẩu chiến ở UEFA Nations League

Tuyển Anh (phải) chơi không hết mình trong cả hai trận đấu ở UEFA Nations League – Ảnh: Reuters

Đó là một cuộc chiến đã được châm ngòi từ hơn 1 năm qua bởi De Bruyne, bởi hai HLV Pep Guardiola và Jurgen Klopp, và bởi rất nhiều ngôi sao bóng đá khác.

Manh nha cuộc đình công của làng bóng đá

“Tôi sẵn sàng tham gia đình công cùng các đồng nghiệp”, trung vệ Ibrahima Konate phát pháo ngay khi vừa lên tuyển trong đợt tập trung tháng 10. Đó không hề là một lời bông đùa, khi làn sóng phản đối UEFA ngày càng dâng cao trong thời gian qua. 

Những ca chấn thương ám ảnh của Rodri, Carvajal và rất nhiều ngôi sao khác cho thấy điều mà làng bóng đá lo sợ những năm qua đã bắt đầu trở thành hiện thực. Các cầu thủ không thể chịu nổi lịch thi đấu quá khắc nghiệt mà FIFA và LĐBĐ châu Âu (UEFA) bủa vây quanh họ.

Hồi tháng 7, Liên đoàn Cầu thủ bóng đá toàn cầu (FIFPro) cùng Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp ở Anh (PFA) đã cùng nhau gửi thư đe dọa sẽ kiện FIFA vì vấn đề lạm dụng quyền lực trong việc tổ chức các giải đấu. 

Cụ thể, FIFA đã đưa ra hai quyết định quan trọng không nhận được sự ủng hộ từ các CLB. Đó là tăng quy mô World Cup từ 32 lên 36 đội, và tăng quy mô FIFA Club World Cup lên đến 32 đội. Kết hợp với đó là việc UEFA cũng mở rộng quy mô Champions League từ 32 lên 36 đội. Các cầu thủ của những đội bóng lớn ước tính phải tăng số trận đấu tối đa khoảng 10 – 15%.

Trong thế giới thể thao đỉnh cao, chỉ một sự thay đổi nhỏ dao động vài % đã đủ để đẩy cơ thể các VĐV vượt qua ngưỡng giới hạn. Việc FIFA, UEFA hè nhau tăng vô tội vạ các trận đấu đang ngày càng khiến các cầu thủ bức xúc.

Và đáp trả lại những lời chỉ trích là phát biểu lạnh lùng của chủ tịch UEFA – ông Aleksandr Ceferin: “Ai đang phàn nàn? Tôi chỉ nghe thấy những cầu thủ có mức lương cao ngất ngưởng là lên tiếng phàn nàn. Những người khác thì không”.

Nóng bỏng khẩu chiến ở UEFA Nations League - Ảnh 2.

Mbappe không tập trung đội tuyển quốc gia Pháp đợt này – Ảnh: REUTERS

Dậy sóng phản đối

Ngay lập tức lời phát biểu này của ông Ceferin càng làm dậy sóng phản đối. Khi UEFA và FIFA mở rộng các giải đấu của mình, những ngôi sao hàng đầu là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nói vậy do phải là ngôi sao hàng đầu mới được gọi lên tuyển quốc gia hay thi đấu ở Champions League, ở FIFA Club World Cup… Trong khi đó, sức chịu đựng của con người là có giới hạn.

Những ca chấn thương như của Rodri – người đã chơi hơn 60 trận đấu (hầu hết là đá trọn 90 phút) trong mùa giải trước – là hồi chuông cảnh báo cuối cùng. Nên nhớ đây mới chỉ là tháng 10 – thời điểm mùa giải cấp CLB vẫn còn đang trong giai đoạn khởi động. Trong khi chờ đợi FIFPro và các tổ chức khác đấu tranh với FIFA và UEFA, các đội bóng, các HLV và cầu thủ gần như đã đạt được “hiệp định” để bảo vệ sức khỏe cho người trong cuộc. 

Lượt trận quốc tế tháng 10 chứng kiến nhiều ngôi sao từ Vinicius, Havertz, Mainoo cho đến Mbappe, Musiala… đã rút khỏi đội tuyển quốc gia vì những chấn thương không rõ ràng. Và kể cả khi ra sân, các HLV đội tuyển quốc gia vẫn hướng đến việc bảo vệ học trò của mình.

Ở tuyển Ai Cập, Salah được phép rời đội sớm sau khi đá trận đầu tiên (thắng Mauritania ở lượt đi vòng loại AFCON). Ở tuyển Argentina, Mac Allister tuy lên tuyển nhưng không vào sân phút nào trong trận gặp Venezuela – nơi có sân đấu ướt sũng nước khá nguy hiểm. Ở tuyển Anh, HLV Lee Carsley luân phiên sử dụng nhiều đội hình khác nhau để giữ sức cho nhiều cầu thủ…

Đó là cách làng bóng đá tự cứu lấy mình, khi FIFA và UEFA ngày càng chạy theo tiền bạc. Một cuộc “đình công” ở phạm vi nhỏ và sẵn sàng bùng cháy ngọn lửa phẫn nộ khi hai cơ quan đầu não của làng bóng đá thế giới cứ mặc sức sáng tạo, bất chấp những rủi ro về sức khỏe người trong cuộc.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *