Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại toạ đàm “Vai trò của nông nghiệp đối với Việt Nam trong định hướng phát triển 2045”. Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ chương trình “Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt”, diễn ra từ ngày 16 đến 17-8 tại TPHCM.
Nâng cao thương hiệu nông sản, nhân ba giá trị xuất khẩu
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap, cho biết Việt Nam tự hào với nền nông nghiệp phát triển, là ngành xuất khẩu tỉ đô. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô.
“Nếu biết cách gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể tăng giá trị xuất khẩu gấp đôi, thậm chí gấp ba lần” ông Tùng khẳng định.
Nhớ lại thời điểm 6 năm trước, ông Tùng chia sẻ trà Ô Long của Việt Nam khi đó chỉ bán được với giá 9 đô/kg, trong khi Đài Loan xuất khẩu cùng loại trà này sang Mỹ với giá lên tới 100 đô/kg.
“Đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của việc xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị sản phẩm. Chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia của Đài Loan đã giúp họ tạo ra sự chênh lệch giá trị lớn như vậy”, ông Tùng nhấn mạnh.
Bài học từ Thái Lan và New Zealand
Tại toạ đàm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nhấn mạnh nông nghiệp bền vững, chất lượng cao là chìa khóa nâng cao giá trị nông sản Việt.
Bà dẫn chứng từ bài học của Thái Lan trong việc nâng cao thương hiệu sầu riêng. Việc nghiên cứu tăng độ khô của sầu riêng từ 32 lên 35 độ không chỉ đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Trung Quốc mà còn tạo dựng uy tín quốc tế cho sầu riêng Thái.
Theo bà Hạnh, thành công này là kết quả của một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, trong đó chính phủ Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong ban hành các chính sách hỗ trợ từ cấp xã đến cấp tỉnh, đảm bảo quản lý nông nghiệp được thực hiện nghiêm túc và chuyên nghiệp. Đồng thời, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp cũng đóng vai trò then chốt, giúp nông dân tìm kiếm thị trường và phát triển giống mới.
“Để nông dân trở nên chuyên nghiệp, họ chỉ cần tập trung duy nhất một nhiệm vụ là đảm bảo chất lượng sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế chứ không phải tìm kiếm thị trường hay nghiên cứu khoa học” bà Hạnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay sát nhập với Bộ NN và PTNT) – cũng chia sẻ một ví dụ thành công khác từ New Zealand.
Ban đầu, đất nước này có tới 1.700 thương hiệu kiwi cạnh tranh nhau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hợp tác và xây dựng thương hiệu chung Zespri, họ đã tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và tiếp thị, đảm bảo chất lượng và sự đồng nhất trong quảng bá. Nhờ đó, thương hiệu Zespri không chỉ nổi tiếng trong nước mà ghi dấu ấn toàn cầu.
Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà ngoại giao kỳ cựu và hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, là người tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Với mong muốn khẳng định hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, bà Ninh đã khởi xướng và dẫn dắt diễn đàn này.
Trong vai trò trưởng ban tổ chức, bà Ninh cho hay “câu chuyện Việt Nam” sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động, thể hiện những giá trị độc đáo của đất nước và con người Việt Nam.
Sau 50 năm tái thiết và phát triển, đã đến lúc Việt Nam tỏa sáng, khẳng định vị thế và đóng góp của mình vào nỗ lực toàn cầu vì hòa bình, phát triển bền vững và hạnh phúc.
Diễn đàn quy tụ hơn 70 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thảo luận từ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, cùng nhiều tọa đàm chuyên sâu như: Xác định và xây dựng thương hiệu Việt Nam; căn tính của người Việt và dân tộc Việt Nam; dấu ấn Việt Nam trong việc kết nối với thế giới,…