Xin hỏi:
1. Chúng tôi có thể căn cứ quy định nào để khiếu nại, tố cáo những người tự ý đăng ảnh người đã mất từ rất lâu lên mạng xã hội và bịa đặt thông tin, vu khống người đã mất? Có thể gửi đơn tới cơ quan nào?
2) Cụ nội tôi có rất đông con, cháu, chắt.
– Một người cháu tên A. (không được đại gia đình cho phép độc quyền sử dụng hình ảnh của cụ) tặng ảnh chân dung cụ cho người tên B. để ông B. đăng lên mạng xã hội. Vậy các cháu chắt khác có quyền yêu cầu ông B. không được đăng ảnh cụ không?
– Ngay sau đó, một người bán đồ ăn online đăng ảnh cụ nội tôi lên mạng xã hội. Tôi yêu cầu gỡ ảnh nhưng người này không chịu với lý do ông A. đã đồng ý cho ông B. đăng. Vậy chúng tôi có thể khiếu nại người bán đồ ăn tới cơ quan có thẩm quyền không?
3. Chúng tôi có thể căn cứ quy định nào để khiếu nại, tố cáo cả nhóm quản trị viên các diễn đàn công khai đã cho phép các thành viên đăng thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật?
– Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Những người lạ tự ý đăng hình ảnh cụ nội, ông nội (đã mất) của anh lên mạng xã hội kèm thông tin bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự.
Đây có thể được xem là hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội.
Theo đó, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội này có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu tính chất mức độ của hành vi vi phạm là nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh như:
– Tội làm nhục người khác với mức hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.
– Tội vu khống với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
– Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
– Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù (điều 155, điều 156, điều 288, điều 331 Bộ luật Hình sự).
Do đó, anh có quyền làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật nêu trên đến cơ quan Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan công an cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết (theo điểm b khoản 2 điều 114, điểm b khoản 4 điều 116 nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 14/2022/NĐ-CP).
Với ý thứ 2 của câu hỏi này, xin trả lời như sau:
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… là những quyền nhân thân của cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người đã mất phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó.
Trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ người đã mất, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được quy định tại điều 32 Bộ luật Dân sự như sau:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ngoại trừ trường hợp sử dụng hình ảnh không cần sự đồng ý theo quy định tại khoản 2 điều 32 Bộ luật Dân sự, những trường hợp còn lại khi sử dụng hình ảnh của người qua đời cần có sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người đã mất.
Nếu người cháu tên A., ông B., người bán đồ ăn chưa được sự đồng ý để sử dụng hình ảnh của cụ nội thì vợ, chồng hoặc con thành niên của cụ nội có quyền yêu cầu những người vi phạm gỡ bỏ thông tin trên mạng xã hội, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của cụ.
Về khiếu nại, có thể giải quyết theo thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội (trong đó có quy định cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các thành viên mạng xã hội với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội hoặc với tổ chức, cá nhân khác) theo nghị định 72/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 27/2018/NĐ-CP).
Ý thứ ba của câu hỏi, nội dung trả lời như sau:
Điều 5 nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định những hành vi bị cấm như: Hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có quyền và nghĩa vụ: Kiểm tra, giám sát, loại bỏ những thông tin công cộng có nội dung vi phạm quy định tại điều 5 nghị định này ngay khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có quyền và nghĩa vụ: Không được chủ động cung cấp thông tin công cộng có nội dung vi phạm quy định tại điều 5 nghị định này; Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm quy định khi có yêu cầu.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, anh có quyền yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội loại bỏ thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật.
Anh cũng có thể làm đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan công an cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].