Đụng độ hạt nhân là mối lo an ninh lớn nhất cho các nước phương Tây khi tiếp cận cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Vì tránh đối đầu trực diện theo kịch bản “Thế chiến 3” và tránh leo thang hạt nhân, phương Tây từng không cho phép Ukraine dùng vũ khí do họ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga. Nhưng ràng buộc này được nới lỏng với mục đích “tự vệ” kể cả khi Ukraine tập kích vùng Kursk thuộc Nga.
Điều này khiến phía Nga nhanh chóng phản đối và đưa ra những cảnh báo. Theo ông Lavrov, Ukraine đã “tống tiền” phương Tây khi yêu cầu được phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí viện trợ.
Ngoại trưởng Nga nhắc lại rằng Matxcơva đã điều chỉnh học thuyết về vũ khí hạt nhân, và rằng việc các cường quốc hạt nhân phương Tây đang “đùa với lửa” là chuyện hết sức nguy hiểm.
Cũng trong hôm 27-8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định sự tham gia của Mỹ vào chiến dịch vùng Kursk do Ukraine đang triển khai là “sự thật hiển nhiên”.
Trước đó, Mỹ từng nói Ukraine không hề thông báo cho Washington về việc xâm nhập vùng Kursk vào ngày 6-8. Phía Mỹ cũng nhấn mạnh không hề tham gia vào khâu nào trong chiến dịch của Ukraine.
Dù vậy theo ông Ryabkov, đây không còn là một lời cáo buộc nữa, mà sự tham gia của Mỹ đã quá rõ ràng.
“Con đường leo thang của Washington đang ngày càng thách thức. Rõ ràng các đồng nghiệp (Mỹ) của tôi đã không còn biết điều một chút nào, đồng thời họ tin rằng mọi thứ với họ đều được phép. Những cách tiếp cận tương tự cũng được khách hàng của họ tại Kiev theo đuổi”, vị này nói.
Thứ trưởng Nga khẳng định những hành động như trên có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng khi Nga phản ứng, và Washington đã hiểu rõ cách Matxcơva có thể đáp lại.
Nga từng nói vũ khí phương Tâu như xe tăng Anh và hệ thống rocket Mỹ đã được Ukraine sử dụng trong chiến dịch Kursk. Bản thân Ukraine cũng xác nhận đã dùng tên lửa HIMARS để đánh sập cây cầu tại Kursk.
Tờ New York Times của Mỹ trong khi đó đưa tin Anh và Mỹ đã cung cấp ảnh vệ tinh và một số thông tin khác cho Ukraine tại Kursk.