Cứ đầu tháng 8, ngay khi Báo Tuổi Trẻ công bố khởi động chương trình Tiếp sức đến trường, TS Nguyễn Thiện Tống lại gửi đi một lá thư vận động học bổng cho các tân sinh viên Thừa Thiên – Huế.
Tôi gặp thầy Tống tại TP.HCM tháng 8-2024 khi thư vừa gửi đi. Chốc chốc máy tính, điện thoại của thầy giáo ở tuổi 78 lại báo có tin nhắn mới, email mới. Câu chuyện với Tuổi Trẻ xoay quanh những tâm tình của thầy trong gần 20 năm vận động hàng ngàn học bổng.
* Chào thầy. Năm nay số học bổng Tiếp sức đến trường thầy vận động dành cho sinh viên Huế có biến động tăng giảm hay không?
– Thầy Nguyễn Thiện Tống: Tôi đang cố gắng vận động, để nếu không tăng được thì cũng không giảm, vẫn là 80 suất như năm trước.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không của trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, là người đã cùng báo Tuổi Trẻ sáng lập chương trình “Vì ngày mai phát triển” năm 1988. Thầy tham gia đóng góp cho học bổng Tiếp sức đến trường, và là người thành lập và điều hành Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên – Huế từ 2008 đến nay.
Mấy năm nay tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến việc vận động, nhất là khi tôi không phải tỉ phú, không có một câu lạc bộ doanh nghiệp doanh nhân yểm trợ, mà chỉ vận động trên người thân, bạn bè, học trò mình.
Năm ngoái, lượng học bổng vận động được giảm nhiều, tôi đã dùng hết khoản quỹ học bổng của gia đình mà vợ tôi dành dụm được để bù vào. Năm nay, hết khoản dự phòng ấy rồi, tôi đang cố gắng tương tác trên trang cá nhân để tìm thêm những nhà tài trợ mới.
* Từ ngày cùng với Tuổi Trẻ khởi đầu chương trình “Vì ngày mai phát triển” năm 1988, thầy đã bắt tay xây dựng nên nhiều dự án học bổng. Luôn tự nguyện và chủ động trợ giúp nhiều học sinh, sinh viên như vậy, việc “làm học bổng” với thầy cứ ngỡ đã mang lại rất nhiều niềm vui, nhưng xem ra cũng rất vất vả và nhiều nỗi niềm…
– Vui lắm chứ, nhưng cũng vất vả lắm, cũng như chính báo Tuổi Trẻ vậy. Mỗi năm công bố hàng ngàn suất học bổng, người đọc tin cũng như chính các em tân sinh viên dễ có cảm tưởng báo luôn sẵn có hàng chục tỉ đồng để chi, nhưng đâu phải như vậy.
Nếu ai đó xắn tay áo lên, tham gia vận động và đóng góp cùng chúng ta thì mới thấy rằng để có được một suất học bổng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
“Lượng sinh viên của Tiếp sức đến trường ra trường đã hơn một ngàn, cả chương trình là hơn chục ngàn. Tôi mong ước chỉ 1% trong số ấy quay lại với chương trình, thì đó là niềm hạnh phúc, động viên lớn nhất với chúng ta – những người tổ chức”.
Thầy Nguyễn Thiện Tống
Riêng với các tân sinh viên Thừa Thiên Huế mà tôi phụ trách, tôi luôn cố gắng cho các em cảm nhận được điều đó. Không chỉ bằng lời nói, cùng với học bổng, các em và cả các nhà tài trợ sẽ được nhận một danh sách liệt kê đầy đủ học bổng này do ai đóng góp.
Bằng cách ấy, các nhà tài trợ được biết đích xác sinh viên đã nhận 100% phần đóng góp của mình. Sinh viên thì được biết mình nhận học bổng của ai, và có khi đã có đến 10 người đóng góp mới đủ cho suất học bổng ấy.
Tôi làm vậy là thêm cho mình một phần việc tỉ mỉ và vất vả, nhưng với hy vọng gieo mầm lòng biết ơn, lan tỏa lòng nhân ái, để mỗi người đều có thêm động lực: nhà hảo tâm gắn bó lâu dài hơn và các bạn sinh viên có lòng quay lại với học bổng sau này.
Mong thêm nhiều cựu sinh viên quay lại với Tiếp sức đến trường
* Thư ngỏ của thầy đã được soạn với rất nhiều tâm huyết, thể hiện rõ những điểm riêng có của học bổng Tiếp sức đến trường khu vực Thừa Thiên Huế. Còn điều gì thầy vẫn ấp ủ, chưa nói ra trong thư ngỏ năm nay, thưa thầy?
– Còn nhiều chứ. Bắt tay vào làm, và làm thời gian lâu thì mới hiểu. Số học bổng của chúng tôi ít, rất ít so với số lượng học sinh nghèo, hiếu học ở Huế. Vì vậy, việc xét duyệt mỗi học bổng là một cuộc chấm điểm “cân não”.
Tôi lấy thang điểm 100, trong đó: gia cảnh 60 (gồm cả tuổi tác, nghề nghiệp của cha mẹ anh chị em), học tập 30 (điểm xét tuyển 15, điểm trung bình ba năm trung học 15), phẩm chất và nỗ lực cá nhân là 10 (giải thưởng, hoạt động cộng đồng xã hội, đi làm thêm).
Ngoài ra, tôi còn chấm thêm 2 điểm ưu tiên cho ngành học mà các em chọn: y nha dược, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp vì đó là những ngành thiết thực nhất cho tương lai và đòi hỏi nhiều nỗ lực học tập.
Nhiều người cùng tổ chức than phiền vì tôi thường trì hoãn thời điểm “kết sổ” danh sách sinh viên nhận học bổng, nhưng lúc nào tôi cũng chờ đến phút cuối. Trì hoãn thêm một ngày, một giờ là để chờ cơ hội có thêm 1 – 2 suất học bổng.
TS Nguyễn Thiện Tống
Tôi và nhiều nhà hảo tâm trò chuyện cũng có lúc cảm thấy buồn lòng vì số lượng các em cựu – tân sinh viên Tiếp sức đến trường quay lại với chương trình, góp phần giúp đỡ đàn em đi sau còn quá ít. Có người đề xuất với tôi hình thức cho vay thay cho học bổng. Tôi trả lời: cho vay là việc của ngân hàng, chúng tôi làm học bổng để lan tỏa lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội của mỗi người.
Tính riêng Huế, lượng sinh viên của Tiếp sức đến trường ra trường đã hơn một ngàn, cả chương trình là hơn chục ngàn. Tôi mong ước chỉ 1% trong số ấy quay lại với chương trình, thì đó là niềm hạnh phúc, động viên lớn nhất với chúng ta – những người tổ chức.
Một ông bạn già của tôi, nhiều năm đóng góp học bổng, nói rằng giúp học bổng đến đúng người là một thành công, nhưng thành công hơn nữa là giúp các em học tập những người đã giúp mình. Học bổng của chúng ta đã đi đến mùa thứ 22, đã đến lúc tính đến điều đó.
* Đó cũng là mong ước của ban tổ chức Tiếp sức đến trường. Thầy có góp ý gì cho chương trình để hoạt động bền vững hơn?
– Chúng ta nên thành lập một nhóm để duy trì liên lạc với các em, có hoạt động cũng như tương trợ trong học tập, làm việc giữa các lứa sinh viên, hoặc thông qua các trường phổ thông nơi các em theo học.
Qua sự duy trì ấy, các em sẽ được hiểu hơn về học bổng, và qua đó chúng ta động viên các em quay lại đóng góp, trước hết là tấm lòng, sau đó mới tới vật chất.
“Tuy mỗi suất học bổng 15 triệu đồng chưa đủ cho chi phí một học kỳ đại học, nhưng là sự tiếp sức rất có ý nghĩa cho những tân sinh viên nghèo, đúng vào lúc mà các em rất cần được sự hỗ trợ tài chính để thực hiện ước mơ vào đại học.
Sinh viên nghèo găp vô vàn khó khăn, có em mồ côi, có em cha mẹ mất sức lao động, bệnh nặng, nhiều em thân thể gầy ốm nhỏ nhoi do ăn uống thiếu thốn kham khổ cả thời niên thiếu.
Nhưng với tinh thần vượt khó, các em đã chăm chỉ học hành cho một sự thay đổi số phận của mình, của gia đình và cũng để góp phần cho một ngày mai phát triển chung.
Vì tình hình kinh tế, việc ủng hộ một suất học bổng 15 triệu đồng cũng trở nên khó hơn trước. Có nhà hảo tâm ủng hộ 1 – 2 hay nhiều suất học bổng. Nhiều nhà hảo tâm khác chỉ ủng hộ một số tiền nhỏ, nhưng chúng tôi sẽ gộp nhiều người lại để có đủ một suất học bổng 15 triệu, giúp thêm được một tân sinh viên đang gặp khó…
(Trích thư vận động học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên Huế 2024 của thầy Nguyễn Thiện Tống)
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học, và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP Phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và Hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.