Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp (DN) thường mua lúa gạo qua trung gian là các thương lái. Điều đáng nói nếu thương lái có lập bảng kê cũng không được cơ quan thuế chấp nhận. Việc cơ quan thuế mới “làm căng” khiến cho nhiều DN xuất khẩu gạo gặp khó.
Mua lúa trực tiếp của nông dân mới được khấu trừ chi phí!
Ông Đinh Minh Tâm, phó giám đốc Công ty gạo Cỏ May (Đồng Tháp), cho biết đang gặp nhiều khó khăn do cơ quan thuế yêu cầu DN chế biến và kinh doanh lương thực phải kê khai mua trực tiếp từ nông dân mới được khấu trừ chi phí.
Theo ông Tâm, hoạt động thu mua lúa nguyên liệu ở ĐBSCL không thể thiếu đội ngũ các thương lái. Nguyên nhân là các vùng trồng lúa của nông dân ở ĐBSCL di chuyển chính bằng các ghe thuyền trên kênh rạch, DN không thể đủ nhân lực vật lực để đi thu mua lúa gạo.
Trong khi đó, nông dân cũng không có điều kiện kết nối trực tiếp với DN. Sản lượng lúa của nông dân cũng chỉ có vài tấn, lại không có phương tiện thu hoạch để xay xát nên đa phần bán lúa cho thương lái. “Chính thương lái có vốn, có phương tiện để vào các cánh đồng thu gom lúa. Chứ bản thân DN không thể đi trực tiếp với nông dân hết được”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, DN cũng có vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao khoảng 10.000 – 15.000ha nên chỉ thu gom trong nhóm này. Còn muốn có số lượng lớn phải nhờ thương lái chứ không thể đi mua hết được.
Từ trước đến nay cơ quan thuế vẫn chấp nhận bảng kê (của thương lái) nhưng với tên gọi nông dân. Thế nhưng gần đây Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp yêu cầu “nghiêm” hơn nên DN gặp khó khăn. Theo ông Tâm, nếu bắt buộc làm theo quy định 78, các DN chỉ có thể sử dụng số liệu giả vì khó có chuyện có hàng trăm, hàng ngàn hộ dân ký vào bảng kê như thông tư 78.
Với vùng nguyên liệu tại ba tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, nếu phải mua trực tiếp từ nông dân, DN này không thể có đủ nhân lực vì có rất nhiều vùng trồng ở nhiều địa phương khác nhau. Nếu thông qua thương lái, DN dễ dàng thu mua lúa gạo số lượng từ 500 – 1.000 tấn/ngày.
“Cỏ May chỉ bao tiêu được 1/10 sản lượng của những dòng gạo cao cấp, có số liệu rõ ràng. Còn lúa nguyên liệu bình thường phải mua ở các khu vực lân cận nên phải thông qua thương lái, hầu hết DN tại ĐBSCL đều như vậy. Việc áp dụng vào bảng kê phải mua lúa trực tiếp từ nông dân là khó thực hiện”, ông Tâm nhấn mạnh.
Nhiều DN xuất khẩu gạo khác tại Đồng Tháp cũng cho biết đang thấp thỏm, không biết kê khai sao cho đúng để làm. Nếu kê khai đúng cũng thành không đúng là mệt mỏi. “Người làm thật thì thấp thỏm, không khéo sẽ dính tội luôn. Làm sao kê khai nổi hàng triệu nông dân mà phải minh bạch”, một DN nói.
Thương lái phải đăng ký kinh doanh?
Ông Trần Văn Khoa, phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp, cho biết thông tư 78 của Bộ Tài chính quy định: Chi phí của DN mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo thông tư này) nhưng không lập bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp.
Trường hợp mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra, DN mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập bảng kê 01 và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Khoa, việc lập bảng kê khi mua lúa trực tiếp của nông dân sẽ được khấu trừ chi phí sản xuất DN lúa gạo, còn mua từ thương lái sẽ không được thanh toán. Nếu lập bảng kê 01 khi mua lúa từ thương lái là sai so với thông tư 78 quy định. Trường hợp DN mua lúa qua thương lái trung gian thì thương lái phải đăng ký cá nhân kinh doanh với cơ quan thuế, đồng thời lập bảng kê 01 thông tin nông dân bán lúa.
“Bảng kê 01 là dành cho người trực tiếp sản xuất lúa. Còn đối với thương lái phải đăng ký kinh doanh và kê khai nộp thuế. Thương lái đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế vẫn cấp hóa đơn bình thường. Nếu DN mua đúng thương lái vẫn kê khai theo thương lái là mua bao nhiêu hộ, ở đâu. Những người này mới có điều kiện đi trực tiếp vùng sâu, vùng xa. Tôi giải thích nhiều lần tại các hội nghị, nhưng nhiều DN vẫn còn thắc mắc”, ông Khoa nói.
Cũng theo ông Khoa, lúa gạo là ngành hàng chủ lực của địa phương nên cơ quan thuế lúc nào cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN. Tuy nhiên các DN tự lập bảng kê, chứng từ tự ký nội bộ nên khó khách quan về giá cả, về chi phí…
“Có lẽ chúng tôi sẽ ngồi lại với Sở Công Thương tỉnh để bàn bạc lại rồi trình UBND tỉnh Đồng Tháp làm sao có cách nào giúp DN tháo gỡ khó khăn này. Tuy nhiên, đây là quy định pháp luật của Chính phủ chứ không phải việc của ngành thuế tự đẻ ra được”, ông Khoa nói thêm.
Thương lái có vai trò rất quan trọng
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hiệp, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, thừa nhận thương lái là lực lượng chủ lực trong hoạt động thu mua lúa trực tiếp từ nông dân ở nhiều địa phương, góp phần hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.
“Lực lượng thương lái rất lớn, chưa thống kê được. Chúng ta đang đưa thương lái vào nhóm có giấy phép kinh doanh để họ tiếp cận được tín dụng, liên kết trong tham gia đề án 1 triệu ha lúa thời gian tới” – ông Hiệp nói nhưng cho rằng nếu DN lúa gạo cảm thấy quy định nào còn bất cập, chưa phù hợp thực tế thì kiến nghị đến Chính phủ xem xét tháo gỡ.