Dưới bài viết Ngán ngẩm với những khách vào quán buffet lấy thức ăn vô tội vạ rồi bỏ mứa, nhiều bạn đọc bày tỏ nỗi bức xúc khi từng chứng kiến cảnh này.
Phạt tiền nếu ăn không hết
Độc giả Duc Ngoc Nguyen chia sẻ: “Một số người đi ăn buffet mà không chịu xếp hàng để lấy thức ăn, tranh giành thức ăn rồi bỏ mứa, nước uống thì cứ chừa lại hơn nửa ly. Chỉ tội cho các bạn nhân viên phải dọn dẹp đem đi đổ bỏ. Phải có cách nào để trị thói lãng phí này chứ”.
Và bạn đọc Da Nang cho biết: “Ăn thừa, nhân viên sẽ cân và bắt bù tiền. Đây là cách một tiệm BBQ buffet trên đường Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng) đã làm cách đây tầm 10 năm. Quán ghi rõ ràng trên mặt bàn và bờ tường: Để được ăn nhiều món, quý khách nên lấy một ít cho mỗi món ăn. Nếu quý khách để lại thức ăn trên bàn, tiệm chúng tôi mời quý khách thanh toán 0,1kg đồ ăn thừa là 50.000 đồng. Rất mong quý thực khách hợp tác”.
Thực tế nhiều nhà hàng, khách sạn ở Trung Quốc, Pháp, Malaysia… đã và đang áp dụng nhiều giải pháp với thực khách để giảm sự lãng phí thức ăn. Chẳng hạn như khuyến khích khách hàng cân trước khi vào nhà hàng, đóng tiền phạt cho lượng thức ăn thừa tại quán buffet, hay được nhắc nhở bằng ghi chú tại quầy lấy thức ăn.
Ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhiều nhà hàng yêu cầu thực khách gọi ít hơn một món ăn so với lượng khách khi đến dùng bữa theo nhóm. Trong khi chuỗi nhà hàng Hồ Nam Chuiyan Fried Beef khuyến khích thực khách tự cân trước khi vào nhà hàng để ước lượng đúng lượng thức ăn họ tiêu thụ, theo Đài CNN.
Năm ngoái, hai nhà hàng buffet ở Bretagne, Pháp bắt đầu tính thêm 5 euro nếu thực khách ăn không hết thức ăn trong đĩa của họ, theo tờ The Connexion.
Chủ của hai nhà hàng buffet L’Atlantis và L’Aigle Royal mong muốn quy định này giúp nâng cao nhận thức của thực khách về vấn đề lãng phí thức ăn và khó khăn trong việc tìm nguồn thực phẩm.
Tương tự ở Malaysia, nhiều nhà hàng ở thị trấn Nilai phục vụ buffet vào dịp lễ Ramadan năm nay bắt đầu phạt tiền thực khách bỏ mứa thức ăn, theo tờ New Straits Times.
“Chúng tôi hiểu rằng vài khách hàng nghĩ họ đã trả một số tiền nhất định cho bữa tiệc buffet, vì vậy họ muốn thử tất cả các món ăn tại nhà hàng” – Nor Arazman Aljunid, bếp trưởng nhà hàng Gastrohub, cho biết.
“Tuy nhiên, họ lấy rất nhiều và không thể ăn hết. Rất lãng phí” – bếp trưởng giải thích.
Thứ trưởng Bộ Nhà ở và Chính quyền địa phương Malaysia, bà Aiman Athirah Sabu cho biết dịp lễ Ramadan năm ngoái, trung bình hơn 8.000 tấn chất thải rắn được thải ra mỗi ngày, trong đó chất thải thực phẩm chiếm hơn 35%.
Xài chén, đĩa nhỏ tránh lãng phí đồ ăn
Ngoài ra, nhiều khách sạn ở Úc đang sử dụng chén, đĩa có kích thước nhỏ hơn bình thường tại bữa tiệc buffet sáng để tránh lãng phí thức ăn, theo báo The Sydney Morning Herald.
Bởi vì với đĩa lớn, thực khách có xu hướng muốn lấy nhiều thức ăn hơn, và điều đó không thể nào tránh khỏi sự lãng phí.
Các khách sạn này cũng thay thế một số món ăn tươi được bày trên đĩa để trang trí bằng hoa và thay thế một số quầy buffet bằng quầy chế biến trực tiếp theo yêu cầu.
Để giảm sự lãng phí, Scholars of Sustenance – tổ chức thu thập và phân phối lại thực phẩm dư thừa hoạt động ở Thái Lan và Indonesia – cũng đề nghị các khách sạn, nhà hàng buffet xem xét loại bỏ khay, thay vào đó họ có thể dùng đĩa nhỏ hơn.
Trong khi đó, nhiều khách sạn ở Phần Lan đã áp dụng hiệu quả giải pháp nhắc nhở thực khách không lấy quá nhiều thức ăn một lần trong tiệc buffet của họ.
Để khách hàng không cảm thấy xấu hổ khi tự phục vụ mình nhiều lần, nhiều khách sạn cung cấp tiệc buffet sáng ở Phần Lan đã sử dụng các ghi chú dán trên mỗi quầy thức ăn với dòng chữ: “Chào mừng trở lại! Một lần nữa! Và một lần nữa! Hãy đến quầy tự chọn của chúng tôi nhiều lần hơn là lấy nhiều trong một lần”.
Cách làm đơn giản này không chỉ giảm lãng phí thực phẩm mà còn không ảnh hưởng tiêu cực đến khách, Hiệp hội Nhà hàng bền vững – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh – trích dẫn một khảo sát được thực hiện vài năm trước.