Theo báo Mainichi ngày 5-8, hôm 31-7, Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố kết quả khảo sát thị lực với học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến 2023.
Bộ khuyến khích trẻ em vui chơi ngoài trời càng nhiều càng tốt để ngăn ngừa tình trạng giảm thị lực do cận thị, vốn đang có xu hướng gia tăng.
Trong cuộc khảo sát ban đầu, Bộ Giáo dục đã kiểm tra thị lực và khảo sát về thói quen hoạt động ngoài trời của khoảng 9.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại 9 tỉnh. Sau đó, họ tiếp tục theo dõi khoảng 5.200 trẻ thuộc nhóm này trong 3 năm.
Kết quả cho thấy tỉ lệ học sinh có thị lực mắt thường (không đeo kính) dưới 0,3 (tương đương từ 20/63 đến 20/80 theo tiêu chuẩn Mỹ) ở lớp 1 là khoảng 1%. Nhưng tỉ lệ này tăng theo tuổi, lên tới khoảng 30% ở học sinh năm thứ 3 bậc trung học cơ sở.
Kết quả theo dõi 3 năm cho thấy 91/730 học sinh lớp 1 ở năm học 2021 bị cận thị, nhưng con số này tăng gần gấp ba lần lên tới 264 vào năm 2023, khi các em học lớp 3.
Mối liên hệ giữa hoạt động ngoài trời và thị lực cũng được nghiên cứu. Một số dữ liệu cho thấy trẻ em thường xuyên chơi ngoài trời ít bị giảm thị lực hơn.
Không tìm thấy mối liên hệ giữa việc giảm thị lực với tần suất sử dụng smartphone hoặc máy chơi game cầm tay.
Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, nghiên cứu cho thấy nên khuyến khích các hoạt động ngoài trời, kêu gọi trẻ em chủ động dành thời gian ngoài trời trong giờ nghỉ giải lao và ít nhất 2 tiếng ngoài trời vào ngày nghỉ.
Bộ cũng lưu ý cần thực hiện các biện pháp chống say nắng, đồng thời cũng có thể để các em vui chơi trong bóng râm.
Đáp lại lời kêu gọi này, một phụ huynh 40 tuổi ở Tokyo có con gái học lớp 1 tỏ ra bối rối: “Điều này có nghĩa là trẻ em nên ngồi chơi dưới bóng cây vào mùa hè? Thời tiết bây giờ nóng đến mức ngay cả dưới bóng cây cũng thấy nóng.
Đại diện của một cơ sở chăm sóc ngoài giờ học liên kết với một trường tiểu học ở Tokyo cho biết: “Xét về thị lực của trẻ, chúng tôi muốn kết hợp càng nhiều hoạt động ngoài trời càng tốt, nhưng chúng tôi không thể chỉ quyết định các hoạt động dựa trên điều đó”.
Một quan chức Bộ Giáo dục bình luận: “Chúng tôi không bắt buộc người lớn phải đảm bảo thời gian cho trẻ em ở ngoài trời, nhưng chúng tôi muốn họ nhận thức được mối liên hệ giữa các hoạt động ngoài trời và thị lực của trẻ”.