Theo đài Al Jazeera, Philippines là nơi duy nhất trên thế giới không công nhận việc ly hôn ngoài Vatican. Tại đất nước có đến 80% dân số theo Công giáo như Philippines, việc ly hôn là điều cấm kỵ.
Đau khổ vì mắc kẹt trong các cuộc hôn nhân không lối thoát
Thay vì ly hôn, người dân Philippines chỉ có thể hủy hôn, tức tuyên bố cuộc hôn nhân chưa bao giờ tồn tại hợp pháp. Theo quan điểm của Philippines, ly hôn là việc chấm dứt một cuộc hôn nhân hợp pháp, công nhận rằng cuộc hôn nhân đã tồn tại và kết thúc vào thời điểm công bố.
Quá trình hủy hôn tại Philippines có thể mất khoảng hai năm, tiêu tốn 500.000 peso và các cặp đôi thường sẽ chỉ được hủy hôn trong trường hợp bị lạm dụng, bị bạo hành hoặc mâu thuẫn nghiêm trọng đến mức không còn có thể hòa giải giữa vợ và chồng.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Thống kê Philippines (PSA), chỉ 1,9% dân số Philippines nhận được quyết định hủy hôn hoặc ly thân hợp pháp.
Cũng theo số liệu được ghi nhận hồi tháng 6 của PSA, chỉ có 51% phụ nữ Philippines tham gia vào lực lượng lao động của nước này. Điều này có nghĩa một nửa phụ nữ Philippines phải phụ thuộc vào nguồn thu nhập của chồng hoặc của gia đình.
Không tự chủ tài chính, không có tiếng nói, phụ nữ tại Philippines được xếp vào hàng thứ ba trong nhóm người dễ bị tổn thương về kinh tế trong xã hội, sau những người nghèo ở vùng nông thôn và trẻ em.
Luật sư Minnie Lopez cho biết tiến trình hủy hôn đầy rẫy khó khăn, tiêu tốn không ít tiền bạc được hình thành nhằm gây khó dễ cho các cặp vợ chồng không còn muốn chung sống với nhau.
Sau thời gian dài đấu tranh, kêu gọi, hồi tháng 5, Hạ viện Philippines đã thông qua dự luật cho phép ly hôn. Đến tháng 6, dự luật hợp pháp hóa ly hôn đã được chuyển đến Thượng viện Philippines, mở ra lối thoát cho nhiều cặp vợ chồng đang sống trong cuộc hôn nhân tăm tối, không có đường lui.
“Dự luật này được tạo ra để hướng đến những người phụ nữ đã đi vào đường cùng, gặp khó khăn về tài chính trong những gia đình đầy bạo lực. Dự luật này cũng chính là cánh cửa giải thoát cho những cuộc hôn nhân thất bại, không thể cứu vãn”, nữ dân biểu Philippines Arlene Brosas nói với đài Al Jazeera.
Tranh cãi ly hôn hay hủy hôn?
Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ bảo thủ đã bày tỏ sự phản đối dự luật này. “Thay vì ly hôn, tại sao chúng ta không nghiên cứu cách để việc hủy hôn trở nên dễ dàng hơn, đơn giản hóa tiến trình hủy hôn cho các cặp vợ chồng”, thượng nghị sĩ Jinggoy Estrada phát biểu trong một tuyên bố hồi đầu năm 2024.
Linh mục Jerome Secillano, người phát ngôn Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, cũng lên tiếng phản đối dự luật hợp pháp hóa ly hôn này. “Tại sao họ cứ nhấn mạnh để việc phải ly hôn trong khi họ hoàn toàn có thể sửa đổi các luật hiện hành để tiến trình hủy hôn trở nên ‘dễ thở’ hơn”, linh mục này nói thêm.
Theo linh mục Secillano, khoản tiền người dân phải chi trả cho các luật sư trong những vụ hủy hôn quá cao, khiến nhiều cặp vợ chồng nghèo không thể hủy hôn.
Để tránh tình trạng này, dự luật hợp pháp hóa ly hôn đề xuất mức chi phí cho một vụ ly hôn ở mức 50.000 peso (khoảng 886 USD), ít hơn nhiều so với chi phí của một vụ hủy hôn thông thường.
Thời cơ cho những kẻ lừa đảo
Từ những mong mỏi được giải thoát khỏi các cuộc hôn nhân đau khổ, nhiều phụ nữ vô tình rơi vào bẫy của các đường dây lừa đảo.
Chia sẻ với đài Al Jazeera, bà Veronica Bebero (50 tuổi) bồi hồi nhớ lại thời khắc tuyệt vọng khi bà bị các cảnh sát thẩm vấn bên trong một căn phòng kín ở Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Manila. Khi đó, các điều tra viên của Cục Điều tra Quốc gia Philippines (NBI) tra hỏi bà Bebero về lý do vì sao trong bộ hồ sơ xin thị thực Mỹ của bà lại có giấy hủy hôn giả.
Người phụ nữ này cho hay bà được một phụ nữ tự nhận là nhân viên tư pháp nói có thể hỗ trợ bà đẩy nhanh tiến trình hủy hôn. “Bà ấy nói rằng tôi sẽ được hủy hôn trong vòng ba đến sáu tháng nữa”, bà Bebero cho biết đường dây này đồng ý giúp bà hủy hôn với mức phí 210.000 peso (khoảng 3.700 USD).
Từ tháng 10-2023, Tòa án tối cao Philippines đã yêu cầu NBI tiến hành điều tra về các đường dây lừa đảo như thế này. Tuy nhiên, rất ít phụ nữ dám lên tiếng tố cáo những kẻ lừa đảo bởi họ cảm thấy xấu hổ.