Ngày 18-9 vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, điều chỉnh quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn (50cm) theo quy định của nghị định số 37/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 19-5.
Trước đó, tại công văn gửi cho các cơ quan chức năng vào giữa tháng 6-2024, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng phản ánh nhiều bất cập của quy định kích thước tối thiểu này.
Nhiều tàu cá nằm bờ vì sợ thua lỗ
Ông Đặng Sáng (42 tuổi), thuyền trưởng tàu PY 96173TS đang nằm tại cảng cá Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên), cho hay cá ngừ vằn kích cỡ đạt từ 50cm trong tự nhiên rất hiếm, chưa kể ngư dân phải đầu tư lại lưới mới để đánh bắt tốn cả trăm triệu đồng nếu phải thực hiện theo quy định này.
“Đi biển nay không còn năng suất như xưa do ngư trường khai thác hạn chế, chuyến biển kéo dài hơn một tháng. Nếu bắt trúng luồng cá ngừ vằn có thể đạt 10-20 tấn, nhưng cá trên 50cm chỉ tầm 2-3 tạ mà giá cá bán ra lại thấp nên ngư dân cầm chắc lỗ”, ông Sáng nói.
Ông Nguyễn Văn Triển – giám đốc Công ty CP đồ hộp Tấn Phát (Phú Yên) – cũng cho biết khi áp dụng nghị định 37 trong khai thác cá ngừ vằn, doanh nghiệp này không đủ cá để sản xuất thực phẩm đóng hộp để xuất khẩu sang Mỹ, Trung Đông… Theo ông Triển, kích thước cá ngừ vằn phổ biến là 20cm, trong khi cá có kích thước 50cm rất ít.
“Vì vậy khi ngư dân hành nghề lưới vây đánh bắt, bắt buộc phải thả xuống những con dưới 50cm trong khi một chuyến tàu tốn rất nhiều chi phí.
Trong khi đó, từ sau khi áp dụng nghị định 37, doanh nghiệp chúng tôi không đủ cá ngừ vằn để sản xuất đồ hộp xuất khẩu dẫn đến công nhân, dây chuyền bị đứng hình” – ông Triển than.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Văn Tính (ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) khẳng định cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu 50cm rất ít. “Nếu áp dụng quy định này, chúng tôi không thể có tiền để trả công cho bạn thuyền. Tàu thuyền coi như nằm bờ hết vì không có cá để đánh bắt”, anh Tính chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, địa phương này đang có 6.242 tàu cá được đăng ký khai thác thủy sản.
Trong đó nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ có khoảng 650 tàu, với sản lượng cá ngừ các loại đạt trên 55.000 tấn cá ngừ/năm (bao gồm: cá ngừ đại dương khoảng 12.000 tấn/năm, còn lại chủ yếu là cá ngừ vằn và một số ít loài cá ngừ khác).
“Trong tổng số cá ngừ vằn khai thác hằng năm, loại có chiều dài từ 50cm trở lên chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại chủ yếu là loại có chiều dài từ 30cm đến dưới 40cm.
Kể từ khi nghị định 37 có hiệu lực, với quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 50cm, qua thống kê cho thấy có nhiều tàu cá khai thác cá ngừ chưa vươn khơi khiến nhiều ngư dân thất nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu
Cũng theo ông Nghĩa, không chỉ ngư dân gặp khó mà doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ ở Bình Định cũng đang rất lúng túng.
“Nếu mua không đủ tiêu chuẩn sẽ không được cấp giấy S/C. Nếu không mua, sẽ không có nguyên liệu sản xuất, không có đơn hàng thì công nhân gặp khó, thị trường sẽ bị thu hẹp”, ông Nghĩa nói.
Ông Hà Viên, giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên, cũng cho biết sau khi có quy định cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu 50cm mới được phép khai thác, ngư dân đánh bắt rất hạn chế trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng khó thu mua cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu 50cm, vì số lượng cá có kích thước này chiếm tỉ lệ rất ít.
“Ngư dân mang cá về cảng khi kiểm tra kích cỡ nếu bé hơn 50cm, Ban quản lý sẽ lập biên bản, còn cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành xử phạt.
Ngư dân buộc phải phân loại ngay khi đánh bắt, nhưng với kích cỡ này sẽ không đạt năng suất, ngư dân sẽ thua lỗ”, ông Viên nói.
Ông Lê Tấn Bản – phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hòa – cho biết sau khi nghị định 37 được áp dụng, các doanh nghiệp thông báo cho các chủ nậu không thu mua cá ngừ vằn có kích thước dưới 50cm nên các ngư dân gặp rất nhiều khó khăn…
Bởi cá ngừ vằn có kích thước dưới 50cm được đánh bắt về trước đây đều bán được cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đóng hộp để xuất khẩu. Không chỉ ngư dân gặp khó, mà doanh nghiệp cũng bị vạ lây vì thiếu nguyên liệu sản xuất.
“Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị với Bộ NN&PTNT về những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng nghị định 37”, ông Bản thông tin.
Ông Vũ Đình Đáp, chủ tịch Hiệp hội cá ngừ VN, cũng thừa nhận quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn đã gây ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, ngư dân.
Trong đó, ngư dân hành nghề lưới vây sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì không thể chọn được con cá ngừ vằn to trong quá trình đánh bắt, trong khi cá ngừ vằn nhỏ chiếm hơn 95%.
“Trên thế giới chưa có nước nào đưa ra hạn ngạch hạn chế khai thác cá ngừ vằn theo kích cỡ giống như nước ta, thay vào đó là đưa ra quy định lượng cá cho phép mỗi năm mỗi tàu được khai thác bao nhiêu, chỉ hạn chế sản lượng khai thác” – ông Đáp khẳng định.
Ông VŨ DUYÊN HẢI (trưởng phòng khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT):
Nếu cần thiết, nên quy định ở mức 38-40cm
Qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC), toàn bộ vùng biển Trung và Tây Thái Bình Dương đều không quy định kích thước khai thác cá ngừ vằn, các nước trong khu vực cũng không quy định.
Các công trình nghiên cứu về cá ngừ vằn ở vùng biển Đông Nam Á cho thấy chiều dài L50 của cá ngừ vằn dao động từ 33-42cm.
Do vậy, nếu cần thiết quy định kích thước cho phép khai thác khi nguồn lợi cá ngừ vằn có dấu hiệu khai thác quá mức, chỉ nên quy định ở mức từ 38-40cm.
Một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản đã được công bố về kích cỡ tham gia sinh sản lần đầu, nghĩa là có thể cho phép tham gia khai thác là kích cỡ 38cm đối với cá ngừ vằn cái và 38,7cm đối với cá ngừ vằn đực. Đây là hai cơ sở thực tiễn và pháp lý.
Do đó, chúng ta cần sớm điều chỉnh để đảm bảo việc xác nhận cá ngừ nhằm giữ được thị trường. Nếu không cấp xác nhận đối với cá ngừ nhỏ hơn 50cm, chúng ta sẽ mất thị phần bởi Thái Lan đang có cơ hội để lấn các thị trường cá ngừ mà Việt Nam đang có.
Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ đói nguyên liệu và chúng ta sẽ mất thị trường. Trong khi đó, việc phát triển và chiếm lĩnh một thị trường phải mất 5 – 10 năm và để lấy lại rất khó.
Sẽ điều tra, khảo sát để đưa ra kích thước phù hợp
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), cho biết ông Lê Minh Hoan, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, vừa họp với các cục, vụ để nghe báo cáo về một số vướng mắc nghị định 37-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 26-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó có vướng mắc liên quan đến quy định kích thước khai thác cá ngừ vằn.
“Sau khi nghe báo cáo, bộ trưởng giao cho Cục Kiểm ngư phối hợp cùng Vụ Pháp chế làm báo cáo để Bộ NN&PTNT trình, xin ý kiến Chính phủ sửa đổi quy định về kích thước khai thác một số loài, trong đó có cá ngừ vằn và trong thời gian chờ sửa đổi thì tạm dừng áp dụng quy định về kích thước khai thác đối với cá ngừ vằn” – ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, trong thời gian tới Cục Kiểm ngư sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra, khảo sát để đưa ra một kích thước phù hợp, vừa đảm bảo bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản vừa đáp ứng được cho khai thác, chế biến xuất khẩu.