Rộ chiêu lừa bán hàng trên ‘sàn thương mại điện tử’ Starlink, Carousell

Nhiều người dùng Việt bị dụ dỗ tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Starlink – Ảnh: PH.QUYÊN

Rất nhiều trang Facebook mạo danh người thành đạt hoặc phụ nữ xinh đẹp đi kết bạn khắp nơi. Nhiều người xem qua trang Facebook của họ và kết bạn. Thế là bắt đầu rơi vào con đường sập bẫy.

“Sàn thương mại điện tử Starlink”

Mới đây chị Thanh (TP.HCM) kể đã chấp nhận kết bạn với một người đàn ông lạ qua Facebook vì “nhìn trên tường nhà anh ấy toàn hình sang chảnh, đẹp trai, làm ăn thành công, Facebook lại có nhiều bạn bè và nhiều tương tác, yêu thích”.

Sau một thời gian nhắn tin làm quen, hỏi thăm công việc, chị Thanh được “anh bạn hào hoa” giới thiệu kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có việc bán hàng xuyên biên giới cho nhiều quốc gia trên thế giới qua “sàn thương mại điện tử Starlink của tỉ phú Elon Musk”.

Starlink là công ty cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh của vị tỉ phú nổi tiếng thế giới Elon Musk. Vì cái tên quá nổi tiếng, chị Thanh tin tưởng ngay và truy cập theo địa chỉ web mà người bạn mới cung cấp.

Từ thông tin của chị Thanh, chúng tôi phát hiện một loạt website liên quan đến “sàn thương mại điện tử Starlink” như starlink168, starlink688, starlink888, starlink889, starlink999…

Tất cả tên miền này đều trỏ về cùng một nội dung website có giao diện khá giống với sàn thương mại điện tử Shopee. Thậm chí trên Facebook còn có hẳn một trang với tên “Thương mại điện tử Starlink” kèm lời giới thiệu rất hấp dẫn: “Thị trường Việt Nam được Thương mại điện tử Starlink lựa chọn. Trở thành đại lý thương mại điện tử của chúng tôi và cùng nhau tạo nên thành công”.

Trang Facebook này có 1.000 lượt thích và 100.000 người theo dõi, thế nhưng chỉ có vỏn vẹn hai bài đăng vào cuối tháng 10-2023. Thông tin từ trang Facebook cho biết “sàn Starlink” này có trụ sở tại California (Mỹ) nhưng không hề có số điện thoại liên lạc, còn địa chỉ email lại là Gmail của Google.

Kết bạn “em gái xinh đẹp”, bay 2,7 tỉ

Anh N. (Hà Nội) nhận được lời mời kết bạn từ tài khoản Facebook của một phụ nữ rất xinh đẹp nên anh không ngần ngại chấp nhận ngay. Sau một thời gian trò chuyện làm quen, người phụ nữ xinh đẹp mời anh N. cùng đầu tư bán hàng để hưởng hoa hồng trên sàn thương mại điện tử Carousell khá nổi tiếng của Singapore.

Điều khác biệt mà anh N. không nhận ra là địa chỉ website được người phụ nữ giới thiệu với anh là carousell888.com, trong khi tên miền chính chủ lại là www.carousell.sg. Tuy nhiên, website mạo danh cũng được thiết kế hoành tráng và bài bản không kém gì website chính chủ nên anh N. không mấy hoài nghi.

Sau đó, anh N. được hướng dẫn mở gian hàng và đăng bán các sản phẩm do “em gái xinh đẹp” cung cấp. Khi có khách đặt hàng, anh N. phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng.

Thời gian đầu tham gia, đơn hàng có giá trị 1-10 triệu đồng và có tiền hoa hồng trả về, anh N. rút được tiền và mừng thầm. Tiếp đó, các đơn hàng có giá trị và số lượng ngày càng lớn hơn. Khi số tiền đạt đến hàng tỉ đồng, anh N. bất ngờ không thể rút tiền ra được.

Anh được “em gái xinh đẹp” dẫn dắt gặp nhiều người khác của bên nhà cung cấp, kho vận để giải quyết. Nhiều lý do tiếp tục được đưa ra như cần nâng cấp thành viên, đóng thuế, đóng phí hải quan… Kết quả anh N. bị lừa mất 2,7 tỉ đồng.

Chiêu lừa “vỗ béo rồi làm thịt”

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 24-4, ông Nguyễn Vũ Anh – tổng giám đốc Công ty Cốc Cốc (cung cấp trình duyệt web Cốc Cốc) – nhận định những chiêu lừa nêu trên được thực hiện theo cơ chế “pig butchering” (nghĩa đen: nuôi heo để giết mổ).

Cụm từ “pig butchering” ở đây minh họa một thủ đoạn lừa đảo tài chính. Trong đó những kẻ lừa đảo tiếp cận, dụ dỗ nhiều người đầu tư vào một cơ hội đầu tư giả mạo, sau đó biến mất với số tiền khủng.

Ông Anh cho biết điểm khởi phát chiêu lừa thường bắt đầu bằng việc những kẻ lừa đảo tạo ra một nhân vật trực tuyến giả mạo, chẳng hạn như một tài khoản mạng xã hội giả với đầy đủ ảnh và thông tin như một nhân vật có thật (thường là các nhân vật nổi tiếng, có uy tín và tầm ảnh hưởng với cộng đồng, xã hội).

Các hình ảnh, thông tin này có thể đã bị đánh cắp từ nhiều nguồn khác nhau, đôi khi là từ chính tài khoản của một người thật (nếu thông tin được người đó chia sẻ công khai). Tiếp đó, kẻ xấu sẽ dùng nick ảo đó để tiếp cận với nạn nhân bằng những tin nhắn với nội dung làm quen, khen ngợi hoặc thậm chí giả vờ gửi nhầm để bắt đầu trò chuyện.

Cứ như vậy, kẻ lừa đảo dành thời gian kết nối, chia sẻ để dần tạo niềm tin khiến nhiều người mất cảnh giác, nghe theo lời dẫn dụ như tiếp thị liên kết, bán hàng… và sập bẫy lừa đảo.

“Điểm chung của các vụ việc là kẻ xấu sẽ dùng chiêu trò để đánh “đòn” tâm lý mà hầu hết là tập trung vào tâm lý muốn chớp cơ hội kiếm nhiều tiền trong thời gian ngắn. Tất cả đều được dàn xếp theo các kịch bản rất chuyên nghiệp khiến nhiều người nhẹ dạ tò mò, từng bước bị thao túng và làm theo chỉ dẫn, từ đó dốc tài sản cho các kế hoạch đầu tư không có thật hoặc trang thương mại điện tử giả, trang web cờ bạc, tiền ảo bất hợp pháp…

Khi số tiền bỏ vào đầu tư đủ lớn, những kẻ lừa đảo sẽ “cắt đuôi” bằng cách chặn liên lạc và biến mất”, ông Anh phân tích.

Biến tướng liên tục

Theo ông Vũ Ngọc Sơn – giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, hình thức lừa đảo mời chào mở gian hàng, hợp tác kinh doanh hiện đang khá phổ biến.

Sau đại dịch COVID, nhiều người có nhu cầu chuyển sang kinh doanh online, đặc biệt gần đây các hình thức livestream bán hàng nổi lên như một nghề có thu nhập cao khiến việc hợp tác, kinh doanh online rất được quan tâm.

“Lợi dụng điều này, những kẻ lừa đảo đã dựng lên các website giả mạo, xây dựng dưới hình thức như các sàn thương mại điện tử, cho phép người dùng tạo gian hàng và bán các mặt hàng trên đó.

Tuy nhiên, tất cả nội dung trên website này đều là do các kẻ lừa đảo tạo dựng, bao gồm từ hàng hóa, giá cả, bình luận đến lượng truy cập hay đơn hàng đều là ảo”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, các chiêu trò lừa đảo này không mới nhưng biến tướng liên tục, lúc giả mạo người này, lúc giả mạo tổ chức kia nên vẫn có người không đề phòng và bị mắc bẫy.

Để phòng tránh, người dùng nên kiểm tra lại tất cả những thông tin nhận được qua mạng và chỉ nên giao dịch trực tiếp trong trường hợp ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *