Tối 23-4, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật buộc ByteDance – công ty mẹ của TikTok – thoái vốn khỏi thị trường Mỹ nếu không muốn mạng xã hội này bị đình chỉ hoạt động.
Trước thông tin trên, ông Shou khẳng định trên mạng xã hội X tối 24-4: “Hãy yên tâm, chúng tôi không đi đâu cả. Thực tế và Hiến pháp Mỹ đứng về phía chúng tôi và chúng tôi sẽ chiến thắng một lần nữa”.
Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua vi phạm Hiến pháp Mỹ
Mạng xã hội này cho rằng việc ép ByteDance bán TikTok là hành vi vi phạm rõ ràng quyền tự do ngôn luận của hơn 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ, vốn được quy định trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Hãng tin AP dẫn lời ông Patrick Toomey, phó giám đốc dự án an ninh quốc gia của Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU), nhận định lệnh cấm TikTok sẽ “ngăn chặn quyền tự do ngôn luận và hạn chế quyền truy cập thông tin của công chúng” vào một nền tảng đã trở thành nguồn chia sẻ thông tin chính hiện nay.
Bà Caitlin Chin-Rothmann, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược thủ đô Washington (CSIS), cho biết: “Nước Mỹ chưa bao giờ chặn một nền tảng mạng xã hội lớn với đông đảo người sử dụng như vậy, Tu chính án thứ nhất cũng như quyền tự do ngôn luận vẫn là những trở ngại lớn mà chính phủ phải vượt qua”.
Chính phủ Mỹ không đưa ra bằng chứng cụ thể về các cáo buộc đối với TikTok
Theo tờ Washington Post, một số nhà luật học lập luận rằng những người chỉ trích TikTok ở thủ đô Washington cho biết ứng dụng này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.
Cụ thể, họ lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng TikTok để thực hiện các hoạt động gián điệp và tuyên truyền. Tuy nhiên ông Toomey và các nhà luật học khẳng định quan điểm này khả năng cao sẽ bị hủy bỏ trước tòa do thiếu bằng chứng cụ thể.
“Những lời kêu gọi cấm TikTok ở Mỹ có thể chỉ nhằm mục đích ghi điểm chính trị và xuất phát từ tâm lý bài Trung Quốc”, ông Toomey nói thêm.
Về phía mình, TikTok phủ nhận mọi cáo buộc chia sẻ dữ liệu người dùng với Bắc Kinh. Cho đến nay, Chính phủ Mỹ cung cấp rất ít bằng chứng cụ thể, hoặc thậm chí mơ hồ để chứng minh Bắc Kinh sử dụng mạng xã hội này cho các mục đích trên.
Tuy nhiên, rất khó để có thể dự đoán kết quả cuối cùng của bất kỳ vụ kiện tụng nào, đặc biệt là đối với các vụ việc liên quan tới yếu tố chính trị.
Hãng tin AP nhận định Washington có thể phản ứng bằng những tuyên bố như lo ngại đe dọa an ninh quốc gia, như đã được đề cập trong dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua tối 23-4 trước đó.
Hiện tại, Chính phủ Mỹ có thể chưa chứng minh được những rủi ro liên quan đến an ninh quốc gia mà TikTok có thể gây ra, tuy nhiên giới quan sát khẳng định đây vẫn là một “quân cờ mạnh” để sử dụng.
Các nỗ lực cấm TikTok trước đó tại Mỹ đều thất bại
Năm 2020, nỗ lực cấm TikTok của cựu tổng thống Donald Trump đã bị các thẩm phán liên bang bác bỏ, vì cho rằng Nhà Trắng không đưa ra bằng chứng cụ thể cáo buộc TikTok chia sẻ dữ liệu cá nhân và ảnh hưởng đến quan điểm của người Mỹ.
Năm 2023, lệnh cấm TikTok trên toàn bang Montana bị đình chỉ vô thời hạn, bởi thẩm phán liên bang lập luận lệnh cấm này đã vi phạm Hiến pháp Mỹ và xuất phát từ tâm lý chống Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết dự luật mới này đưa ra lập luận pháp lý chặt chẽ hơn so với các vụ việc liên bang và tiểu bang trước đây. Điều này có thể giúp Washington tránh được cảnh “cùng chung số phận” với những nỗ lực cấm trước đó.
Tuy nhiên, bà Sarah Bauerle Danzman – thành viên cấp cao của Atlantic Council, từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ – nhận định các vấn đề về quyền riêng tư thông tin người dùng vẫn phải xem xét kỹ lưỡng.