Sau bài viết “Có bảo hiểm y tế nhưng phải ‘cắn răng’ khám dịch vụ”, nhiều bạn đọc lên tiếng từng rơi vào cảnh tương tự.
Khám bảo hiểm y tế: Xét nghiệm và siêu âm mất 2 ngày
Bạn đọc NVA kể: “Hai năm trước, tôi đưa con tới một bệnh viện công để cắt bao quy đầu. Sau khi mua phiếu và được khám ban đầu vào lúc 9h30, nhân viên phụ trách hướng dẫn điền biểu mẫu với ba lựa chọn:
Một, nếu dùng bảo hiểm y tế (BHYT) thì hẹn 3 tuần sau quay lại, nhập viện tiểu phẫu và xuất viện trong vòng 3 ngày. Chi phí sau khi trừ BHYT còn lại khoảng 2 triệu đồng.
Hai, nếu dùng gói dịch vụ giá 5 triệu đồng, tiến hành tiểu phẫu lúc 2h chiều cùng ngày và có thể ra về sau 2 tiếng.
Ba, nếu dùng dịch vụ nhưng được trưởng khoa phẫu thuật với giá 8 triệu đồng, thực hiện lúc 11h và xong có thể về ngay”.
Tài khoản dan0****@gmail.com thì cho biết: “Tôi là bệnh nhân lớn tuổi thường xuyên đến tái khám bằng bảo hiểm y tế (3 tháng/lần).
Ngày 24-10-2024 tôi tái khám. Do nhà xa nên 2h sáng tôi đã đi chuyến xe đầu tiên và đến bệnh viện lúc 6h.
Tôi được chỉ định thực hiện hai việc là xét nghiệm máu và siêu âm. 10h20, tôi lấy kết quả xét nghiệm máu. Còn siêu âm thì thực hiện vào lúc 14h ngày hôm sau, tức ngày 25-10-2024.
Chỉ thực hiện hai khâu mà mất hết hai ngày!
Đúng là bệnh viện khám bệnh từ lúc 5h, nhưng đó là khám dịch vụ. Còn bệnh nhân diện bảo hiểm y tế thì chỉ bắt đầu được khám từ 7h30″.
Mua BHYT nhưng chỉ đi khám những bệnh cảm ho thông thường, còn lại phải đi khám dịch vụ, bạn đọc Đông chia sẻ: “Có lần bị viêm da, khám BHYT, tất cả các bệnh nhân viêm da chỉ có một bác sĩ khám. Bác sĩ bảo bôi thuốc trong danh mục BHYT sẽ để lại sẹo, nếu khám dịch vụ sẽ được cho thuốc tốt hơn”.
Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Vũ Kiệt nói ở nhiều nước phương Tây, người dân đi làm là mặc định có BHYT, chi phí BHYT trả cho bệnh viện bằng với giá dịch vụ – thị trường nhưng muốn trị bệnh ở bệnh viện công đều phải chờ, đặt hẹn vì nhu cầu quá cao. Vì thế ai muốn làm lẹ, làm liền cũng phải qua bệnh viện tư.
Đứng về phía người dân, giờ BHYT thông tuyến khắp nơi, người bệnh đi khám chữa bệnh ở đâu cũng được, dĩ nhiên là họ sẽ có xu hướng đi khám chữa bệnh ở nơi họ tin là uy tín nhất. Như vậy cũng tạo áp lực cho dịch vụ BHYT tại các cơ sở y tế công lập khám, chữa bệnh BHYT có uy tín.
Đứng về phía nhà quản lý bệnh viện công, giờ các bệnh viện tự chủ tài chính mà cứ phải gồng mình dịch vụ tốt nhưng giá bằng một nửa so với bệnh viện tư thì có phi lý không? Trong khi đó mua sắm thì phải đấu thầu, dự toán BHYT!
Còn theo tài khoản 1990: “Khi người dân quan tâm sức khỏe mình hơn thì dường như quỹ BHYT đã không thể chi trả cho tất cả các chi phí. Phải có sự phân tầng của BHYT toàn dân. Ai mua BHYT sẽ được đáp ứng tất cả những nhu cầu cơ bản, ai mua những gói có giá trị cao hơn sẽ được lựa chọn vật tư thiết bị y tế tốt hơn”.
Mở rộng bảo hiểm y tế cho cơ sở tư nhân để giảm quá tải
Theo bạn đọc D.D., do tuyến trên luôn quá tải nên một số nơi lạm dụng mở “dịch vụ”, buộc bệnh nhân phải tham gia dịch vụ, nếu không phải chờ. Trong khi đó giá mọi dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến trên luôn cao hơn tuyến dưới và phải có thêm nguồn thu để có thể tuyển được những nhân lực tốt nhất.
Trong khi đó tuyến dưới nguồn thu đã thấp lại còn khó làm dịch vụ, nên nguồn thu ngày càng ít, dẫn đến khó thu hút nhân lực… bệnh nhân lại dồn lên tuyến trên, càng quá tải.
Cho rằng “vấn đề là nhiều người không chấp nhận được việc chờ đợi dù bệnh nhẹ, bệnh nặng hay cần theo dõi. Còn ra nước ngoài xếp lịch hẹn để được khám cho hằng tuần, hằng tháng thì không thấy ý kiến gì”, bạn đọc T.C. đề xuất giải pháp về lâu dài nên nâng cao hiệu quả y tế cơ sở để tránh quá tải tuyến trên và mở rộng BHYT cho các cơ sở tư nhân nhiều hơn nữa.
Điều này giúp bệnh nhân có nhiều sự lựa chọn hơn, tránh việc di chuyển từ quê lên tỉnh hay dồn vô chỉ một hai cơ sở lớn.
Theo bạn đọc Trương Kiệt, nếu so giữa BHYT với dịch vụ thì cũng phải hiểu là bệnh viện hầu hết phải tự chủ hoặc hướng tới việc tự chủ thu chi, muốn giữ chân y, bác sĩ thì phải tăng thu nhập. Muốn tăng thu nhập thì chỉ có dịch vụ mới có nguồn thu thêm chứ BHYT quá thấp không thể đủ.
Y, bác sĩ không có thu nhập tốt thì họ cũng không thể nâng cao trình độ, khi đó có BHYT hay dịch vụ thì cũng khổ như nhau.
Và theo bạn đọc VT: “Phải coi lại cách tính phí của bảo hiểm khi trả cho nhân viên y tế, tiền công mổ, bó bột…”.