Đó là chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại công văn số 3153 về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử vừa được ban hành.
Giám sát chặt hoạt động livestream bán hàng
Trong công văn, Tổng cục Thuế nêu rõ thời gian qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Để tiếp tục quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, đại lý của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, đơn vị truyền thông quảng cáo,…) ngay từ khâu lập kế hoạch đến thực hiện công tác kiểm tra, qua đó thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử phục vụ công tác quản lý thuế.
Tăng cường giám sát tuân thủ đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo trong hoạt động livestream bán hàng.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, cơ quan thuế phải lập danh sách và phối hợp với các ban ngành địa phương thực hiện việc kiểm tra tại địa bàn để xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành, hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an nếu xác định đây là hành vi trốn thuế.
100% giao dịch phải xuất hóa đơn điện tử
Đồng thời trong công văn, Tổng cục Thuế chỉ đạo lãnh đạo cục thuế địa phương tăng cường kiểm soát hóa đơn điện tử trong quản lý thuế, chỉ đạo các phòng, chi cục thuế và các bộ phận liên quan yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm việc xuất hóa đơn điện tử, đảm bảo 100% giao dịch, bao gồm cả các giao dịch thương mại điện tử xuất đầy đủ hóa đơn điện tử.
Cơ quan thuế từng bước kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật, từ khâu sản xuất đến lưu thông, từ khâu nhập khẩu đến bán hàng.
Cơ quan thuế các cấp tích cực khai thác cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử đã được Tổng cục Thuế vận hành và phân quyền cho các địa phương từ nguồn dữ liệu do sàn thương mại điện tử cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin thu thập từ nguồn Internet phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin thường xuyên với các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Trong đó cơ quan thuế đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân trong nước nhận thu nhập từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Cục thuế thông báo đến các tổ chức, cá nhân về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Bên cạnh đó cơ quan thuế ưu tiên việc hỗ trợ, hướng dẫn để tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tự thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Trách nhiệm của cơ quan thuế là rà soát, đối chiếu nguồn cơ sở dữ liệu với tình hình khai thuế, nộp thuế của tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Qua đó cơ quan thuế xác định các trường hợp chưa khai thuế hoặc khai thuế chưa đầy đủ để thực hiện truy thu, xử phạt theo đúng quy trình và quy định của Luật Quản lý thuế.