Siết quản lý thuế với livestream bán hàng

Livestream bán hàng là xu hướng đang nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, sẽ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.

Lãnh đạo ngành thuế đã khẳng định như vậy khi trao đổi về các giải pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường số.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) nói chung, livestream bán hàng nói riêng, nhất là các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, trốn thuế, gian lận thuế…

Tăng quản lý thuế với “mỏ vàng” thương mại điện tử

Kinh doanh hàng quần áo và túi xách hơn 5 năm nay trên Facebook, chị T.H. (Mỹ Đình, Hà Nội) lo ngại chưa biết tính thuế đối với hoạt động livestream bán hàng như thế nào, với doanh thu tăng đáng kể so với việc giới thiệu bằng hình ảnh thông thường.

“Trước đây, tôi bán hàng online. Doanh thu chỉ được vài triệu đồng/tháng, coi như có đồng ra đồng vào, ngoài với tiền lương làm ở doanh nghiệp.

Nhưng khi kết hợp với một người bạn nữa, chúng tôi livestream bán hàng thì doanh thu tăng gấp vài lần so với trước đây. Nhưng tôi băn khoăn sẽ phải nộp thuế như thế nào?” – chị T.H. băn khoăn.

Tương tự, chị M.V. – một người kinh doanh online khác – cũng cho hay để bán được hàng, hằng ngày chị đều phải ra các video cuộc sống, kể chuyện rồi lồng ghép sản phẩm và livestream đều đặn để tương tác với khách hàng. Qua các buổi livestream khách hàng cũng chốt đơn của chị rất nhiều.

Cũng có trường hợp thông qua các clip về cuộc sống hằng ngày vô tình nhận được lượng theo dõi lớn, từ đó họ nghỉ việc và chuyên tâm livestream để bán hàng online, tiếp thị liên kết, thu nhập có tháng lên đến gần 100 triệu đồng.

Chỉ riêng tại TP.HCM, theo cơ quan thuế, tổng số tổ chức và cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT trên địa bàn lên đến 90.204 người.

Số lượng người kinh doanh online ngày càng đông đảo khi nhu cầu mua hàng đã chuyển dịch mạnh từ offline qua online. Theo thống kê, Việt Nam có tỉ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á: 49,3 triệu người, tương đương gần một nửa dân số.

Riêng 3 tháng đầu năm nay, báo cáo của E-commerce Metric cho thấy tổng doanh số trên 5 sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đã đạt mức 71.200 tỉ đồng, tăng đến 78,69% so với cùng kỳ năm 2023, vượt xa những dự báo trước đó.

Bên cạnh mua qua các sàn TMĐT, người dân còn mua qua các phiên livestream suốt ngày đêm, đặc biệt là các phiên live của những KOL nổi tiếng với những deal luôn được giới thiệu là “sale khủng”.

Nhiều người kinh doanh online khác cũng cho biết livestream là xu hướng, nhờ đó có thể tăng doanh số bán hàng lên ở mức rất cao.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm gần đây.

Cụ thể, năm 2022 đạt 83.000 tỉ đồng, năm 2023 tăng lên 97.000 tỉ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm nay, số thuế từ hoạt động TMĐT đã đạt trên 50.000 tỉ đồng.

Dù kinh tế khó khăn nhưng doanh số thương mại điện tử trong những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù kinh tế khó khăn nhưng doanh số thương mại điện tử trong những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phải chủ động kê khai, nộp thuế

Bà Nguyễn Minh Thảo – trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) – cũng cho rằng quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT thời gian qua đã tốt hơn. Các sàn TMĐT như Shopee, Tiki… đã kết nối với cơ quan thuế rồi.

Tuy nhiên, hoạt động bán hàng trên các trang mạng xã hội chưa có hiện diện ở Việt Nam như Facebook, hay livestream bán hàng còn bị thất thu thuế.

“Nên thời gian tới cần có sửa đổi để gắn kết, kết nối với cơ quan thuế đảm bảo quản lý được thuế cũng như tính cạnh tranh giữa các hình thức bán hàng khác nhau”, bà Thảo đề nghị.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cúc – chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam – thừa nhận nhiều cá nhân livestream bán hàng có doanh thu rất lớn, có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu vài chục đến hàng trăm tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều cá nhân kinh doanh bán hàng online, trong đó có livestream bán hàng, chưa nắm được nghĩa vụ thuế của mình.

Do đó việc đăng ký, kê khai và nộp thuế chưa kịp thời. Theo khuyến cáo của bà Cúc, các cá nhân kinh doanh cần đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nghiêm túc, nếu trốn thuế 100 triệu đồng trở lên sẽ vướng vào lao lý.

“Người kinh doanh có mã số thuế nên chủ động kê khai tự tính và tự nộp. Những hộ kinh doanh lớn nên chuyển đổi lên doanh nghiệp để đăng ký kê khai và nộp thuế cho thuận lợi”, bà Cúc nói.

Theo bà Cúc, với người livestream bán hàng thuê cho các nhãn hàng đã đăng ký nộp thuế theo hộ cá nhân kinh doanh sẽ nộp thuế với mức 7%/hoa hồng được hưởng, trong đó 5% thuế VAT và 2% là thuế thu nhập cá nhân.

Với những cá nhân chưa đăng ký kinh doanh, phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền công tiền lương với hoa hồng môi giới với biểu thuế lũy tiến từng phần là từ 5%, cao nhất là 35%.

“Nếu đăng ký hộ cá nhân có hoạt động livestream, thuế bán hàng là 7% trên tổng số hoa hồng được hưởng, bao gồm 5% thuế VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Nếu không đăng ký kinh doanh, phải nộp thuế cho thu nhập tiền công trên hoa hồng được hưởng. Nhãn hàng sẽ tạm khấu trừ 10% trên hoa hồng và cá nhân sẽ có trách nhiệm quyết toán thuế với cơ quan thuế khi kết thúc năm” – bà Cúc nói.

Làm thế nào cơ quan thuế nắm được thông tin về hoa hồng mà cá nhân được hưởng qua livestream bán hàng? Bà Cúc cho rằng theo quy định, sàn TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của người bán hàng trên sàn gồm mã số thuế, số điện thoại, hàng hóa, doanh thu…

Để thực hiện nghĩa vụ thuế, người bán và sàn TMĐT có thể thỏa thuận và ủy quyền cho sàn TMĐT nộp thuế thay.

Tăng cường thanh, kiểm tra bán hàng trên mạng

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành tài chính 6 tháng cuối năm vừa được tổ chức, ông Đặng Ngọc Minh – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho biết ngành thuế đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, đồng thời sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT.

Theo ông Minh, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ TT&TT và các ngân hàng thu thập thông tin về 929 sàn giao dịch TMĐT; 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; 144 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân; 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình.

“Việc phối hợp với các bộ ngành, cơ quan và địa phương đã có tác động lớn đến công tác quản lý thuế của ngành thuế.

Chẳng hạn, qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, người nộp thuế, nhất là cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT đã nâng cao ý thức tuân thủ về thuế. Kết quả là có nhiều cá nhân kinh doanh TMĐT tự giác đăng ký, khai và nộp thuế”, ông Minh khẳng định.

Cục Thuế TP.HCM cho biết đã có số liệu khai thác trên cổng thông tin TMĐT từ quý 4-2022 đến hết quý 1-2024 đối với 159 sàn TMĐT, 158 website, 145 app.

Cụ thể, đã rà soát và xử lý về thuế đối với 7.134 người nộp thuế, trong đó có 2.187 doanh nghiệp, 4.947 hộ kinh doanh, cá nhân.

Cơ quan này cũng đôn đốc, hỗ trợ người nộp thuế kê khai, nộp thuế 1.298 tỉ đồng, đồng thời xử lý đối với 1.318 người nộp thuế với số thuế truy thu và phạt là 72,02 tỉ đồng.

Trong đó có 1.260 hộ, cá nhân kinh doanh bị truy thu, phạt với số thuế là 66,7 tỉ đồng, xử lý 58 doanh nghiệp với số truy thu và xử phạt là 5,32 tỉ đồng.

Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết cơ quan này đang khai thác, rà soát và cập nhật cơ sở dữ liệu về TMĐT, được xây dựng từ cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế và các bộ ngành có liên quan.

“Chúng tôi rà soát, đôn đốc và hỗ trợ các chủ sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT”, vị này nói.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần có điều chỉnh chính sách kịp thời với hình thức kinh doanh online.

“Bởi theo quy định, người đăng ký kinh doanh phải có địa chỉ đăng ký. Tuy nhiên, với người kinh doanh TMĐT, bán hàng trên mạng nên không có địa chỉ cụ thể mà chỉ ở Hà Nội, một thời gian chuyển vào Nghệ An, TP.HCM…”, một chuyên gia cho biết.

Doanh số bán hàng online tăng thẳng đứng

Có tổng cộng hơn 766 triệu đơn hàng được giao thành công tới người tiêu dùng trong quý 1-2024, tăng 83,21% so với cùng kỳ năm 2023. Với hàng loạt chương trình khuyến mãi, người dân đang có xu hướng chi tiêu mạnh mẽ hơn và mua sắm trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu.

Dự kiến trong quý 2 tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỉ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, tăng tương ứng 19,2% và 13,57% so với quý 1 năm nay.

Quản lý thuế tốt sẽ ngăn được hàng lậu

Sự phát triển quá mạnh mẽ của TMĐT cũng tạo ra những thách thức cho cơ quan quản lý trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế…

Theo nhiều chuyên gia, cần có giải pháp để Việt Nam có không gian mạng lành mạnh, kết nối giữa người mua và người bán, tiết kiệm chi phí cho xã hội nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo quyền lợi, lợi ích cộng đồng, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Trên thực tế, cùng với sự bùng nổ của TMĐT, cơ quan chức năng bắt được nhiều kho hàng lậu. Theo các chuyên gia, nhãn hàng là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng hàng hóa sản xuất ra.

Nhưng người livestream bán hàng, sàn TMĐT cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa mà họ quảng cáo bán ra.

Không thể nào quảng cáo một đằng rồi sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng lại khác hoàn toàn.

Với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm chức năng, đồ uống, thực phẩm…, theo bà Nguyễn Minh Thảo, phải có cơ quan kiểm tra chuyên ngành giám sát chặt chẽ nhằm tránh tình trạng treo đầu dê bán thịt chó.

“Sàn TMĐT quảng cáo nhãn hàng nào đó thì khi hàng đến tay người mua phải chính xác là như vậy”, bà Thảo nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *