Sinh viên khởi nghiệp với dòng tranh sinh học

Nhóm sinh viên Trường đại học Văn Lang đã sáng tạo ra dòng tranh sinh học với tên gọi BioPicture – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhóm gồm 5 thành viên Nguyễn Phúc Tân, Nguyễn Hoàng Việt, Lê Minh Hiếu (ngành nông nghiệp công nghệ cao), Nguyễn Vũ Hương Giang (ngành công nghệ kỹ thuật môi trường) và Dư Tuấn Lâm (ngành quản trị kinh doanh) đã quyết định đặt tên nhóm ‘Lá Xanh’, với mong muốn lan tỏa không gian xanh qua từng bức tranh sinh học.

Xây dựng lối sống bền vững qua dòng tranh sinh học

Sau bốn tháng nghiên cứu, nhóm đã tạo ra dòng tranh sinh học có tên gọi BioPicture. Nhóm dùng nguyên liệu tái sử dụng từ tre, gỗ để làm khung tranh và tự ươm trồng những giống cây kiểng, rau, hoa, thảo dược…

Bạn Lê Minh Hiếu cho biết trước đó nhóm đã có kinh nghiệm trong việc xử lý biến tre và gỗ chống mối mọt. Từ kiến thức đó, nhóm phát triển thêm để tạo ra dòng tranh thuần tự nhiên.

“Về giống cây, nhóm chúng tôi lấy từ các nhà vườn mang về ươm tạo lại. Đợi cây khỏe sẽ tiến hành giâm cành vào khung, theo dõi và chăm sóc cẩn thận trước khi giao tranh cho khách hàng.

Thời gian hoàn thành một bức tranh phụ thuộc vào hình dạng, kích thước khung và chủng loại cây trồng. Đối với khung tranh hình hộp, thời gian đưa cây lên tranh và đợi cây khỏe từ khoảng 3-5 ngày” – Hiếu nói.

Bạn Nguyễn Phúc Tân cho biết làm sản phẩm qua các bước thu gom, phân loại, xử lý gỗ và tre, tăng khả năng chịu ẩm cho khung tranh, gia công nguyên vật liệu theo kích thước nhất định, lắp ráp và trồng cây.

“Trong đó bước quan trọng nhất là khâu xử lý chống mối mọt và gia tăng khả năng chịu ẩm của vật liệu. Công đoạn này giúp tranh chịu được tác động trong quá trình chăm sóc cây, bền trong điều kiện ẩm ướt nhằm gia tăng tuổi thọ bức tranh.

Nhóm đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, ứng dụng nhiều kiến thức về sinh lý thực vật, cơ khí trong quá trình canh tác đô thị, các kiến thức tự động hóa và lập trình” – Tân nói.

Tranh sinh học của nhóm được làm từ tre, gỗ tái chế, cây kiểng, rau, hoa và dược liệu,... - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tranh sinh học của nhóm được làm từ tre, gỗ tái chế, cây kiểng, rau, hoa và dược liệu,… – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sử dụng nguyên vật liệu tái chế, tích hợp IoT

Bạn Hương Giang chia sẻ: “Sản phẩm của nhóm có thể linh hoạt khi đặt ở bất cứ nơi nào cả trong và ngoài nắng. Nhóm còn tích hợp thêm tính năng công nghệ, đơn giản hóa khả năng chăm sóc, phù hợp với lối sống của cư dân đô thị.

Sản phẩm cũng trang bị cảm biến và động cơ bơm tưới nước, khi độ ẩm đất xuống thấp hệ thống sẽ kích bơm tưới cho cây, nếu có mưa cảm biến sẽ nhận biết và ngưng bơm hoạt động. Dữ liệu thu được từ cảm biến được cập nhật liên tục lên hệ thống nhờ bo mạch có kết nối WiFi, dễ dàng giám sát và điều khiển tắt/mở trên điện thoại dù người sử dụng đang ở xa”.

Bạn Dư Tuấn Lâm cho biết nhóm đã đi thực tế khảo sát và nhận thấy nhiều người có nhu cầu, sở thích trang trí không gian xanh trong nhà và ở nơi làm việc.

“Theo đó nhóm cũng hướng đến đối tượng cư dân đô thị, nhân viên văn phòng có mong muốn sở hữu những sản phẩm tinh gọn, vừa có thể trồng cây giải trí và tận dụng để trồng rau sạch. 

Hiện tại bức tranh sinh học có 2 phân khúc giá, tranh thiết kế sẵn dao động 300.000 – 1 triệu đồng/sản phẩm. Tranh được thiết kế theo yêu cầu khách hàng dao động 1 – 3 triệu đồng/sản phẩm” – Lâm nói.

Vừa qua nhóm cũng đoạt giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Ra Khơi của Trường đại học Văn Lang tổ chức. Sắp tới, nhóm sẽ thử sức thêm ở các cuộc thi khởi nghiệp khác. 

Phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh

TS Vũ Thị Quyền (trưởng ngành công nghệ sinh học, Trường đại học Văn Lang) đánh giá dòng tranh của nhóm có nhiều ưu điểm và phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay.

“Tranh của nhóm sử dụng nguyên liệu tái chế từ phế phụ phẩm lâm nghiệp, thân thiện với môi trường. Thiết kế sản phẩm đa dạng, độc đáo, mang lại giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ cao.

Ngoài ra, sản phẩm còn có thể tùy chỉnh thiết kế và kích thước, chủng loại thực vật theo nhu cầu của từng khách hàng” – TS Quyền chia sẻ.

Tuy nhiên cô Quyền cũng cho biết dòng tranh sinh học này còn mới ở thị trường Việt Nam và vẫn chưa được nhiều người biết đến. Nên việc thương mại hóa sản phẩm của nhóm sẽ gặp nhiều thách thức.

“Với sự sáng tạo và độc đáo của sản phẩm, cùng với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến gây biến tính vật liệu để tăng tuổi thọ cho khung tranh, tích hợp IoT để giảm công chăm sóc và quản lý bảo vệ bức tranh thực vật… nhóm cần đảm bảo tính ổn định của sản phẩm và mở rộng phạm vi khách hàng mục tiêu, tăng cường truyền thông, quảng bá…” – TS Quyền nói thêm.

Ý tưởng khởi nghiệp xanh có ở khắp nơiÝ tưởng khởi nghiệp xanh có ở khắp nơi

TTO – Từ ý tưởng đến một sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp thành công trên thị trường là một hành trình dài và đầy thách thức, tuy nhiên nếu vượt qua được mọi trở ngại, cơ hội sẽ vô cùng rộng mở.

 

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *