Như chạm trúng nỗi niềm của những người vợ, người chồng hay bị nửa kia đem ra so sánh, bài viết “Vì sao so sánh với “chồng người ta”!” nhận được nhiều bình luận đồng cảm, chia sẻ của bạn đọc.
So sánh, đứng núi này trông núi nọ nhìn chồng người ta
Khi đọc câu chuyện người vợ không tiếc lời so sánh chồng mình với thiên hạ dù chồng làm hai đầu việc kiếm tiền ngày đêm, anh Hoàng Vũ cảm thán: “Ôi lấy vợ kiểu đó thì nên trả vợ về nơi sản xuất sớm ngày nào tốt ngày ấy. Chứ có ngày đột quỵ vì lo cày quá mức mà còn bị chê trách”.
Đồng cảm, bạn đọc Lê Hiền Quân viết: “Bảo đảm số vụ ly hôn với việc so sánh như vậy mà ngành tòa án xử một năm không phải là ít”.
Bạn đọc Da Nang than rằng so sánh riết nên anh không muốn rủ vợ đi đâu chung. Anh có cảm giác như ở đâu vợ cũng liếc chồng của người ta.
“Người chồng cảm thấy bị tổn thương do thua thiệt một cách vô căn cứ. Lúc đầu chỉ như cái mụn nhọt nhỏ, nếu không giải quyết sớm, trước sau gì nó cũng lớn dần thành khối u”, bạn đọc này cảnh báo.
Tài khoản leho****@gmail.com kể câu chuyện của mình. Khi còn đi làm 70 triệu đồng/tháng, thẻ ngân hàng anh đưa cho vợ giữ. Anh chỉ lấy tiền tiêu vặt từ vợ.
Lúc thất nghiệp, anh ở nhà làm việc nhà, vợ đi làm. “Lúc này tôi mới cảm nhận thực sự sức mạnh, sức nóng của tiền. Nhưng biết làm sao được cuộc sống không mỉm cười với chúng ta, đành chấp nhận”, anh bộc bạch.
Ở góc nhìn khác, chị Sương cho rằng khía cạnh so sánh để tốt hơn cũng là đúng. Chẳng hạn, trong bài viết, hai vợ chồng được gia đình vợ tạo điều kiện, chồng không nên ỷ lại, mà càng phải cố gắng phấn đấu.
“Người vợ nói khó nghe thì cũng chỉ là cách nói thôi. Căn bản là do vợ yêu thương lo lắng cho gia đình. Người vợ theo tôi thấy thì không có lỗi trong chuyện mâu thuẫn gia đình nhé”, chị bày tỏ quan điểm.
Còn theo anh Lê Văn Vinh, có những người chỉ biết nghĩ đến tiền. Nửa kia mang tiền về nhiều thì được coi là người chồng tốt. Ngược lại, họ không nghĩ đến bản thân mình ngày kiếm được bao nhiêu tiền.
“Chồng đi đâu dài ngày, vợ chẳng khi nào hỏi một tiếng: Anh có đủ tiền đi không?“, anh Vinh cho biết. Và theo anh, như vậy chưa phải là người vợ biết chia sẻ với chồng.
Tài khoản Mr Thịnh bày tỏ: “Gọi là đứng núi này trông núi nọ, không bằng lòng với thực tại. Cưới vợ mà vợ luôn so sánh với chồng người khác thì đừng nên cưới, trước sau cũng ly dị”.
Nhận định câu chuyện so sánh chồng người ta, vợ người ta là không hiếm hoi trong đời sống gia đình, bạn đọc nguy****@gmail.com nhắn nhủ rằng hậu quả của việc này rất lớn.
“So sánh khiến không khí gia đình ngột ngạt, như kiểu bạo hành lời nói. Rồi nhiều khi đi quá xa, mất kiểm soát”, bạn đọc này chia sẻ.
Nên thẳng thắn nói về cảm giác khi bị so sánh
Giải pháp cho vấn đề nửa kia hay so sánh, một số bạn đọc cho rằng người trong cuộc nên thẳng thắn, nhẹ nhàng cho nửa kia biết cảm giác của mình khi bị đem ra cân đo đong đếm.
Chị Trâm Đào cho biết có sự so sánh là do người vợ chưa tinh tế. Và chị khuyên người chồng nên góp ý với vợ theo như điều mình muốn được đối xử. “Biết đâu cô ấy sẽ điều chỉnh tốt hơn”.
Các chị cũng cho rằng người vợ hay nghĩ đến tiền, quan trọng chuyện tiền bạc là do phải lo toan bao nhiêu là thứ cho gia đình, không hề xài riêng.
Chị Nhi khuyên: “Người chồng nên thẳng thắn chia sẻ cảm giác áp lực khi nghe vợ so sánh như vậy”.
Bạn đọc Cá chép nhỏ nhận định câu chuyện so sánh này là thực tế trong nhiều gia đình. Công việc với áp lực mỗi ngày đã vô cùng mệt mỏi, trở về nhà cũng chẳng thể nào yên, đau đầu với đủ kiểu càm ràm từ chồng, từ vợ.
“Đàn ông cũng so sánh lắm. Họ không nói ra, nhưng thái độ xem thường nếu vợ không làm ra nhiều tiền, không làm họ nở mày nở mặt. Phụ nữ hay nói, còn đàn ông hay giữ trong lòng, rồi một ngày nào đó bột phát”, bạn đọc này chia sẻ.
Tài khoản Hoa dã quỳ đề xuất đã là vợ chồng, chúng ta nên thẳng thắn nói với nhau những cảm nhận, lo toan, suy nghĩ của mình về người kia một cách nhẹ nhàng, cầu tiến.
Vợ chồng mà không nói thật, ngại chia sẻ, khư khư giữ trong lòng những bất mãn về người kia thì đến một ngày mâu thuẫn xảy ra là điều đương nhiên.
“Người ta hay nói rằng nên nhìn vào phía ánh sáng để đẩy lùi bóng tối, nghĩa là nhìn vào ưu để bù cho khuyết. Làm gì có ai hoàn hảo trên đời. Mọi thứ so sánh đều khập khiễng”.
Chị Trâm Đào phân tích: “Điều gì gần gũi thân thiết, quá gắn bó, chúng ta sẽ không thấy quý trọng.
Đến lúc mất đi rồi thì mới luyến tiếc thì đã muộn. Vậy tại sao không trân quý khi đang hiện hữu? Chúc mọi người luôn hạnh phúc với mái ấm mà mình đã tốn bao công sức gầy dựng”.
Theo bạn đọc Ha, phụ nữ ngày nay muốn chồng chia sẻ việc nhà, tiền sinh hoạt, chăm sóc con. Bạn đọc này kể trường hợp người chồng phải tự bỏ tiền ra mua nhà, vì tiền đó để lại cho con sau này… Còn tiền riêng của vợ trước khi cưới, vợ đã đưa hết cho cha mẹ ruột cho vay, cháu con thì bên nội lo giùm… Chồng bệnh phải tự lo.
Bạn đọc này đề xuất nên bớt đòi hỏi ở nửa kia và hai bên nên có sự cho nhận trong tình cảm tương xứng, rồi hẵng nghĩ đến những đòi hỏi, so sánh.