Hệ thống điện mặt trời mái nhà có pin lưu trữ có thể được bán 100% điện dư lên lưới, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng và ban hành nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp mong muốn sớm có chính sách rõ ràng, thủ tục thuận tiện nhất để đảm bảo hiệu quả sử dụng và đầu tư.
Chờ chính sách được hướng dẫn
Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 6kW từ cuối năm 2019, chị Dung (Hội An, Quảng Nam) được hưởng giá ưu đãi (FIT) nên gia đình chị vừa có thêm nguồn điện để xài, vừa thu lời được từ việc bán điện cho EVN. Thông thường, gia đình chị sử dụng khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Tuy nhiên, do có nguồn điện mặt trời áp mái, nên vào mùa nắng nóng tiêu dùng điện nhiều, gia đình chị được hoàn lại từ 600.000 – 700.000 đồng/tháng. Vào mùa nắng xuân, nhu cầu sử dụng điện không nhiều, sản lượng điện dư được gia đình chị bán lên lưới cao hơn, có thời điểm chị nhận lại khoảng 1 triệu đồng tiền bán điện/tháng.
Do vậy, chị Dung rất muốn lắp đặt hệ thống điện áp mái cho khu nhà đang xây dựng với công suất dự kiến khoảng 10kW.
“Tuy nhiên, ngành điện đã ngừng chính sách mua điện mặt trời áp mái, trong khi việc đầu tư bộ lưu trữ điện tốn chi phí khá cao mà chưa biết hệ thống có được nối lưới, bán điện hay không nên tôi chưa đầu tư”, chị Dung nói.
Trong khi đó, anh Vũ Cao (quận 12, TP.HCM) cho biết gia đình anh đang lắp hệ thống điện mặt trời áp mái, chủ yếu sử dụng cho sinh hoạt gia đình. Do gia đình thường xuyên đi nghỉ cuối tuần hoặc đi xa dài ngày, anh Vũ Cao rất muốn lắp bộ lưu trữ điện với nguồn điện dư, vừa tránh lãng phí mà khi bị cúp điện vẫn có điện để xài.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho bộ lưu trữ điện khá cao, trong khi chưa biết nguồn điện dư có được ghi nhận sản lượng và bán lên lưới hay không nên anh chưa dám đầu tư.
“Nếu có chính sách để Nhà nước mua hết nguồn điện mái nhà có lắp đặt pin lưu trữ, tôi sẽ lắp đặt đồng bộ, phục vụ nhu cầu sử dụng và có thêm được chi phí sẽ khuyến khích hơn”, anh Vũ Cao khẳng định.
Theo ông Ngô Văn Vinh, giám đốc Focus solar chuyên cung cấp dịch vụ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam, dù cơ chế FIT ưu đãi điện mặt trời mái nhà hết hiệu lực vào cuối năm 2020, nhưng vẫn có nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu lắp đặt hệ thống này nhưng phải dừng lại chờ cơ chế thống nhất.
Chẳng hạn, có địa phương không cho phép lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, thậm chí yêu cầu người dân phải tháo gỡ nếu đã lắp đặt. Nhiều địa phương lại yêu cầu phải xin giấy phép của điện lực, sở công thương mới được lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng chủ yếu để tự dùng, không cho phát điện lên lưới với lý do… chờ chính sách mới.
“Cũng có hộ đầu tư bộ lưu trữ để lưu điện dư và… để đó nếu không xài hết vì chưa có quy định mới về việc nối lưới, không được phát điện lên lưới. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà rất mong muốn sớm có chính sách một cách rõ ràng, thống nhất áp dụng” – ông Vinh nói.
Thủ tục cần đơn giản với hộ lắp đặt quy mô nhỏ
Trao đổi với chúng tôi, một doanh nghiệp cho rằng không ai đi đầu tư điện mặt trời mái nhà chỉ để thu lời. Đặc biệt, đầu tư hệ thống pin lưu trữ sẽ không có lời, mà độ ổn định cung cấp điện không cao, có nguy cơ hư hỏng, cháy nổ cao.
“Việc lắp pin lưu trữ với hộ gia đình chủ yếu để giảm bớt việc sử dụng điện lưới ở giá cao, phục vụ cho nhu cầu tự dùng”, vị này nói.
Do đó, người dùng sẽ lựa chọn công suất tối ưu, đủ để sử dụng và nguồn điện dư phát lên lưới không nhiều. Nếu có được bán điện, số tiền thu lại cũng không nhiều, chỉ bù đắp phần nào chi phí dùng điện giá cao.
“Vì vậy điều mà các tổ chức, cá nhân lắp điện mặt trời mái nhà mong muốn lúc này là cần có chính sách rõ ràng, thống nhất để không phải trong tình trạng “lắp chui” như vừa qua” – vị này nói.
Ông Nguyễn Hữu Khoa – Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM, thành viên hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng VN – cũng cho rằng cần làm rõ hơn vai trò của các chủ thể tham gia lắp đặt hệ thống này như nhà đầu tư, chủ sở hữu công trình, đơn vị thi công, bảo hành, cơ quan quản lý.
Chính sách khuyến khích cần đa dạng như thuế, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, giải quyết tranh chấp nếu phát sinh giữa các bên liên quan.
“Đặc biệt, thủ tục đăng ký đối với hộ gia đình cần được đơn giản hóa nhất, có thể xem xét cơ chế tự công bố cho các hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ; xây dựng hệ thống thông tin một cửa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi đăng ký, làm thủ tục”, ông Khoa nói.
Trong khi đó, theo ông Ngô Văn Vinh, cần phân loại các đối tượng lắp đặt điện mặt trời mái nhà để có chính sách rõ ràng, thống nhất. Theo đó, đối với hộ gia đình, nhu cầu lắp đặt có công suất nhỏ, thường là dưới 20kW, cơ chế thủ tục cần đơn giản, thống nhất một cơ quan giải quyết.
Với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp đặt hệ thống lớn, quy mô từ 20 đến dưới 100kW, yêu cầu nhiều thủ tục giấy tờ, đặc biệt là phòng cháy chữa cháy, xây dựng thì cần được hướng dẫn rõ ràng.
“Cũng cần phân loại các nguồn điện bám lưới/nối lưới hay bán điện lên lưới, các công trình xây dựng được lắp đặt, phải xin cấp phép, để có cơ chế quản lý đảm bảo hiệu quả sử dụng cho người lắp đặt và an toàn hệ thống”, ông Vinh nói.
Sẽ được mua 100% điện dư nếu có bộ lưu trữ
Theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng và ban hành nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây, Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu có các cơ chế chính sách mới.
Trong đó, cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục hành chính với các đơn vị lắp đặt; trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà có hệ thống lưu trữ, có thể mua 100% công suất điện dư và nghiên cứu cho phép mua điện theo giá từng thời điểm; đồng thời nâng công suất cho điện mặt trời mái nhà.
Người lắp đặt có thực sự được lợi?
Theo ông Ngô Văn Vinh, chi phí lắp đặt điện mặt trời mái nhà đã giảm rất nhiều so với trước đây. Đơn cử, mỗi kW điện mặt trời áp mái được lắp đặt có giá từ 8 – 9 triệu đồng.
Nếu lắp thêm pin lưu sẽ có giá khoảng 12 triệu đồng, rẻ hơn một nửa so với trước, nên chi phí để lắp đặt cho mỗi kW điện áp mái chỉ bằng mức giá của 2 – 3 năm trước.
Với một hệ thống điện mặt trời mái nhà được khấu hao trong khoảng 5 năm, chi phí giá thành sản xuất cho mỗi kWh điện rẻ hơn nhiều so với mức giá mua điện từ ngành điện, nên rất có lợi cho người lắp đặt.
Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc cho hay với cơ chế dự kiến ngành điện chỉ thu mua 20% trên tổng công suất lắp đặt với hệ thống điện áp mái và mua 100% nguồn điện dư khi có thêm pin lưu trữ, cũng chưa thật sự khuyến khích nếu tính về hiệu quả.
Bởi khi lắp nguồn điện mái nhà, mỗi hộ sẽ lựa chọn công suất tối ưu, phù hợp với nhu cầu sử dụng, với mục tiêu ưu tiên đầu tiên là đáp ứng nhu cầu tự dùng.
“Do đó, lượng điện dư từ các hệ thống này không có nhiều, nên việc phát lên lưới và bán cho ngành điện cũng “không thấm vào đâu” so với khoản tiền đầu tư”, vị này nói.