Những chàng trai, cô gái đất Mỏ không chỉ thể hiện được vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội mà còn là hạt nhân trong nhiệm vụ “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” mà BCH Đảng bộ tỉnh đề ra.
Từ những ý tưởng của giới trẻ, tỉnh đoàn Quảng Ninh đã phát động và triển khai nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả, giúp thanh niên đất Mỏ khơi thông nguồn lực, tạo dựng vị thế, trở thành những ông chủ khi còn rất trẻ, từ đó góp phần xây dựng quê hương Quảng Ninh văn minh, giàu đẹp.
Theo anh Nguyễn Thế Minh, phó bí thư phụ trách Tỉnh đoàn Quảng Ninh, xác định công tác hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức đoàn. Trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh đoàn luôn cố gắng tìm tòi nghiên cứu và đề xuất những giải pháp để hỗ trợ đồng hành cùng thanh niên trong lập nghiệp và phát triển kinh tế.
Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch hỗ trợ thanh niên Quảng Ninh lập nghiệp giai đoạn 2024-2030. Trong đó triển khai phát triển được nhiều mô hình kinh tế mới. Hỗ trợ cây giống, con giống để thanh niên phát triển kinh tế. Tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay cho thanh niên, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo tăng chất lượng vốn vay. Không để xảy ra tình trạng vay sai đối tượng.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức cho thanh niên về kỹ năng khởi nghiệp. Qua các năm, chất lượng cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đều được nâng cao. Trong hai năm gần nhất, đã có gần 90 dự án tham gia cuộc thi, trong đó 20 dự án xuất sắc đã được trao giải. Có 5 dự án khởi nghiệp của thanh niên được tỉnh đoàn hỗ trợ tham gia vào vòng bán kết, vòng chung kết các cuộc thi khởi nghiệp thanh niên do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức.
Đặc biệt, tỉnh đoàn tập trung triển khai các mô hình, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế, mô hình hợp tác xã trong thanh niên, nhất là tại các địa bàn có tiềm năng nông, lâm, ngư nghiệp. Đồng thời phát huy vai trò của hội doanh nhân trẻ và câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp trong hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, tập hợp đội ngũ hội doanh nhân và thanh niên khởi nghiệp cùng trao đổi hỗ trợ nhau phát triển. Điển hình như câu lạc bộ định hướng và phát triển khởi nghiệp TP Cẩm Phả mới được ra mắt với các thành viên là học sinh THPT trên địa bàn.
Bí thư Thành đoàn Hạ Long Nguyễn Tuấn Thắng cho rằng Hạ Long luôn là mảnh đất giàu tiềm năng và cơ hội, nơi mỗi người có thể lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng.
“Thành đoàn Hạ Long luôn xác định vai trò là ‘cầu nối’ và ‘bệ đỡ’ để truyền cảm hứng, định hướng và hỗ trợ cho thanh niên. Chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm truyền lửa cho đội ngũ cán bộ đoàn và đoàn viên thanh niên như tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn thanh niên…, để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên trong thế hệ trẻ”, anh Thắng cho hay.
Thành đoàn đã tổ chức nhiều phong trào, như “thanh niên làm kinh tế giỏi”, “tuổi trẻ sáng tạo”, nhằm khuyến khích đoàn viên phát huy sáng kiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lao động.
Chị Đào Thị Mai Thịnh, bí thư Huyện đoàn Tiên Yên cho biết, là huyện miền núi với 52% người dân là dân tộc thiểu số, một trong những vấn đề hiện nay mà Huyện đoàn Tiên Yên luôn trăn trở, đó là đồng hành cùng thanh niên trong giải quyết công ăn việc làm. Do vậy, huyện đoàn luôn xác định, đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp là một trong những nội dung quan trọng và hướng đến các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đoàn thanh niên huyện Tiên Yên đã triển khai nhiều giải pháp để cùng hỗ trợ các đoàn viên thanh niên như tư vấn nguồn vốn khởi nghiệp thông qua ngân hàng chính sách xã hội, kêu gọi đầu tư và sử dụng các nguồn vốn khoa học kỹ thuật của huyện, mang lại hiệu quả… Từ đó chia sẻ, lan tỏa những cách làm hay của các đoàn viên để cùng học tập kinh nghiệm và triển khai các mô hình tại gia đình cũng như tạo thành một chuỗi liên kết với nhau trong việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra chúng tôi cũng hỗ trợ cho các mô hình trong việc nâng cấp và đăng ký sao OCOP, nhất là đối với các sản phẩm của địa phương, đồng thời hỗ trợ các bạn đoàn viên nâng cao thứ hạng sao, tạo nên thương hiệu cho Tiên Yên, điển hình như sản phẩm gà sạch, chè hoa vàng Tiên Yên…
“Cũng thông qua các hoạt động này giúp đoàn viên thanh niên của huyện Tiên Yên có thêm lý tưởng sống, có niềm tin vào khởi nghiệp, lập nghiệp và quyết tâm dám nghĩ dám làm, ứng dụng trong học kỹ thuật trong sản xuất và khởi nghiệp thành công”, chị Thịnh cho biết.
Thật khó để nói hết được những kết quả mà các đoàn viên, thanh niên Quảng Ninh đã thực hiện trong thời gian qua.
Chỉ biết rằng, khi trao đổi với những cán bộ, đoàn viên và người dân đất Mỏ, chúng tôi rất ấn tượng với thế hệ trẻ nơi đây, những thanh niên đất Mỏ “nói ít, làm nhiều”.
Trong khu trang trại nuôi gà, anh Trần Đăng Hạnh (sinh1993, thôn Tềnh Pò, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên – người dân tộc Tày) trên tay cầm bao cám, thoăn thoắt chăm chút thức ăn, nước uống cho đàn gà hàng nghìn con trong trang trại của gia đình.
Hạnh cho biết, khu đồi nhà anh rộng hơn 2ha, nằm gần nhà. Những năm trước, khu vườn đồi rộng thênh thang này chỉ trồng một số loại cây lấy gỗ cho giá trị kinh tế thấp. Nhận thấy lợi thế của quê hương, có giống gà Tiên Yên ngon nức tiếng cả nước, năm 2015 anh suy ngẫm và bắt đầu xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gia cầm, sau đó thành lập Hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên.
“Lúc đầu, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do mình là thanh niên, vốn ít, lại chưa từng đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn, do đó không ít lần đã nản chí. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đặc biệt là đoàn thanh niên các cấp, mình đã quyết tâm và xây dựng thành công mô hình nuôi gà sạch” – anh Hạnh nói.
Thế rồi trang trại chăn nuôi gia cầm kết hợp trồng quế xen canh cây hạt dổi ra đời. Toàn bộ diện tích hơn 2ha vườn đồi của gia đình là nơi lý tưởng để con gà Tiên Yên sinh sôi, nảy nở và phát triển cho thành quả ngọt. Hàng năm, hợp tác xã đưa ra thị trường gần 80.000 con gà Tiên Yên thương phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên trong hợp tác xã với số tiền trên 200 triệu đồng/gia đình.
Đặc biệt năm 2023, sản phẩm gà sạch của Hợp tác xã đã đạt doanh thu trên 20 tỉ đồng, trừ chi phía lợi nhuận thu về hơn 2 tỉ đồng. Hợp tác xã cũng tạo việc làm cho hàng chục nhân công địa phương, chủ yếu là thanh niên với mức thu nhập gần chục triệu đồng/tháng. Đây là thành công bước đầu của Hợp tác xã khi áp dụng mô hình chăn nuôi sản phẩm gà sạch Tiên Yên, được người dân và du khách đón nhận.
Nói về mô hình này, anh Trần Minh Hoàng (sinh 1998, ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) cho biết, đây là mô hình khá hay, hợp với lợi thế phát triển của người Tiên Yên bởi có giống gà ngon, lại có đất đồi rừng rộng rãi. Mô hình được thực hiện hoàn toàn tự nhiên trên sườn đồi, vào ban ngày gà đi kiếm ăn, cuối ngày mới vào chuồng. Bên cạnh đó, việc đảm bảo vệ sinh, thú y trong chăn nuôi, phòng bệnh cũng được quan tâm, cho nên con gà phát triển khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng cao.
“Bản thân chúng tôi cũng đang từng bước học hỏi kinh nghiệm để nuôi gà theo mô hình này, cải thiện kinh tế gia đình, phát triển nông thôn, nâng cao đời sống người dân – Anh Hoàng nói.
Nói về thị trường của sản phẩm gà sạch Tiên Yên, anh Hạnh cho biết, đầu ra của sản phẩm gà sạch theo hai hướng, thứ nhất là bán gà lông, thứ hai là gà đã qua sơ chế chỉ việc chế biến. Ngoài ra, hợp tác xã cũng đang triển khai thêm một số sản phẩm từ gà sạch như gà ủ muối để tung ra thị trường.
Gà Tiên Yên của hợp tác xã ngoài bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận đã được đông đảo người tiêu dùng ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai… biết đến và sử dụng. Nhiều khách hàng thông qua mạng xã hội biết Hợp tác xã có sản phẩm gà sạch Tiên Yên nên đã liên hệ đặt hàng.
Sau khi thấy sản phẩm thơm ngon, hương vị gà đặc trưng Tiên Yên, khách hàng đã chủ động xây dựng thương hiệu, phân phối gà sạch Tiên Yên khu vực miền Nam. Hợp tác xã đã gửi hàng cho các kênh phân phối này thông qua các chuyến bay của các hãng hàng không để con gà Tiên Yên đến tay khách hàng sớm nhất, chất lượng nhất, đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nói về quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu gà Tiên Yên của anh Trần Đăng Hạnh, chị Đào Thị Mai Thịnh, bí thư Huyện đoàn Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, đây là một mô hình xuất phát từ thế mạnh của địa phương đó là giống gà Tiên Yên. Từ lợi thế đó, anh Hạnh đã mạnh dạn khởi nghiệp tại gia đình, xây dựng lên một mô hình trang trại chăn nuôi gần gũi, tự nhiên nhưng rất hiệu quả.
Đặc biệt, nhận thấy nhu cầu của khách hàng, phải nâng cấp các sản phẩm từ gà sạch, anh Hạnh đã mạnh dạn đề xuất, xây dựng các đề tài khoa học về việc ứng dụng cơ chế sơ chế gà sạch tạo thương hiệu gà sạch OCOP của Tiên Yên. Đồng thời anh hỗ trợ, định hướng cho nhiều đoàn viên thanh niên cùng tham gia và tư vấn, hỗ trợ nhau kỹ thuật chăn nuôi, tạo thành những chuỗi cung cấp các sản phẩm về gà cho các đơn hàng lớn. Từ đó tạo nên thương hiệu, giúp sản phẩm gà Tiên Yên trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, mang bản sắc riêng của đất và người Tiên Yên.
Với tâm niệm “Cho đi là còn mãi” và cách sống tích cực nên khi đối diện với hoàn cảnh bị khuyết một phần cơ thể, chị Phạm Thiên Trang đã và đang sống một cuộc sống tràn đầy nhiệt huyết, làm đẹp cho đời bằng những việc nhân ái.
Gặp chúng tôi, cô gái trẻ có khuôn mặt xinh xắn không khỏi xúc động. Trang rơm rớm nước mắt khi kể về cuộc đời mình.
Chị Phạm Thiên Trang (sinh 1992, nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường – TKV) kể , năm 2015 được tuyển vào làm thợ kỹ thuật của Công ty TNHH một thành viên Môi trường – TKV. Niềm vui chưa đặng thì sau va chạm giao thông với một xe tải vào năm 2017, Trang đã vĩnh viễn mất đi chân phải. Từ đó bao nhiêu áp lực cuộc sống cứ dồn nén nên cô gái trẻ.
“Tinh thần lúc đó đi xuống rõ rệt, tôi sốc, sốc vì hình hài không được nguyên vẹn, tự ti về sức khỏe của mình. Cũng sốc vì bao nhiêu dự định hoài bảo của mình chưa thực hiện được đã bị dập tắt. Trong khi đó tôi và chồng tôi đã ly hôn, tôi đang phải nuôi con gái bé bỏng. Vậy là phải dừng lại ước mơ. Thời gian đó, tôi như bị trầm cảm” – Trang chia sẻ.
Sau nửa năm phục hồi chức năng, Trang bắt đầu làm quen với nạng, rồi tìm hiểu và biết đến chân giả, nhưng việc lắp đặt và tập luyện để đi được là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng bằng nghị lực của mình, cô gái 9x đã nỗ lực vượt qua, tập luyện và đi lại được bằng chiếc chân giả.
Cũng thời gian này, nhờ sự hỗ trợ tạo điều kiện của công ty, Thiên Trang được sắp xếp về trực tại văn phòng, từ đó cũng giảm bớt một phần gánh nặng về tài chính và tư tưởng cho Thiên Trang, đồng thời nhen nhóm cách sống tích cực của cô gái đất Mỏ.
Từ hoàn cảnh của chính bản thân mình, Thiên Trang đã tìm hiểu và biết rằng, cuộc đời này còn nhiều số phận éo le hơn cả mình. Chính vì vậy, Trang đã tham gia công tác thiện nguyện và trở thành một trong những nhân tố tích cực trên địa bàn.
“Trước khi bị tại nạn tôi cũng đã biết đến hoạt động thiện nguyện và cũng tập tành làm. Nhưng sau khi bị tai nạn, số phận của mình càng thôi thúc tôi phải làm thiện nguyện bằng được, làm bằng cái tâm, làm đến đâu thì làm, làm được bao nhiêu cũng tốt, miễn là đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những số phận bất hạnh hơn mình. Do vậy, ban đầu chỉ làm việc nhỏ như gom quần áo cũ đưa đi vùng cao, sau đó biết được những chương trình thiện nguyện, các anh chị đi trước đang làm, nên tôi tích cực triển khai cùng các anh, các chị và được mọi người ủng hộ” – Thiên Trang kể.
Trời không phụ lòng người, nhóm thiện nguyện Quảng Ninh và nhóm thiện nguyện trẻ mà Thiên Trang tham gia đều phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho đồng bào vùng sâu, vùng xa không chỉ ở Quảng Ninh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Đặc biệt với vai trò cá nhân, Trang cũng đã tích cực huy động mọi người cùng tham gia hỗ trợ, đóng góp ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với các nhóm thiện nguyện khác tổ chức được nhiều dự án thiện nguyện ý nghĩa.
Riêng trong năm 2023, Trang đã tổ chức 25 hoạt động tình nguyện như trao hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây nhà tình thương cho thiếu nhi; kết hợp với CLB Giọt máu hồng đất mỏ và Đoàn thanh niên huyện Đầm Hà tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm” cho trẻ em tại Đầm Hà; kêu gọi ủng hộ được trên 700 triệu đồng hỗ trợ dự án “Xây điểm trường – Dựng ước mơ số 2” tại huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) và vận động được hơn 200 người hiến máu tình nguyện…
Gần đây nhất, sau khi trải qua cơn bão Yagi, Trang đã cùng CLB Giọt máu hồng đất Mỏ tích cực kêu gọi, ủng hộ chung tay hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn sửa sang nhà cửa, ổn định cuộc sống, tổ chức thăm, tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Quảng Phong (huyện Hải Hà); chùa Cẩm La (thị xã Quảng Yên) và tham gia vệ sinh môi trường, tái thiết cảnh quan sau bão tại đảo Thắng Lợi (Vân Đồn)….
Chung tay khắc phục hậu quả bão số Yagi, các cấp đoàn thanh niên ở Quảng Ninh đã xung kích đi đầu, thực hiện nhiều phần việc thiết thực, cụ thể giúp nhân dân vượt qua hoàn cảnh.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh, gây thiệt hại lớn về người và của với các tỉnh phía Bắc. Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu sóng ngọn gió, chịu thiệt hại nặng nề.
Tiên Yên là một trong những đơn vị chịu thệt hại nặng nề của bão số 3, chị Đào Thị Mai Thịnh, bí thư Huyện đoàn Tiên Yên cho biết, bão Yagi đi qua địa bàn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh đoàn Quảng Ninh và Huyện ủy Tiên Yên, trước khi bão đổ bộ, Huyện đoàn đã thành lập đội hình xung kích tình nguyện nhằm phản ứng nhanh, kịp thời phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý các tình huống phát sinh trong bão, cũng như khắc phục hậu quả sau bão.
Sau khi bão số 3 đổ bộ vào huyện Tiên Yên, đội hình xung kích tình nguyện đã có mặt ở xã Đông Hải, hỗ trợ 50 hộ dân di chuyển đồ đạc bị ngập ướt do mưa bão gây ra. Sau đó, Huyện đoàn huy động trên 600 đoàn viên thanh niên giúp người dân dọn dẹp cây cối, khắc phục tình trạng mất điện, nước, internet.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn rà soát những hộ gia đình nghèo, cận nghèo chịu ảnh hưởng do bão. Huy động xã hội hóa tiếp nhận trên 350 triệu đồng và nhiều nhu yếu phẩm khác như quần áo, chăn màn, sách vở để đảm bảo 100% học sinh được đến trường.
Ngoài ra Huyện đoàn cũng chỉ đạo đoàn viên ở các xã, thị trấn cùng phối hợp với các lực lượng khác lợp lại các ngôi nhà bị tốc mái, bị hư hỏng để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời cùng các đơn vị chức năng kiểm kê và hoàn thiện hồ sơ, đề xuất hỗ trợ những hộ gia đình bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão, chị Thịnh cho biết.
Anh Nguyễn Thế Minh, phó bí thư Phụ trách Tỉnh đoàn Quảng Ninh cho biết, cơn bão đi qua để lại hậu quả nặng nề, tỉnh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị huy động tối đa lực lượng, phối hợp với các đơn vị chức năng khắc phục hậu quả bão số 3 với tinh thần xung kích “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Đi thăm một số điểm từng bị thiệt hại nặng nề của sau khi bão Yagi càn quét qua, Bí thư Thành đoàn TP Hạ Long Nguyễn Tuấn Thắng cho biết, bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đổ bộ vào TP Hạ Long (Quảng Ninh). Dù đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, nhưng với sức tàn phá quá lớn, Hạ Long là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề sau bão.
Để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, thành phố Hạ Long đã phát động “chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm”, huy động tổng lực máy móc, thiết bị, con người cùng chung tay thu dọn cây cối gãy đổ, sửa chữa các công trình bị hư hại, tổng dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông thông suốt, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh và hoạt động du lịch, dịch vụ.
Hơn 1 vạn đoàn viên, thanh niên TP Hạ Long đã đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
“Đây là chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường biển quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Hạ Long, thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong việc khắc phục hậu quả sau bão, góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân và khôi phục các cảnh quan thiên nhiên của vịnh Hạ Long, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp” anh Thắng đánh giá.
Nối tiếp chiến dịch, thanh niên Hạ Long tiếp tục có nhiều hoạt động ra quân thu dọn vệ sinh môi trường biển tại các khu vực bãi tắm Hòn Gai, Bãi Cháy, Tuần Châu. Tuổi trẻ thành phố đã triển khai thu dọn xốp, phao, bè tre trôi nổi ở gần bờ, dọn dẹp rác thải nhựa, dây cước, cành cây gãy đổ trên bãi biển và làm sạch cát để người dân có thể tắm biển trở lại.
Ngoài ra, Thành đoàn cũng huy động tổng lực thanh niên cùng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả của bão. Chung tay dọn dẹp, phá dỡ, lợp mới những căn nhà bị ảnh hưởng do bão.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, du khách ở Hà Nội cho biết chị là một trong những du khách có mặt ở Hạ Long khi bão Yagi đổ bộ. “Lúc đó tôi rất sợ, cây cối ngoài đường gãy đổ, nhiều tấm tôn, bảng hiệu bị hư hỏng, trên đường, dưới biển đầy rác thải. Ngay sau bão, Quảng Ninh đã huy động đông đảo lực lượng tham gia dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Trong đó có các bạn đoàn viên thanh niên”, chị Lan Anh nói.
TIẾN NGUYỄN – QUANG THẾ
DANH KHANG – TRANG PHẠM – MAI THỊNH – KIM CƯƠNG
14-12-2024