Trong khi một số người hoan nghênh việc sử dụng AI như một công cụ viết mới, thì những người phụ trách các cuộc thi sách ở Nhật Bản lại đặt câu hỏi về việc công nghệ này ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sáng tạo của tác giả, dù hầu hết đều mọi người đều đồng ý rằng còn rất lâu nữa mới có thể tạo ra được những cuốn tiểu thuyết có chất lượng vượt trội bằng AI.
Cuốn tiểu thuyết của Rie Kudan (33 tuổi) có tựa đề Tokyo-to Dojo-to (Tháp đồng cảm Tokyo) lấy bối cảnh ở thủ đô Nhật Bản trong một tương lai không xa, khi AI đã trở nên phổ biến. Tác phẩm đã này đã giúp Rie Kudan đoạt giải dành cho các tác giả triển vọng ở lễ trao giải văn học Akutagawa vào tháng 1.
Những vấn đề xung quanh cuốn tiểu thuyết của Kudan xảy ra sau khi cô nói trong một cuộc họp báo nhận giải rằng “khoảng 5% nội dung cuốn sách được lấy trực tiếp từ AI”.
Shuichi Yoshida – một tiểu thuyết gia trong hội đồng tuyển chọn giải thưởng – cho biết AI hầu như không xuất hiện trong các cuộc thảo luận trong quá trình đánh giá tác phẩm, đồng thời nói thêm rằng nó có thể chỉ được coi là một nhân vật khác trong câu chuyện mà thôi.
Nhưng những tiết lộ của Kudan về việc sử dụng AI đã gây tranh cãi, thu hút nhiều tranh luận trái chiều và xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội quốc tế.
Công nghệ AI tạo sinh có khả năng tạo văn bản, hình ảnh và nội dung khác thông qua sự chỉ đạo của người dùng nhập lệnh. Công nghệ này cho phép mọi người tạo ra các tác phẩm văn học và nghệ thuật chỉ bằng một nút nhấn mà không cần có kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực nhất định. Khi số người sử dụng AI tạo sinh tăng lên nhanh chóng, có rất nhiều ý kiến lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để phổ biến thông tin sai lệch hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đã có các cuộc thảo luận được tiến hành để thiết lập các quy tắc cho việc sử dụng công cụ đó.
Trong cuốn sách của nhà văn Rie Kudan, có một đoạn nói về một công nghệ hư cấu gợi nhớ đến công cụ ChatGPT do OpenAI phát triển ngoài đời thực, giúp trả lời các câu hỏi của nhân vật chính. Rie Kudan sau đó đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng cô chỉ sử dụng những câu trả lời do AI tạo ra để ghép vào phần trả lời của công nghệ hư cấu trong câu chuyện.
Nữ tác giả giải thích: “Khi mượn AI từng phần nhỏ để ghép vào, tôi đã thực hiện những sửa đổi phù hợp cho câu chuyện để không làm gián đoạn mạch văn bản. Khi bạn đọc lại, những văn bản áp dụng từ AI hầu như không chiếm hết một trang và tôi nghĩ điều tôi nói về việc dùng AI đã bị thổi phồng quá mức”.
Một biên tập viên kỳ cựu cho biết mặc dù bản thân tác phẩm của Rie Kudan không có vấn đề gì, nhưng những tiết lộ về việc sử dụng AI sẽ ảnh hưởng đến các quy tắc gửi bài trong tương lai.
“Tương tự như việc thêm trích dẫn, tôi nghĩ chúng tôi muốn được thông báo trước về việc đó. Trên thực tế, rất khó để phân biệt liệu AI có được sử dụng trong quá trình viết hay không và một số độc giả có thể cảm thấy bị lừa nếu sau đó họ phát hiện ra”, biên tập viên nói.
Đối với những tác phẩm viết về những thay đổi đang diễn ra trong khoa học viễn tưởng, AI thường là chủ đề được đưa vào thể loại này. Giải thưởng Hoshi Shinichi dành cho văn học khoa học viễn tưởng đã đặt ra các yêu cầu chi tiết về việc sử dụng nội dung do AI tạo ra trong các bài dự thi, bao gồm việc cấm đưa nguyên vẹn nội dung đó vào mà không có sự bổ sung hoặc sửa đổi đáng kể đối với văn bản được tạo ra và một số quy tắc khác nữa.
Tuy nhiên, nhà phê bình văn học Akira Okawada nói rằng nhiều tác giả đã sử dụng AI để giúp họ đưa ra ý tưởng cho chủ đề hoặc cấu trúc bài viết, đồng thời nói thêm rằng nhận xét của Kudan về cách cô sử dụng công cụ AI tạo sinh khi viết dường như càng củng cố điều này.
Ông Akira Okawada nhận định: “Mặc dù chúng ta vẫn không thể tạo ra những câu chuyện ưu việt chỉ bằng cách sử dụng văn bản do AI tạo ra, nhưng chúng ta nên thảo luận xem liệu cuối cùng nó có thay thế khả năng sáng tạo của nhà văn hay không. Trẻ em sẽ học được những phẩm chất tinh tế của con người khi chúng lớn lên, nhưng AI khó có thể làm được điều đó để tạo ra những tác phẩm đề cập sâu sắc đến các chủ đề đạo đức”.
Bản thân nữ nhà văn Rie Kudan cho biết cô hài lòng với việc cùng tồn tại với AI: “Ngay cả khi AI bắt chước con người và viết những văn bản ưu việt hơn, tôi vẫn muốn tự mình viết. Mong muốn đó sẽ không bao giờ chấm dứt”.