Báo Nikkei Asia dẫn nguồn từ Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho thấy bộ này đã cấp hơn 7,1 triệu giấy phép hoạt động cho các tài xế xe taxi công nghệ tính đến tháng 6 vừa qua. Trong đó số chuyến của các xe công nghệ trong tháng 6 chạm mức cao kỷ lục với 971 triệu chuyến.
“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ mới, nơi chúng ta tìm hành khách trên các ứng dụng. Vì vậy tôi mua nhiều điện thoại để có thể tìm khách trên nhiều ứng dụng khác nhau”, tài xế taxi họ Từ vừa nói với Nikkei Asia vừa chỉ vào bốn chiếc điện thoại thông minh trên xe.
Trong số bốn chiếc điện thoại, ông Từ dùng một chiếc để gọi điện cho các đồng nghiệp, ba chiếc còn lại dùng để bắt khách.
Theo ghi nhận của Nikkei Asia, Didi hiện là công ty dịch vụ xe taxi công nghệ dẫn đầu Trung Quốc với thị phần khoảng 70%. Từ lúc thành lập vào năm 2012 đến tháng 12-2023, hơn 500 triệu lượt hành khách đã sử dụng dịch vụ taxi của công ty này.
“Thời gian gần đây, các khách hàng của tôi thường bắt xe thông qua ứng dụng Didi”, ông Đặng, một tài xế taxi tại thành phố Thượng Hải, trả lời Nikkei Asia.
Didi cung cấp cả xe taxi riêng (private driver) lẫn taxi từ các công ty vận hành. Chính những dịch vụ như vậy đã hỗ trợ rất nhiều cho các tài xế.
“Khi còn làm việc cho một công ty taxi, tôi chỉ có thể đi làm cách ngày nhưng kể từ khi đăng ký ứng dụng Didi, tôi có thể làm việc hằng ngày”, tài xế taxi họ Trương cho biết.
Tuy nhiên khi những ứng dụng như Didi phát triển giúp nhiều con đường trở thành tài xế taxi trở nên dễ dàng hơn, nhiều người từ các thành phố khác đổ về những thành phố lớn khiến sự cạnh tranh giữa các tài xế taxi cũng tăng lên trong khi nguồn thu nhập giảm mạnh.
Thu nhập trung bình hằng ngày của tài xế xe công nghệ ở thành phố Quảng Châu là khoảng 312 nhân dân tệ (gần 44 USD) tính đến tháng 5, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương kể ông phải lái xe suốt từ 6h đến 17h mỗi ngày trong bối cảnh làn sóng cạnh tranh giữa các tài xế taxi tăng cao.