Lửa thử vàng, gian nan thử start-up
Là 1 trong 4 gương mặt của talkshow Định hướng khởi nghiệp xanh ở sân golf Long Thành, anh Nguyễn Tự Tin – founder, CEO Phở’S – tất bật cùng nhân viên lập một quầy phở nhỏ phục vụ phở sâm Ngọc Linh ngay sảnh sự kiện rồi mới có mặt trên sân khấu kể câu chuyện của Phở’S.
“Gia đình tôi ba đời nấu phở. Từ lợi thế gia đình, tôi bắt tay kinh doanh một sản phẩm mới là phở sâm Ngọc Linh từ năm 2019, đến nay có chuỗi trên 10 cửa hàng” – lời giới thiệu ngắn gọn của anh Tự Tin về Phở’S.
Người ta dễ cảm nhận dường như anh có nền tảng khởi đầu thuận lợi và mọi thứ đang trên đà phát triển. Nhưng không, ấy là hành trình dài của Tự Tin cùng anh trai.
“Phở của Việt Nam thực sự rất mạnh. Cứ khoảng 2km có một quán phở nên muốn tồn tại chúng tôi phải tìm một con đường mới. Năm 2022, chúng tôi đã thành lập Phở’S theo hướng nhượng quyền chuyên nghiệp nhất từ đóng gói sản phẩm, nhân sự, vận hành.
Hai năm với muôn vàn khó khăn của quá trình khởi nghiệp, chúng tôi đã có thành tựu nhất định với 3 cửa hàng nhượng quyền ở Trung Quốc. Dự kiến năm sau có 3 cửa hàng ở Philippines”, anh Tự Tin chia sẻ.
Nhiều gương mặt được đánh giá cao qua các mùa giải của Tuổi Trẻ Start-up Award có mặt tại talkshow Định hướng khởi nghiệp xanh. Trong đó có start-up đã “thử lửa” qua đại dịch COVID-19 để tiếp tục hành trình.
Khó khăn của Phở’S cũng là khó khăn của MimosaTek, Plastic People và AirX.
Từng đoạt giải đặc biệt Tuổi Trẻ Start-up Award 2020, trải qua giai đoạn đầy khó khăn của COVID-19, anh Nguyễn Khắc Minh Trí – người sáng lập MimosaTek – nói quá trình đưa công nghệ, IoT vào sản xuất nông nghiệp là một hành trình cần rất nhiều thời gian.
“Sau Tuổi Trẻ Start-up Award 2020 đến nay, chúng tôi giải bài toán làm sao để có một mô hình kinh doanh hợp lý nên đã có sự điều chỉnh. Mô hình kinh doanh thực sự quyết định 50% thành công của một start-up”, anh Trí cho biết.
Là start-up tái tạo những sản phẩm từ rác thải nhựa, anh Nano Morante – đồng sáng lập Plastic People (giải Start-up xanh Tuổi Trẻ Start-up Award 2023) – nói quan trọng nhất của một start-up là thích nghi với thực tế và có mô hình kinh doanh hiệu quả.
Trong khi đó, tham gia chương trình năm nay với tư cách một start-up mới toanh, Bùi Phương Thảo – giám đốc phát triển bền vững của AirX – kể với 2 năm nghiên cứu, tìm tòi, đầu năm nay công ty đã có sản phẩm nhựa sinh học bán ra thị trường.
“Công ty hiện tại có nguồn doanh thu từ bán sản phẩm nhựa sinh học. Nhưng để mở rộng quy mô thì cần phải có một nguồn vốn rất lớn”, Phương Thảo nói thêm.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Lắng nghe phía dưới, các golfer dự giải đấu Tuổi Trẻ Golf Tournament cũng là các doanh nhân đã cởi mở chia sẻ với khó khăn của các start-up về mô hình kinh doanh, gọi vốn…
Ông Đỗ Minh Toàn – thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) – chia sẻ ông đã quan sát các doanh nghiệp khởi nghiệp và thấy rằng để có thể thành công, doanh nghiệp phải có khát vọng và kế hoạch cụ thể.
Khi khởi nghiệp sẽ có rất nhiều thách thức phía trước, cả những bất trắc không lường trước. Các bạn trẻ khởi nghiệp phải kiên định vào mục tiêu để đi đến cùng.
Ông Đỗ Minh Toàn (thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu – ACB)
Trước đó, mở đầu cho talkshow này, nhà báo Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – đã chia sẻ câu nói hay của một golfer và đầy ý nghĩa với các start-up.
Đó là “với golf thì hãy luôn luôn nghĩ về cú đánh tiếp theo, không để cảm xúc tiếc nuối khiến người chơi mất tập trung. Làm start-up sẽ có nhiều vấp ngã, thất bại. Nhưng các bạn trẻ sẽ tiếp tục đứng lên để đi tiếp”.
Đây cũng là lý do 5 năm qua, ban tổ chức Tuổi Trẻ Start-up Award đã kiên trì với chương trình này, tạo ra kết nối giữa các doanh nhân với cộng đồng start-up.
Nói thêm về chủ đề khởi nghiệp xanh, chị Lê Thị Tường Vy – phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) – cho rằng khởi nghiệp xanh phải là xu hướng mang tính dài hạn.
Sự dài hạn, theo chị Tường Vy, thể hiện ở chỗ có những start-up như MimosaTek đã quay lại chương trình và tiếp tục phát triển. Nói một cách nào đó, khởi nghiệp xanh đang có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Dẫn chứng, chị Vy nhận định: “Nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn sản phẩm xanh tạo ra hệ sinh thái người tiêu dùng xanh. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến khởi nghiệp xanh và chính sách của Nhà nước đang tạo động lực cho khởi nghiệp xanh”.
20-10: Hạn chót nhận dự án đăng ký dự thi Tuổi Trẻ Start-up Award 2024
Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 do báo Tuổi Trẻ và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Với chủ đề Cảm hứng khởi nghiệp xanh, năm nay chương trình ưu tiên lựa chọn những ý tưởng, mô hình, giải pháp, sản phẩm khởi nghiệp thân thiện với môi trường, tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy nhanh nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ vào năm 2050.
Hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối với start-up qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Những start-up sáng giá sẽ được vinh danh trong gala dự kiến tổ chức vào tháng 11-2024.
Ngoài chia sẻ câu chuyện trên mặt báo, các dự án khởi nghiệp tham dự chương trình có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá hình ảnh đến cộng đồng.
Top 20 start-up được chọn vào chung kết sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam, Tín Nghĩa…
Trong đó giải đặc biệt (100 triệu đồng) từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch PRO Vietnam.
Tìm hiểu thêm về Thể lệ tham dự Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 và mẫu đăng ký tham dự Tuổi Trẻ Start-up Award 2024.
Chương trình đang nhận hồ sơ tham gia của các dự án đến ngày 20-10 tại email: [email protected].