Theo Đài CNN, trong hai ngày 25 và 26-7 (giờ địa phương), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lần lượt gặp riêng Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump.
Cả hai đều là ứng viên sáng giá nhất sẽ đối đầu nhau tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới, lần lượt đại diện cho Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Tuy có quan điểm trái ngược nhau trong phần lớn các vấn đề chủ chốt, song cả ông Trump và bà Harris đều đưa ra một thông điệp cho ông Netanyahu: hãy nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.
Bà Harris phê phán cách Israel phản ứng tại Gaza
Có thể thấy quan điểm bao trùm của ông Trump và bà Harris về vấn đề xung đột Gaza rất khác nhau.
Nhìn chung, bà Harris vẫn ủng hộ việc Israel đáp trả cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Phong trào Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ nước này. Sau khi trao đổi với thủ tướng Israel, phó tổng thống Mỹ khẳng định với báo chí: “Tôi đã khẳng định nhiều lần và sẽ nói lại: Israel có quyền tự vệ”.
Tuy nhiên, khác với Tổng thống Joe Biden, bà Harris nhanh chóng phê phán cách Israel phản ứng, cũng như nỗi đau khổ của người dân Gaza.
“Israel có quyền tự vệ nhưng cách họ tự vệ rất quan trọng. Những gì diễn ra ở Gaza trong chín tháng qua rất khủng khiếp. Hình ảnh trẻ em thiệt mạng, những con người tuyệt vọng đói gầy cố gắng chạy trốn để tìm nơi an toàn, có những trường hợp đã phải lang bạt hai, ba, thậm chí bốn lần.
Chúng tôi không thể ngoảnh mặt trước những bi kịch đó. Chúng tôi không thể cho phép mình vô cảm trước sự đau khổ và tôi sẽ không giữ im lặng”, ứng viên Đảng Dân chủ tuyên bố.
Bà tiếp tục khẳng định: “Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến này, cần kết thúc sao cho Israel được an toàn, toàn bộ con tin được thả. Sự thống khổ của người Palestine ở Gaza sẽ kết thúc, và người Palestine có thể thực hiện quyền tự do, danh dự và tự quyết của họ.
Như tôi vừa nói với Thủ tướng Netanyahu, các bên cần hoàn thành thỏa thuận (ngừng bắn) này. Hỡi tất cả những người đã yêu cầu ngừng bắn, những người mong muốn hòa bình, tôi thấy và nghe được từ các bạn”.
Những bình luận trên cho thấy rõ quan điểm của bà Harris rằng dù vẫn sát cánh với Tel Aviv, đồng minh lớn nhất của Washington ở Trung Đông, bà vẫn quan tâm nhiều đến những lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo mà cuộc chiến Israel theo đuổi đã gây ra.
Ông Trump phản pháo
Ngay sau khi gặp bà Harris, ông Netanyahu đã bay đến bang Florida để gặp ông Trump tại tư dinh Mar-a-Lago.
Tại đây, thủ tướng Israel tiếp tục được nghe thông điệp kết thúc chiến tranh từ ông Trump. “Tôi muốn ông ấy hoàn thành (thỏa thuận ngừng bắn) nhanh chóng”, cựu tổng thống Mỹ chia sẻ với Đài Fox News.
Ông Trump tiếp tục khẳng định với ông Netanyahu rằng ông ấy là người duy nhất có thể ngăn cuộc chiến ở Gaza lan rộng ra khu vực Trung Đông. Ông khẳng định: “Nếu chúng tôi thắng cử, mọi thứ sẽ rất dễ dàng. Mọi việc sẽ đâu ra đó nhanh chóng”.
Tuy nhiên cựu tổng thống Mỹ từ chối đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào. Ông cũng đã cố gắng thuyết phục ông Netanyahu rằng bà Harris “thù địch với những người Mỹ có đức tin”, theo báo New York Times.
Tuy nhiên ông Trump tỏ ra không quan tâm lắm đến vấn đề người Palestine ở Gaza. Thậm chí, ông còn cho rằng những phát biểu trên của bà Harris “rất không tôn trọng” đất nước và người dân Israel, trong khi những người Mỹ gốc Do Thái vẫn bầu cho bà Harris.
“Những lời nói ấy không tử tế với Israel cho lắm. Tôi thật sự không hiểu làm thế nào một người Do Thái có thể bầu cho bà ta, nhưng mà tùy, họ muốn làm gì thì làm”, ông Trump khẳng định.
Ngay trong cuộc vận động tranh cử vài giờ sau khi gặp ông Netanyahu, ông Trump tiếp tục cáo buộc bà Harris phản bội Tel Aviv vì đã không chỉ trích làn sóng biểu tình “chống Israel” nổ ra ở Mỹ nhiều tháng qua.
Ông chỉ trích bà Harris không có mặt khi thủ tướng Israel phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 24-7, cho rằng đây là dấu hiệu chứng tỏ bà “không thích người Do Thái và Israel”, bất chấp việc Đệ nhị phu quân Dough Emhoff là người Do Thái.
Mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.