Việc tìm chỗ trọ ưng ý đối với tân sinh viên là điều không dễ dàng, nếu không cẩn thận có thể rơi vào bẫy lừa ghép phòng.
Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm của bạn đọc Thạch Bích Ngọc – sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM – xung quanh câu chuyện trên.
Cứ mỗi đầu năm học mới, nhiều tân sinh viên từ mọi vùng quê đổ về nhập học ở các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng…, đặc biệt vào khoảng cuối tháng 8 trở đi, và kéo dài tới cuối tháng 9 hằng năm.
Tâm lý chung của nhiều sinh viên, nhất là những tân sinh viên, đều muốn thuê phòng gần trường để tiện lợi cho việc đi học.
Nắm bắt được nhu cầu muốn ghép phòng ờ chung để chia bớt gánh nặng của các tân sinh viên từ những nơi khác về TP.HCM nhập học, một số kẻ xấu đã lợi dụng điều này để lừa đảo bạn cùng phòng.
Tất nhiên trong xã hội không phải người lạ nào cũng xấu, cũng không đáng tin cậy. Nhưng việc kiếm được những người bạn sống cùng tâm đầu ý hợp, vui tính, thật thà, sống có tình người… cũng không phải là dễ.
Chính vì vậy, khi tìm kiếm những người bạn chưa quen biết gì tới ở ghép cùng phòng với mình, sinh viên nên hết sức thận trọng.
Từng có không ít vụ lừa đảo liên quan tới bạn ở chung phòng trọ.
Từng có vụ sinh viên tìm người ở ghép thông qua mạng xã hội tới ở cùng, khi người bạn mới vừa chuyển tới ở được một hôm thì đã trở thành… kẻ cắp.
Ngay đêm đầu tiên mới chuyển tới ở ghép, nhân lúc người ở cùng phòng ngủ say, người bạn mới đã cuỗm điện thoại, ví tiền và tài sản quý giá rồi… chuồn mất tăm.
Hay vụ cô bạn sinh viên năm nhất gần khu tôi sinh sống cũng là nạn nhân vì tin người lạ. Cũng do ở một mình, muốn có người ở ghép để chia sẻ tiền phòng, bạn đã vào Zalo, lên Facebook đăng thông tin tìm người ghép chung.
Ngay sau khi vừa đăng tin, lập tức một cô gái cũng tự nhận là sinh viên năm nhất nói có nhu cầu ở ghép. Khi người này tới coi phòng, cô sinh viên có nhu cầu tìm người ở ghép thấy cô gái nhỏ nhắn, dễ mến, khá hiền… nên đã đồng ý luôn.
Cuộc thỏa thuận bằng miệng diễn ra, và sau đó mấy tiếng, cô gái kia đã xách một chiếc va li nhỏ dọn tới ở cùng. Vì mới làm quen, chưa tìm hiểu nhiều, cô sinh viên chỉ hỏi qua loa xem người bạn mới học trường nào, quê quán ở đâu… chứ chưa có coi tên tuổi qua giấy tờ tùy thân.
Và chính sự chủ quan, tin người, không bắt người bạn mới cho xem qua căn cước công dân hay giấy tờ tùy thân gì, nên ngay đêm hôm ấy cô sinh viên tìm kiếm người trọ ghép đã trở thành nạn nhân.
Lợi dụng lúc cô sinh viên ngủ say, người bạn mới kia đã lẳng lặng dậy gom chiếc điện thoại, chiếc laptop, chiếc bóp trong có gần 2 triệu đồng tiền mặt rồi mở chốt cửa “chuồn” mất.
Khi cô sinh viên tỉnh giấc, nhận biết sự việc thì đã quá muộn, với hàng loạt câu “giá như”: Giá như bắt người mới đến ở cùng cho xem căn cước công dân, giá như có giấy tờ tùy thân để có gì trình báo cơ quan chức năng thì không đến nỗi…
Từ những sự vụ lừa đảo kiểu na ná như vậy thông qua ở trọ ghép, nên tân sinh viên – những người mới lên thành phố trọ học, kinh nghiệm còn chưa có nhiều – cần phải hết sức thận trọng và cảnh giác.
Nếu trong trường hợp bất khả kháng không có bạn quen cùng trường, cùng lớp, hay cùng quê để rủ ở trọ cùng, mà phải tìm bạn trọ qua mạng xã hội, bạn mới quen…, khi người bạn ấy mới chuyển tới ở thì phải yêu cầu người bạn mới đó ngay tức thì cho xem căn cước công dân, giấy tờ tùy thân, thẻ sinh viên… để kiểm tra.
Đồng thời để tránh phiền phức sau này, phải bắt người bạn sẽ ở trọ ghép cùng mình đó hoàn thành ngay việc khai báo nhân khẩu tạm trú trong ngày, để chủ nhà mang lên công an phường, xã hoàn thiện thủ tục cho người thuê trọ…