Sáng 22-8 đã diễn ra lễ truy điệu và sau đó tiễn đưa linh cữu GS Võ Tòng Xuân về với đất mẹ tại thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, An Giang).
Công lao của giáo sư luôn để chúng ta ghi nhớ và trân trọng
Phát biểu tại lễ truy điệu, ông Lê Văn Nưng – phó bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang, trưởng ban tổ chức lễ tang – bày tỏ, GS Võ Tòng Xuân là một nhà sư phạm tài năng, nhiều tâm huyết với ngành, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp tích cức để phát triển giáo dục, nâng cao dân trí.
Nhưng dấu dấn kỳ công của GS Võ Tòng Xuân để lại cho đất nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trên lĩnh vực nông nghiệp.
Với tình yêu khoa học, sự khao khát phục vụ cho quê hương đất nước, năm 1971, giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, giáo sư trở về nước làm việc với mong muốn phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
Giáo sư cùng các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều đề tài liên quan đến đến cây lúa cao sản, kỹ thuật trồng lúa, phổ biến kỹ thuật canh tác mới, công bố nhiều bài báo khoa học và đề xuất các chính sách nông nghiệp.
Bên cạnh đó ông cũng là tác giả nhiều công trình khoa học nghiên cứu sử dụng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu hệ thống canh tác chuyển đổi nông nghiệp.
Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đưa giống lúa IR36 từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế về Việt Nam và hợp tác với nông dân áp dụng kỹ thuật cấy một tép, phổ biến trên khắp các vùng bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ đó đã thúc đẩy mở rộng khả năng cho ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp cận với giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
“Dù giờ đây đồng chí õ Tòng Xuân không còn nữa, nhưng công lao đóng góp của đồng chí cho đất nước đã để lại dấu ấn với đồng chí và nhân dân, luôn để chúng ta ghi nhớ và trân trọng”, ông Nưng nghẹn ngào.
“Ba không chỉ nằm trong vòng tay tụi con”
Thay mặt gia đình phát biểu đáp từ, ông Võ Tòng Anh, con trai giáo sư Võ Tòng Xuân, xúc động:
“Nay ba tôi không còn nữa, đó là một nỗi đau sâu sắc không những đối với ba anh em chúng tôi, mà với đại gia đình, lãnh đạo nhiều ban ngành, các cựu sinh viên của ba tôi, vô số nông dân, các doanh nghiệp, nhiều phóng viên báo chí truyền thông và không ít bạn bè quốc tế.
Từ khi ba tôi bắt đầu lâm bệnh vào cuối năm 2022 đến tận những phút giây cuối cùng của tháng 8 này, gia đình luôn nhận được rất nhiều tình cảm động viên, chia sẻ chân thành, giúp đỡ tận tình của nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Trước khi ra đi, một trong số ít điều ba tôi nhắc đi nhắc lại là cựu sinh viên cùng với ba diệt rầy giúp nông dân.
Và nay ba đã thấy và chắc ba cũng đã cảm nhận được trong những ngày này ba đang được nằm trong vòng tay không chỉ của tụi con mà còn rất nhiều cựu sinh viên là các chiến sĩ diệt rầy của ba, của vô số nông dân mà sau này họ đã trồng được giống lúa kháng rầy nâu IR36 do ba và Bộ môn lúa của ba chọn tạo rồi đó. Chắc ba đang toại nguyện”.
Ông Võ Tòng Anh cũng đặc biệt cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin về sự kiện mất mát của gia đình, của công chúng và lễ tang. Điều này đã giúp cho sự lan tỏa thông tin đến nhân dân và nhiều bạn bè quốc tế.
“Xin trân trọng cảm ơn quý cô chú, anh chị phóng viên báo chí, đài truyền hình thuộc nhiều cơ quan thông tấn khác nhau trong cả nước. Ông có nhiều lần nói với tôi điều này và chắc chắn, khi ra đi ông cũng sẽ vẫn mang theo nhiều tình cảm dành cho báo chí, truyền thông trong lòng ông”, ông Anh chia sẻ trong lời cảm tạ.
Sau phần lễ truy điệu, linh cữu của GS Võ Tòng Xuân đã đi ngang qua Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Nam Cần Thơ – nơi ông dành phần lớn thời gian công tác.
Hàng ngàn sinh viên của hai trường đại học đã ra dọc hai bên đường từ sớm, chờ đón xe tang đi qua để có dịp cúi đầu tiễn biệt lần cuối với vị thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên của trường.
Sau đó xe tang đưa linh cữu GS Võ Tòng Xuân ngang qua một số nơi của tỉnh An Giang trước khi an táng tại quê nhà Ba Chúc.