Tại cuộc họp báo đầu kể từ khi nhậm chức ngày 6-7, tân Thủ tướng Anh Starmer nói rằng chính sách trục xuất người tị nạn sang Rwanda sẽ bị hủy bỏ vì nó không hiệu quả và chỉ giúp loại khoảng 1% người xin tị nạn.
“Kế hoạch Rwanda đã chết và bị chôn vùi trước khi nó bắt đầu. Nó chưa bao giờ có tác dụng ngăn chặn”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Starmer nói trong thông báo chính sách quan trọng đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vừa qua.
Chính sách này công bố kế hoạch vào năm 2022, nhằm đưa những người di cư trái phép ở Anh đến Rwanda, với hy vọng chấm dứt tình trạng những người xin tị nạn dùng thuyền vượt biển vào Anh. Tuy nhiên, hầu như rất ít người được đưa đến Rwanda vì các thách thức pháp lý.
Thay vào đó, ông Starmer cho biết chính phủ của ông sẽ thành lập Bộ Tư lệnh an ninh biên giới tập hợp các nhân viên cảnh sát, cơ quan tình báo trong nước và các công tố viên để làm việc với các cơ quan quốc tế nhằm ngăn chặn nạn buôn người.
Ông Starmer đã giành được đa số quốc hội vững chắc nhất trong lịch sử nước Anh, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Anh kể từ thời cựu Thủ tướng Tony Blair.
Tuy nhiên, ông cũng sẽ đối mặt với một số thách thức, bao gồm cải thiện các dịch vụ công đang gặp khó khăn và phục hồi nền kinh tế yếu kém.
Tại cuộc họp báo ở phố Downing, ông Starmer liên tục được hỏi về cách thức và thời điểm ông sẽ bắt đầu thực hiện lời hứa giải quyết các vấn đề của đất nước.
“Từ giờ trở đi, các vị sẽ có một chính phủ không bị gánh nặng bởi học thuyết, mà chỉ được định hướng bởi quyết tâm phục vụ lợi ích nhân dân”, ông Keir Starmer nhấn mạnh việc sẽ phụng sự tất cả người dân.
Tân thủ tướng Anh cũng cam kết sẽ làm mới trở lại đất nước, trong đó có cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và nhà ở với giá cả phải chăng…
Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn và tăng thuế nếu cần thiết hay không, ông Starmer cho biết chính phủ của ông sẽ xác định các vấn đề và hành động trong các lĩnh vực.
“Bài toán” người tị nạn
Vấn đề ngăn chặn những người xin tị nạn vượt biên từ Pháp là chủ đề chính của cuộc bầu cử ở Anh.
Trong khi những người ủng hộ chính sách trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda nói nó sẽ giải quyết tình trạng buôn người, thì những người chỉ trích cho rằng chính sách này là vô đạo đức và sẽ không bao giờ có hiệu quả.
Tháng 11-2023, Tòa án Tối cao Anh tuyên bố chính sách này là bất hợp pháp, cho rằng Rwanda không thể được coi là quốc gia thứ ba an toàn, khiến các bộ trưởng phải ký một hiệp ước mới với quốc gia Đông Phi này.
Trong khi đó, số tiền hàng trăm triệu bảng Anh mà London đã cấp cho Chính phủ Rwanda để bố trí chỗ ở và thuê thêm quan chức để xử lý những người xin tị nạn cũng mất trắng.