Chiều 12-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 làm việc với TP.HCM về chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Lương Cường nêu rõ, Ban Tuyên giáo Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã có Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW, ngày 20/9/2022 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 3 năm 2023-2025.
Nhiều ngày lễ lớn, năm tròn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng
Trong 3 năm này, đất nước có rất nhiều lễ lớn, năm tròn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như ngày thành lập, ngày truyền thống của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; ngày thành lập, tái lập, ngày giải phóng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kỷ niệm 100 năm và trên 100 năm ngày sinh của các lãnh đạo chủ chốt, các tiền bối tiêu biểu của Đảng.
Ba sự kiện rất lớn là: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (đã được tổ chức); kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025); kỷ niệm 80 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19-8-1945 – 19-8-2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 -2-9-2025).
Thường trực Ban Bí thư đánh giá, vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức thành công 5 hoạt động lớn, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với chuỗi gần 70 hoạt động liên quan, để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Cả nước hướng về Điện Biên Phủ với lòng tự hào và tri ân sâu sắc.
Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền, công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, đưa sự kiện thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội.
Thường trực Ban Bí thư cho biết, năm 2024 có 7 sự kiện kỷ niệm lớn, trong đó có 5 sự kiện đã hoàn thành và hiện còn 2 sự kiện: Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2024); 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1944 – 22-12-2024). Nội dung này, hiện nay Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị.
Sang năm 2025, theo kết luận của Ban Bí thư, đất nước có 5 sự kiện kỷ niệm lớn, trong đó có kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2025); 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19-5-1890 – 19-5-2025); 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945 – 19-8-2025) và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19-8-2005 – 19-8-2025); đặc biệt là kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) và 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2025).
Để chủ động, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức các sự kiện quan trọng của đất nước thành công, Thường trực Ban Bí thư đề nghị tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo rà soát lại công tác chuẩn bị, theo sự phân công, cụ thể hóa Kết luận của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 69; nêu ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.
11.200 người diễu binh, diễu hành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Báo cáo về việc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Phan Văn Mãi, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM cho biết, Thành phố đã ban hành các chỉ thị, các văn bản chỉ đạo chuẩn bị các hoạt động hướng đến Lễ kỷ niệm. Đến nay, Thành phố đã triển khai đồng bộ các hoạt động, các phong trào thi đua hướng đến đợt kỷ niệm.
Theo ông Phan Văn Mãi, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được hết sức quan tâm, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để rà soát thực hiện chính sách. Quyết tâm không để sót các trường hợp được hưởng chính sách.
Thông tin về Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, sẽ có diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm, trong đó diễu binh gồm 34 khối của lực lượng vũ trang; diễu hành có 11 khối. Tổng số người tham gia diễu binh, diễu hành là 11.220 người. Cùng với đó là việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; phát động phong trào thi đua yêu nước tại các cấp, các ngành để chào mừng kỷ niệm gắn với thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch.
Về đợt kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, ngoài mục đích tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, về dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, việc tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm còn góp phần tạo nên bầu không khí chính trị xã hội thuận lợi, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiến hành tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Do đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt yêu cầu rất cao đối với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trọng tâm là các hoạt động lớn ở cấp Trung ương, vừa phải có ý nghĩa tri ân, có giá trị tuyên truyền, giáo dục về chính trị-tư tưởng, vừa phải mới, hấp dẫn nhưng bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm và hướng tới người dân để người dân được thụ hưởng.
Từ đó, Ban Chỉ đạo đề nghị TP.HCM khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án tổng thể các hoạt động kỷ niệm, hoàn thành trong tháng 8. Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp như Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… tập trung chuẩn bị tổ chức thật tốt các hoạt động kỷ niệm, trọng tâm là cấp Trung ương.