Tăng giá khám chữa bệnh, ai bị ảnh hưởng?

Hàng ngàn kỹ thuật, dịch vụ được điều chỉnh giá – Ảnh: NAM TRẦN

Từ đầu tháng, một số bệnh viện đã công bố điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh mới theo mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Trong đó, hàng ngàn dịch vụ y tế đã điều chỉnh tăng giá…

Hàng ngàn dịch vụ điều chỉnh giá

Sau khi tăng lương cơ sở, nhiều bệnh viện chờ giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng đồng bộ để cân đối thu chi. Bộ Y tế đã phê duyệt mức giá theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Tính đến ngày 15-11, Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh mới cho khoảng 25 bệnh viện trên cả nước.

Cụ thể, trước đó giá dịch vụ khám bệnh BHYT bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 42.100 đồng, bệnh viện hạng II là 37.500 đồng, bệnh viện hạng III là 33.200 đồng, bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã là 30.100 đồng.

Tại các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đa khoa Nông nghiệp, Da liễu trung ương…, giá khám được điều chỉnh từ 42.100 đồng lên 50.600 đồng/lượt.

Chi phí hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca, chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám chữa bệnh) vẫn giữ nguyên 200.000 đồng/lượt.

Giường bệnh hồi sức cấp cứu tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 509.400 đồng lên 599.400 đồng/giường/ngày, giường loại 1 từ 273.100 đồng lên 327.100 đồng/lượt/ngày.

Cùng với tăng giá khám và giá giường bệnh, các bệnh viện cũng điều chỉnh hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều chỉnh hơn 6.000 giá dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc.

Con số này tại Bệnh viện Bạch Mai là gần 10.000 dịch vụ và tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) là hơn 7.000 dịch vụ. Điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở mới với mức trung bình tăng khoảng 10% – 20% tùy từng dịch vụ kỹ thuật.

Trong lần điều chỉnh giá này, Bộ Y tế đã ban hành thông tư phương pháp định giá cho phép các đơn vị được thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt đến khi có quy định mới.

Người chưa có thẻ BHYT bị ảnh hưởng ra sao?

Cùng với tăng mức đóng BHYT theo lương cơ sở, mức chi trả tối đa tính cho dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cũng tăng theo quy định. Việc tăng mức chi trả đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, khi chi phí khám chữa bệnh tăng theo lương cơ sở sẽ giúp các bệnh viện có nguồn thu chi.

Bộ Y tế cho hay người tham gia BHYT là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng.

Người có thẻ BHYT phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5% thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều, có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.

Những người chưa có thẻ BHYT (khoảng 8% dân số) chỉ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Bùi Văn Lượng (40 tuổi, Hà Nội) cho rằng việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lương cơ sở về cơ bản có thể chấp nhận được.

Anh Lượng dẫn chứng với mức hưởng 80% và đồng chi trả 20% thì với giá giường khoảng 270.000 đồng, người bệnh chi trả 54.000 đồng; khi tăng lên 327.000 đồng, người dân sẽ phải chi trả hơn 65.000 đồng, tăng hơn 10.000 đồng.

“Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị. Mới đây, khi điều trị tại Bệnh viện K, người thân của tôi vẫn phải ra ngoài mua thuốc, vật tư dù nằm trong dịch vụ được BHYT chi trả.

Vì vậy, tôi cho rằng điều quan trọng khi tăng chi phí đóng BHYT, tăng viện phí là làm sao phải đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHYT”, anh Lượng bày tỏ.

Tăng viện phí vẫn đủ cân đối quỹ BHYT

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Mến, giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho biết hiện nay đơn vị đang thống kê đánh giá tác động của việc tăng chi phí khám chữa bệnh lên quỹ BHYT.

Ông cho hay việc tăng chi phí khám chữa bệnh theo lương cơ sở lần này cơ bản giống như những lần điều chỉnh trước đó. Khả năng vẫn tác động lên quỹ BHYT, tuy nhiên cần phải thống kê mới có đánh giá cụ thể.

Còn Bộ Y tế cho hay đánh giá tác động quỹ BHYT sau khi tăng giá khám chữa bệnh vẫn đủ khả năng cân đối.

Cụ thể, so sánh chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (lũy kế kết dư năm 2023), đồng thời số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh nên quỹ BHYT đủ khả năng cân đối.

Tăng viện phí chưa đáp ứng “tính đúng, tính đủ”

Trước đó đã có nhiều bệnh viện cho rằng cần “tính đúng, tính đủ” cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh mới giúp bệnh viện có nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng bệnh viện.

Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh mới tính hai yếu tố: chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư y tế…) và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý (bao gồm duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…) và khấu hao tài sản cố định.

Theo lãnh đạo một bệnh viện đa khoa tại Hà Nội, việc tăng chi phí khám chữa bệnh lần này chỉ đáp ứng cơ bản chi phí chi trả lương cho cán bộ viên chức bệnh viện.

“Thực tế viện phí mới chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương. Trong khi đó các yếu tố khác, như chi phí cho công nghệ thông tin, chưa được tính vào yếu tố giá dịch vụ khám chữa bệnh khiến hầu hết các bệnh viện gặp khó khăn, đặc biệt đối với các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên”, vị này cho hay.

Tăng giá khám chữa bệnh, ai bị ảnh hưởng? - Ảnh 2.15 bệnh viện tăng viện phí theo mức lương cơ sở

Theo Bộ Y tế, đến nay bộ đã phê duyệt giá khám chữa bệnh cho 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở mới. Giá khám chữa bệnh chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng sang mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *