Ông PHẠM VĂN VIỆT – phó chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP.HCM, tổng giám đốc Việt Thắng Jeans – cho rằng những sàn thương mại điện tử xuất hiện không phép, cuốn theo cơn lốc hàng hóa giá rẻ vào Việt Nam, gây bất bình đẳng trong kinh doanh.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc đã có một thời gian dài chuẩn bị với chiến lược kinh doanh bài bản để đưa hàng giá rẻ vào các nước, trong đó có Việt Nam.
Họ sẵn sàng bán hòa vốn, thậm chí bán lỗ và hỗ trợ nhau để chiếm lĩnh thị trường. Đây là thời điểm cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, xử lý nghiêm các sàn vi phạm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất nội địa.
Đồng thời phải mạnh tay xử lý với những doanh nghiệp lũng đoạn thị trường, bán phá giá để thị trường công bằng, minh bạch trong thời kinh tế hội nhập” – Ông Việt nói.
Ông PHẠM VĂN VIỆT (phó chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP.HCM)
Nguy cơ mất thị trường rõ mồn một
* Kinh tế Trung Quốc đang trong thời kỳ giảm phát khiến hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử với tốc độ giao hàng nhanh chóng mặt, đây là thực tế đáng lo?
– Khi một quốc gia, doanh nghiệp có chiến lược sang thị trường Việt, họ đã có quá trình dài tìm hiểu người tiêu dùng Việt.
Cái gì xâm nhập được thì họ khai thác tối đa, nhất là điểm yếu của chúng ta. Các sàn thương mại điện tử cũng cạnh tranh lẫn nhau, nhưng đây là hệ sinh thái trong cùng một quốc gia, một tập đoàn hay trong một hiệp hội thì tính cạnh tranh lại thấp hơn.
Điều này khiến thị trường Việt dễ bị cuốn theo cơn lốc hàng Trung Quốc.
Cách thức của họ là các thương hiệu chỉ cần đưa ra sản phẩm rẻ, không cần lãi trong một năm, người tiêu dùng sẽ mua thử, dần dần yêu thích về giá, dùng lâu thành quen và sau đó là mua nhiều hơn.
Năm thứ hai họ sẽ bứt tốc, giành thị phần và năm thứ ba sẽ tăng lợi nhuận. Khi có lượng khách hàng nhất định, họ sẽ chiếm lĩnh thị trường, trong khi rất nhiều doanh nghiệp Việt còn loay hoay bán hàng truyền thống hay đưa lên sàn. Do đó, đây là nguy cơ đánh mất thị trường rõ mồn một, rất đáng lo, đáng báo động.
* Yếu tố hàng đầu khiến người tiêu dùng đang chọn mua hàng Trung Quốc là giá rẻ. Là một doanh nghiệp vừa làm hàng xuất khẩu, vừa bán hàng nội địa, theo ông vì sao hàng Trung Quốc rẻ đến mức khó tin như vậy?
– Trung Quốc là công xưởng sản xuất, xuất khẩu của thế giới, họ có hàng loạt lợi thế để làm hàng giá rẻ.
Thứ nhất, hàng dư thừa, hàng lỗi họ sẵn sàng đưa sang các nước khác bán.
Thứ hai, họ có chiến lược chiếm lĩnh sang thị trường Việt nên sẵn sàng bán giá vốn, giảm giá để giành giật thị trường.
Trong cuộc chiến này, đưa lên thương mại điện tử là nhanh và rẻ nhất khi sản xuất xong là đưa lên sàn luôn, bán ngay tại nhà máy chỉ mất 20% chi phí.
Trong khi chúng ta phải nuôi cả bộ máy từ nhân viên, cửa hàng, mặt bằng… tốn thêm 80% chi phí, còn họ trừ thẳng 80% chi phí đó cho khách hàng.
Thứ ba, họ sản xuất theo chuỗi, thay đổi từng ngày, từng tuần trong khi chúng ta lập kế hoạch theo tháng, theo quý để sản xuất với thời gian nhập nguyên phụ liệu mất 45 – 50 ngày, lưu kho để test mất 15 – 20 ngày rồi mới phát triển mẫu.
Tổng thời gian sản xuất lô hàng mất 3 tháng, còn nếu áp dụng công nghệ mới như chúng tôi thì dù rút gọn đến mấy cũng khoảng 35 ngày.
Trong khi đó ở Trung Quốc, do lợi thế về chuỗi cung ứng, cái gì cũng có sẵn nên sáng ngồi với nhau, chiều tính toán từ nguyên phụ liệu, thiết kế, may,… chỉ 7 ngày là xong.
Thứ tư là logistics, chúng ta phải có thời gian xuất nhập khẩu vô cùng dài, đội chi phí lên. Nhưng đây lại là điểm mạnh của họ khi họ có logistics mạnh, giảm đến 70% chi phí.
Chưa kể các doanh nghiệp Trung Quốc liên kết với nhau, mỗi nơi giảm một chút trong chuỗi cung ứng thì hàng ra thị trường giá rẻ ngay. Đặc biệt, chính sách từ chính phủ đến doanh nghiệp của họ rất rõ ràng.
Họ đã có nhiều năm xây dựng các kho ở cửa khẩu, xây dựng về hạ tầng vận chuyển nên khi cơn lốc “đổ bộ” thì họ nhanh chóng gây sự chú ý của thị trường 100 triệu dân.
Cần mạnh tay với sàn thương mại điện tử vi phạm
* Dù “oanh tạc” ở Việt Nam nhưng sàn thương mại điện tử Temu lại hoạt động không phép, nhiều sàn ngoại khác cũng thiếu nhiều điều kiện. Đã đến lúc hành lang pháp lý cho thương mại điện tử cần phải chặt chẽ?
– Chúng ta có hành lang pháp lý về quản lý thương mại điện tử, nhưng pháp lý chưa đồng bộ và chưa triển khai một cách ráo riết.
Đặc biệt, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chúng ta vẫn còn lúng túng, chạy theo thị trường. Tuy nhiên, với những sàn thương mại điện tử hoạt động không phép, hoạt động sai phạm thì phải xử phạt, có chế tài nghiêm minh.
Thực ra chúng ta có các hàng rào thương mại, công cụ thuế cũng mạnh, nhưng có lẽ hành động chưa tới, chưa quyết liệt nên vẫn còn những trường hợp lách luật. Nếu phạt thật nặng, đánh thuế đầy đủ thì sẽ bít cửa hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả.
* Như trường hợp của sàn Temu, các quốc gia mạnh tay cấm, tăng thuế hoặc áp các quy định nghiêm ngặt, chúng ta có cấm được không?
– Khi anh vào thị trường mà anh lũng đoạn, bán dưới giá thành thì phải cấm. Vi phạm phải bị xử phạt, không khắc phục phải cấm, đó là sự công bằng và hợp lý trong kinh tế thị trường.
Tất nhiên không cấm cục bộ mà phải có cơ sở, có số liệu đàng hoàng và phải dựng nên những hàng rào kỹ thuật để phân loại từng nhóm sản phẩm.
Việc chứng minh bán dưới giá vốn không có gì khó cả. Các hiệp hội sẽ phân tích một sản phẩm chi phí sản xuất bao nhiêu, giá vốn ra sao, marketing, chi phí vận chuyển như thế nào sẽ bóc tách ra ngay.
Khi đó sẽ lòi ra việc doanh nghiệp vi phạm cạnh tranh, phá giá thị trường, đó là điều kiện để xử phạt hoặc cấm. Rõ ràng bán hàng giá rẻ, bán hàng dưới giá vốn là chiến lược của họ rồi, đây là chiêu để dụ khách hàng.
Chúng ta thấy có rất nhiều sản phẩm “trắng” tiêu chuẩn bán trên sàn thương mại điện tử Temu và nhiều sàn khác khi không có thương hiệu, chẳng có tiêu chuẩn, chẳng cam kết chất lượng… và giá rẻ.
Với chiến lược đánh vào tâm lý dùng hàng giá rẻ, dùng thử của họ, chỉ cần mỗi người sử dụng một trong những sản phẩm thôi, tôi nghĩ khoảng một năm nữa là tràn ngập hàng Trung Quốc vào Việt Nam.
“Chuyển đổi để tồn tại hay là chết”
* Năm 2016, một ứng dụng giải trí của Trung Quốc vào Việt Nam thu hút người dùng bằng hình thức khiêu dâm, khi đó giám đốc của doanh nghiệp này nói rằng mục đích là livestream bán hàng. Đến nay, ứng dụng trên đã chiếm lĩnh thị trường livestream bán hàng của Việt Nam, rõ ràng họ đã có một chiến lược rất dài hơi?
– Họ đi trước chúng ta cả về công nghệ, chiến lược lẫn mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, khi cơ hội chín muồi thì tung ra những đòn quyết định. Họ đào tạo con người từ sớm, có nền tảng công nghệ, hạ tầng đồng bộ từ sản xuất, phân phối, giao nhận…
Họ có trong tay bảo bối là data (dữ liệu) của khách hàng từ phong cách ăn mặc, độ tuổi khách hàng, hành vi mua sắm, mấy giờ sẽ mua, khả năng tài chính… nên họ quảng bá cho người mua đúng những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng chi trả.
Do đó, nếu không có những sự thay đổi, thích ứng với xu hướng mới thì e rằng sẽ có không ít doanh nghiệp không trụ nổi trên sân nhà. Nên nhớ doanh nghiệp Trung Quốc đã có hàng chục năm tích lũy, họ sẵn sàng chịu lỗ 1-2 năm để gầy dựng thị trường.
Chúng ta thì không thể làm như thế được, chỉ vài năm khó khăn là phá sản. Họ sản xuất càng nhiều, chi phí càng rẻ đi, còn chúng ta càng sản xuất, càng đối diện khó khăn thì chi phí lại đội lên, rất khó để cạnh tranh công bằng được.
* Vậy lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt và nền sản xuất Việt là gì?
– Chuyển đổi để tồn tại hay là chết? Đó là câu hỏi mà mọi doanh nghiệp Việt đều phải suy ngẫm. Trước đây chúng ta bán trực tiếp, tốn rất nhiều chi phí để mở cửa hàng trưng bày, nuôi nhân viên, chạy chương trình… nhưng chỉ bán cho khách hàng một khu vực và bán từ 8h sáng đến 10h tối.
Khi có thương mại điện tử thì họ bán 24/24h, thời điểm vàng chốt đơn là 0h đến 2h sáng thì nhiều doanh nghiệp đã đi ngủ.
Như tôi đã nói, data khách hàng rất nhiều nhưng chúng ta chưa biết tận dụng để biến đó thành mỏ vàng bán hàng như các doanh nghiệp đi trước.
Do đó doanh nghiệp phải thay đổi, tập trung đưa hàng lên thương mại điện tử để không chỉ bán trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Chúng ta có thế mạnh về sản xuất, có thị trường, bây giờ cần phải tận dụng công nghệ bán hàng để giữ chân khách hàng.
Thời gian qua, TikTok hợp tác với các nhà sản xuất trong nước như chúng tôi; doanh nghiệp sản xuất xong chỉ gấp áo quần, phía TikTok giao nhận, miễn phí giao hàng, thậm chí có thời điểm mỗi cái quần bán 700.000 đồng nhưng nền tảng này trợ giá đến 350.000 đồng để khách hàng mua được hàng giá rẻ vì họ cần phủ sóng.
Nói như vậy để thấy cuộc chơi thay đổi thì nhà sản xuất cũng phải thay đổi. Đây là thời của bán hàng online mà bạn cứ chăm chăm đi bán hàng offline thì thua rồi.
Về phần mình, các doanh nghiệp Việt cũng phải biết xây dựng thương hiệu, minh bạch trong sản xuất, công bố tiêu chuẩn và nỗ lực tối đa để tiếp tục hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh được trên thị trường.
Đặc biệt, Chính phủ phải có chính sách để khuyến khích các sàn hỗ trợ và ưu tiên cho hàng Việt lên sàn, hiện nay hàng ngoại đang chiếm lĩnh về thị phần trên các sàn thương mại điện tử.
Có thể xem xét xử phạt và truy thu thuế
Theo PGS.TS Phan Huy Hồng, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, nghị định 52/2013 về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 85/2021) xác định thương nhân, tổ chức nước ngoài có website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt là thương nhân, tổ chức có cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.
Thương nhân, tổ chức đó phải thực hiện việc đăng ký/thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng.
Với trường hợp sàn Temu, nếu xác định sàn này đã hoạt động tại thị trường Việt Nam mà chưa xin phép (hiện đang xin phép) thì vi phạm pháp luật Việt Nam.
Vì thế Bộ Công Thương hoàn toàn có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời về nguyên tắc bất kỳ thu nhập chịu thuế nào mà chưa nộp thuế thì bị truy thu.
Cơ quan nhà nước dựa trên thông tin về doanh thu, lợi nhuận để truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập.
Đồng tình, luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng đối với việc sàn Temu hoạt động mà không xin phép, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị xử phạt theo nghị định 98/2020 với mức phạt đến 30 triệu đồng.
Đồng thời cơ quan chức năng của Việt Nam hoàn toàn có thể quản lý được doanh thu và truy thu thuế đối với thời gian hoạt động “chui” của sàn này.
Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):
Chưa được cấp phép thì dứt khoát không cho phép hoạt động
Gần đây sàn thương mại Temu (Trung Quốc) quảng cáo rất rầm rộ, giảm giá mạnh đến 70%.
Đây là một cảnh báo lớn, rất cần quan tâm trong lĩnh vực tiêu dùng hiện nay.
Nếu không có giải pháp kiểm soát, có thể người tiêu dùng sẽ mua hàng qua các kênh thương mại điện tử giá rẻ, chưa được kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Đồng thời, việc này có nguy cơ triệt tiêu hàng sản xuất trong nước.
Khi đó, các cửa hàng kinh doanh trong nước gặp khó khăn và sẽ phải đóng cửa khi người dân mua hàng giá rẻ qua mạng.
Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có hành động ngay trước vấn đề này. Trong đó, với bất cứ sàn nào nếu chưa đăng ký, chưa được cấp phép thì dứt khoát không cho phép hoạt động.
Cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan có trách nhiệm quản lý về thương mại điện tử và quản lý thị trường, phải rà soát và quản lý chặt chẽ vấn đề này theo đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, có các biện pháp kiểm soát đối với loại hàng hóa được đưa qua sàn này về Việt Nam… Đầu tiên là kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và cần đặt vấn đề: Liệu rằng chất lượng các loại hàng hóa này có đảm bảo không?
Nhà nước cũng cần tăng cường năng lực cho các sàn thương mại điện tử trong nước để tránh tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài tràn vào.
Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài nên cần có chính sách đủ mạnh để tạo điều kiện, giúp gây dựng sàn trong nước nhằm thực hiện đúng mục tiêu phát triển kinh tế số.
Đại biểu TRẦN THỊ HIỀN (Hà Nam):
Cần điều chỉnh chính sách thuế để tạo công bằng
Để hạn chế hàng hóa Trung Quốc giá rẻ xâm nhập vào Việt Nam, trước hết cần cải thiện và điều chỉnh chính sách thuế để tạo sự công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Hiện tại hàng hóa nhỏ từ Trung Quốc thường được miễn thuế VAT, tạo ra lợi thế không công bằng cho hàng ngoại so với hàng nội địa.
Mặt khác, một trong những phương án hiệu quả chính là nâng cao rào cản thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, như áp thuế chống bán phá giá và các loại thuế khác cho sản phẩm từ nước này.
Cùng với đó, Chính phủ và các doanh nghiệp cần phối hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, phát triển thương hiệu mạnh và tận dụng lợi thế sản phẩm đặc trưng như thủ công mỹ nghệ hay nông sản.
Nâng cao trình độ nhân lực và công nghệ sản xuất cũng là giải pháp rất cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh. Tăng cường hợp tác với các công ty nước ngoài để chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nhằm nâng cao kỹ năng và năng suất lao động trong nước.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics hiện đại cũng rất quan trọng, giúp giảm chi phí vận chuyển và nâng cao hiệu quả phân phối hàng hóa, từ đó góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng Trung Quốc.
Về lâu dài cần có chiến lược tăng cường đào tạo cho nhân viên, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và quản lý chất lượng, giúp nâng cao kỹ năng và năng lực làm việc.
Chính phủ cần ban hành và thực thi các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng cho sản phẩm nội địa và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn này để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đại biểu TRẦN QUỐC TUẤN (Trà Vinh):
Ngăn “chết dần chết mòn” sản xuất trong nước
Theo báo cáo, trong 9 tháng 2024, doanh thu thương mại điện tử ước đạt khoảng 28 tỉ USD, tăng 36%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới…
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng hóa kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử là hàng hóa gì? Nguồn gốc xuất xứ ở đâu?
Tỉ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số tiền 28 tỉ USD đó? Hay là chúng ta phải chi trả phần lớn số tiền ấy cho nước láng giềng, do chúng ta đã mua hàng hóa với giá cực rẻ của họ.
Đây là vấn đề tôi cùng nhiều đại biểu Quốc hội đang rất lo lắng… Chính hàng hóa của nước láng giềng có giá quá rẻ, với chi phí logistics cực kỳ tốt và được kinh doanh dễ dàng trên sàn thương mại điện tử đã tạo ra tâm lý dễ dãi đối với người tiêu dùng trong nước.
Điều này có hai mặt, mặt tích cực đối với người tiêu dùng đó là rất dễ mua sắm, muốn mua món đồ gì cũng có.
Nhưng ngược lại, mặt tiêu cực là đang giết chết dần chết mòn các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, kinh doanh bán lẻ… bởi hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh về giá cả, mẫu mã với hàng hóa nước láng giềng trong thời điểm này.