Tại nhiều nơi, phụ huynh đến trường cùng giáo viên dọn dẹp để đón học sinh.
Ông Đặng Văn Hà (phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Long Biên)
Trường học ngổn ngang sau bão
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, ngày 9-9 còn gần 40 trường học chưa thể đón học sinh trở lại trường. Trong đó có 23 trường trực thuộc phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và 16 trường thuộc quản lý của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Sau bão, nhiều trường ngổn ngang. Theo thống kê có trên 3.000m tường rào trường học bị đổ, gần 400 mái nhà, phòng học bị lật, gần 800 cửa chính, cửa sổ bị hư hỏng, gần 190 nhà để xe và gần 2.000 biển, bảng bị hỏng.
Có 28 trường bị ngập nước, 175 trường bị mất điện… Các trường có gần 7.500 cây xanh bị đổ, bật gốc, chủ yếu ở trường học tại các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Quốc Oai, Gia Lâm, Chương Mỹ, quận Long Biên và Hà Đông…
Từ ngày 8-9, nhiều trường học huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường để dọn vệ sinh. Nhiều phụ huynh cũng tình nguyện đến trường chung tay khắc phục thiệt hại của bão. Tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) có tới 11 cây xà cừ to bị đổ.
Theo ông Đặng Văn Hà – phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Long Biên, trong lúc chờ lực lượng chức năng thì phụ huynh mang cưa dọn các cây đổ, giải phóng lối đi. Nhiều trường học có tường rào đổ đã huy động cán bộ, giáo viên và phụ huynh thu dọn.
Trong ngày 9-9, các trường tổng kiểm tra toàn bộ phòng học, cửa sổ, lan can, cầu thang khu vực phòng học để khắc phục hỏng hóc, đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Ngày 9-9, trường học các cấp tại Hải Phòng, Quảng Ninh cho học sinh nghỉ học để triển khai các công việc khắc phục hậu quả của bão.
Bà Vũ Thị Thúy Hà, chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho biết do mất điện trên diện rộng, các trường mất kết nối Internet nên việc thống kê thiệt hại do bão Yagi chưa được cập nhật đầy đủ.
Nhưng thông tin sơ bộ thì nhiều trường học bị bay mái tôn, rơi téc nước, cửa kính phòng học bị giật tung, tường rào, nhà để xe bị sập. Việc khắc phục từ ngày 8 đến 9-9. Hải Phòng cũng ghi nhận có nhiều cây, tường rào đổ, cửa lớp học bị vỡ, hỏng.
Tại Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) sáng 9-9 tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên được thông báo có mặt ở trường từ sớm, mặc trang phục bảo hộ lao động để thu dọn cành cây rơi, đổ, lau dọn bàn ghế, phòng học.
Nhiều trường học khác tại Hải Phòng trong ngày 9-9 cũng tập trung khắc phục thiệt hại của bão, rà soát tất cả các phòng học, trang thiết bị dạy học.
Thầy cô Trường THCS Nam Hải, Hải Phòng dọn dẹp khắc phục hậu quả của bão số 3 – Ảnh giáo viên cung cấp
Đảm bảo an toàn cho học sinh
Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La đã cho học sinh ở khu vực xảy ra ngập lụt, sạt lở nghỉ học, chưa rõ ngày trở lại trường.
Sở GD-ĐT Lào Cai vừa có văn bản gửi các trường thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 9-9 do mưa lũ, sạt lở ở nhiều nơi. Tại Yên Bái, theo số liệu của Sở GD-ĐT cung cấp cho Tuổi Trẻ thì trong ngày 9-9, chỉ 1.520 học sinh của 35 trường đi học, còn gần 22.000 học sinh của 511 trường phải nghỉ.
Ngoài các trường bị ảnh hưởng trực tiếp ngập lụt, sạt lở thì nhiều trường phải cho học sinh nghỉ học do giao thông chia cắt, các khe suối trên đường đi học của học sinh đều ngập nước hoặc sạt lở, rất nguy hiểm.
Sở GD-ĐT Yên Bái yêu cầu chỉ những trường nào đảm bảo an toàn cho học sinh thì mới tổ chức hoạt động dạy học. Sở GD-ĐT Lạng Sơn cho học sinh nghỉ học từ ngày 7-9, hiện nhiều nhà trường vẫn đang phải khắc phục thiệt hại do bão, mưa lũ. Sở GD-ĐT Lạng Sơn cho biết tùy theo tình hình sẽ quyết định việc học sinh trở lại trường hoặc nghỉ tiếp.
Sở GD-ĐT Điện Biên, Cao Bằng thì vừa cho học sinh nghỉ học ngày 9 và 10-9 vì mưa lũ vẫn đang tiến triển ở mức nguy hiểm. Sở GD-ĐT các địa phương này yêu cầu các trường bán trú, nội trú quản lý chặt chẽ học sinh.
Trường hợp các trường nằm trong tình trạng mất an toàn thì phải báo cho cha mẹ học sinh đón con về nhà để đảm bảo an toàn. Những học sinh không có cha mẹ đón được thì nhà trường phải báo cáo chính quyền để có phương tiện di chuyển học sinh đến nơi an toàn.
Sớm ổn định nề nếp dạy học
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường chỉ cho học sinh trở lại trường học khi đã thu dọn vệ sinh, khắc phục sửa chữa hỏng hóc. Không cho học sinh trở lại trường khi chưa đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo sở cũng đề nghị các trường ưu tiên kiểm tra, sửa chữa khu vực phòng học trước để sớm ổn định nề nếp dạy học.