Thế giới cần 1 triệu nhân lực cho công nghiệp bán dẫn: lợi thế của Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị chiều 24-4 ở Hà Nội – Ảnh: H.C.

Nhân lực bán dẫn là yếu tố quyết định

Theo bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Ước tính ngành bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động, trong đó có những cái tên đáng chú ý như: Intel, Amkor, Hana Micron, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo, Lam Research, Coherent.

Và với nguồn cung lao động dồi dào, lực lượng lao động có chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.

Ông cũng cho rằng việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược, yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chi 26.000 tỉ đồng để đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn

Hiện đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Đề án xác định mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.

Đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn. Và trong số 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, tối thiểu có 5.000 kỹ sư có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo.

Và trong giai đoạn đầu thực hiện đề án, Việt Nam sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất là phù hợp.

Hình thức đào tạo chủ yếu là đào tạo ngắn hạn, nâng cao, chuyển đổi từ các ngành gần, ngành phù hợp sang ngành công nghiệp bán dẫn.

Song song đó, hình thức đào tạo chính quy cũng sẽ được triển khai trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa ba nhà là Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và liên kết quốc tế trong xây dựng, nhập khẩu chương trình, thu hút chuyên gia quốc tế về Việt Nam giảng dạy.

Về cơ sở vật chất, trên cơ sở kinh nghiệm thành công của các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, để hỗ trợ cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Việt Nam cần tối thiểu bốn trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế đặt tại các đại học quốc gia, đại học vùng ở ba miền Bắc, Trung, Nam và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Các trung tâm bán dẫn dùng chung có chức năng hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu, phát triển và ươm tạo doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần đầu tư khoảng 18 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn ở mức cơ bản tại 18 trường đại học kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu.

Về nguồn lực để đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong giai đoạn từ nay đến 2030, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần khoảng 26.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17.000 tỉ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỉ đồng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *