Trên vai cử tạ và bắn súng
Đây cũng là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp thể thao Việt Nam không giành được bất kỳ huy chương nào. Kết quả này cho thấy Việt Nam sa sút nghiêm trọng ở bình diện quốc tế.
Đoàn thể thao Việt Nam bắt đầu tham dự Olympic từ năm 1952. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 17 lần góp mặt ở kỳ Thế vận hội mùa hè.
Đến Olympic Sydney 2000, Việt Nam đoạt huy chương đầu tiên trong lịch sử, khi võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân đánh bại Virginia Lourens (Hà Lan) trong trận bán kết hạng cân 57kg nữ.
Dù thua Jung Jae Eun trong trận chung kết, tấm HCB của Hiếu Ngân đã trở thành cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic.
Phải đến 8 năm sau đó, Việt Nam mới có huy chương Olympic thứ 2 khi đô cử Hoàng Anh Tuấn giành HCB cử tạ hạng cân 56kg nam tại Olympic Bắc Kinh 2008. Anh đạt mức tổng cử 292kg, chỉ kém 2kg so với đô cử Trung Quốc Long Qingquan.
Cử tạ tiếp tục gặt hái thành tích với HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn cũng ở hạng cân 56kg nam tại Olympic London 2012. Đây là huy chương thứ 3 của Việt Nam ở Olympic.
Mùa hè năm 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đi vào lịch sử khi giành 1 HCV, 1 HCB ở Olympic Rio de Janeiro. Anh trở thành VĐV Việt Nam giàu thành tích nhất ở đấu trường Olympic. Tính đến lúc này, Việt Nam có 5 huy chương Olympic, do công của 4 VĐV.
Nhưng rồi con số đó cũng giậm chân tại chỗ suốt 8 năm qua. Liên tiếp ở 2 kỳ Olympic Tokyo 2020 (diễn ra vào năm 2021) và Paris 2024, thể thao Việt Nam không thể giành thêm tấm huy chương nào.
Thất bại toàn diện
Không chỉ kém về mặt thành tích, thể thao Việt Nam còn sa sút dần về số lượng và khả năng cạnh tranh.
Liên tiếp từ Atalanta 1996 ở Mỹ cho đến Rio de Janeiro 2016 tại Brazil, Việt Nam tăng dần số VĐV tham dự Olympic theo từng kỳ đại hội. Mùa hè 2016 trên đất Brazil, có đến 23 VĐV Việt Nam tham gia tranh tài. Nhưng con số này giảm xuống 18 ở Tokyo 2020, và chỉ còn 16 vào năm nay.
Ở Tokyo 2020, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không thể tái hiện kỳ tích, và chấp nhận dừng bước từ vòng loại. Ở các môn như điền kinh, bơi lội, cầu lông, boxing, thể dục dụng cụ, đua thuyền… các VĐV Việt Nam cũng chỉ tham dự với mục tiêu cọ xát là chính.
Cử tạ là môn có khả năng mang đến huy chương nhất. Nhưng rồi Hoàng Thị Duyên cũng chỉ dừng chân ở vị trí thứ 5 hạng cân 59kg nữ, với mức tổng cử kém hơn người hạng 3 là Ando (Nhật Bản) đến 6kg tại Tokyo 2020.
Đến Paris 2024, bắn súng và cử tạ tiếp tục được kỳ vọng. Nhìn chung, đây là 2 môn thể thao hiếm hoi Việt Nam có hy vọng cạnh tranh tầm quốc tế.
Trịnh Thu Vinh thi đấu ấn tượng khi giành vé vào chung kết cả 2 nội dung 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao. Nhưng cô vẫn kém một khoảng cách nhất định so với các xạ thủ hàng đầu thế giới.
Còn ở cử tạ, đô cử Trịnh Văn Vinh gây thất vọng lớn khi không thể nâng thành công bất kỳ mức tạ nào ở phần thi cử giật. Đây là bước lùi lớn của bộ môn một thời là niềm hy vọng huy chương của Việt Nam mỗi khi bước ra đấu trường Olympic.
Nỗi buồn của thể thao Việt Nam lúc này không chỉ đến từ kết quả tay trắng, mà xét tổng thể cả nền thể thao, hầu như không có VĐV người Việt nào hiện đủ sức cạnh tranh một tấm huy chương Olympic.