Quỳnh Như hứa sẽ nỗ lực hết sức, ít nhất khi tốt nghiệp đại học phải có tấm bằng giỏi để không phụ tấm lòng yêu thương của học bổng Tiếp sức đến trường và các cô chú dành cho mình.
Em thật sự rất vui và tự tin hơn nhiều
Sau khi bài viết được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc cảm phục trước nỗ lực tuyệt vời của Quỳnh Như. Quỳnh Như đã đọc những bình luận của bạn đọc, cô gái cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự sẻ chia của mọi người.
“Em không nghĩ cuộc đời của em được yêu thương nhiều như vậy. Thầy cô ở trường cấp 1, cấp 2 đọc bài viết cũng gọi điện động viên em”, Quỳnh Như nói.
Những lời sẻ chia khiến Như tự tin hơn nhiều. Cô cảm thấy nỗ lực của mình ít nhiều đã tiếp thêm động lực cho những người có hoàn cảnh như mình. Với Như, sinh ra trong khó khăn không có nghĩa là cả cuộc đời sẽ khốn khổ nếu như bản thân biết vươn lên.
Những ngày qua, Như vẫn tiếp tục cùng mẹ và em trai vật lộn với những chai lọ. Cô vẫn rong ruổi khắp nơi thu mua ve chai. Nhiều cô chú trong xã biết Như đậu đại học cũng vui cùng và dặn dò Như cố gắng.
“Sinh ra mỗi người một số phận, nhưng tất cả đều giống nhau khi có 24 giờ mỗi ngày. Em sẽ cố gắng sử dụng 24 giờ đó thật tốt.
Chắc chắn em sẽ thành công, để những người tin tưởng mình không phải thất vọng”, Như nói.
Nhà hảo tâm tìm cách giúp Như
Anh Trần Đăng Quang (ngụ TP.HCM) sau khi đọc bài viết về Quỳnh Như đã rất khâm phục trước nỗ lực tuyệt vời của cô gái sinh ra trong khó khăn. Anh Quang nói công ty tính toán hỗ trợ một phần chi phí cho Như vào đại học.
Với hoàn cảnh của Quỳnh Như, nhiều bạn sẽ có quyết định nghỉ học đi làm, sớm thoát cảnh khó khăn. Nhưng ba chị em Như đều chọn học tập là hướng thoát nghèo. Anh Quang bảo đó là lựa chọn chính xác. Đọc bài viết ít nhiều tạo động lực cho anh, đó là lý do anh Quang liên hệ với báo Tuổi Trẻ tìm cách hỗ trợ Như.
“Tôi đọc thấy chị của Như cũng đã có hai năm đại học đạt loại giỏi, điều ấy tiếp thêm niềm tin cho cuộc sống. Như xứng đáng nhận sự hỗ trợ để tiếp thêm động lực bước vào đại học”, anh Quang nói.
Hiện anh Quang đã liên hệ với Như, động viên cô gái trẻ. Như bảo: “Cuộc điện thoại của chú Quang thật ý nghĩa với em vào lúc này. Em cảm thấy mình được yêu thương rất nhiều, dù chú ấy có hỗ trợ bằng vật chất hay lời động viên em cũng rất biết ơn. Em đã lưu số điện thoại của chú, sau mỗi năm học em sẽ thông báo kết quả của mình cho chú vui”.
Còn ông Hồ Dần (cha Như) cũng vơi đi những nỗi lo. Ông đã nói con đọc bài báo cho mình nghe. Trong bóng tối mùa lòa, ông đã nhìn thấy ánh sáng cho con mình thông qua học bổng Tiếp sức đến trường. Ông Dần tin với những yêu thương của mọi người, con đường phía trước của con ông sẽ bớt chông gai hơn.
“Hôm phóng viên báo Tuổi Trẻ xuống nhà, có dẫn theo một nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp cho Như, tôi đã rất vui. Nay bài báo đăng, nhiều người thương con bé. Người làm cha như tôi cả đời khắc cốt ghi tâm những tấm lòng ấy”, ông Dần nói.
Với 28,25 điểm, Như dư sức đậu vào những trường đại học mà cô nộp nguyện vọng. Lúc này, cô gái trẻ vẫn cần mẫn với công việc thu mua ve chai, chờ thông báo trúng tuyển sẽ sắp xếp hành trang bước vào đoạn đường mới.
“Dù có được hỗ trợ hay không thì khi vào nhập học, ổn định xong chỗ ở em sẽ ngay lập tức kiếm việc làm thêm. Nếu giá ve chai cao, em cũng sẽ đi nhặt để kiếm tiền. Em phải trụ lại giảng đường bằng mọi giá, sẽ nỗ lực hết sức”, Quỳnh Như tâm sự.
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học, và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Hồ sơ ứng tuyển học bổng sẽ được xét chọn thông qua hai bước. Bước 1, tân sinh viên hoặc người giới thiệu cần điền đầy đủ thông tin về ứng viên tại địa chỉ theo mẫu thông tin có sẵn do ban tổ chức quy định. Bước 2, ban tổ chức sẽ phỏng vấn trực tuyến hoặc phối hợp cùng địa phương xác minh trong một số trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, các đơn vị, tổ chức Đoàn – Hội các nơi cũng có thể giới thiệu tân sinh viên khó khăn để xem xét nhận học bổng này tại địa chỉ dưới đây. Hạn chót tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến vào ngày 20-9.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP Phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Để ủng hộ cho chương trình, xin vui lòng chuyển qua tài khoản: Báo Tuổi Trẻ: 113000006100 tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Hoặc đóng góp trực tiếp tại Phòng tiếp bạn đọc: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, và các văn phòng đại diện của báo trên cả nước.
Tiếp sức đến trường 2024: Gần 20 tỉ đồng giúp tân sinh viên vượt khó