Thu nhập kém đi, người Việt bớt tiêu dùng sang chảnh

Chăm săn hàng giảm giá tiết kiệm chi tiêu – Ảnh: NHẬT XUÂN

Hơn nửa năm nay, chị Mai Thị Chung (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM), làm trong lĩnh vực bất động sản, đã cắt giảm mạnh những chi tiêu không cần thiết.

Cà phê sang chảnh bị “gạch” khỏi danh sách ưu tiên

Chị Chung nhìn nhận trước đây do tính chất công việc phải thường xuyên gặp gỡ khách hàng, chị không ngại đầu tư mua sắm quần áo có thương hiệu. Nhưng giờ chỉ chủ yếu săn hàng giảm giá qua các buổi livestream để tiết kiệm chi phí.

Không chỉ vậy, thói quen uống cà phê hằng ngày của Chung cũng thay đổi. Nếu trước hay “ngồi đồng” các quán cà phê cao cấp thì giờ cũng chuyển sang các quán tầm trung để giảm bớt chi phí.

“Nghiện cà phê không bỏ được, nhưng kinh tế khó khăn nên mình chọn thương hiệu bình dân hơn. Chỉ tính riêng tiền cà phê mỗi sáng trước đây của mình cũng lên đến vài triệu hằng tháng chứ không ít”, Chung nói.

Mai Chung không phải trường hợp cá biệt. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường iPOS, trong nửa đầu năm 2024, mức chi tiêu cho việc “đi” cà phê của người Việt đã giảm mạnh, tần suất đi uống cà phê cũng giảm đáng kể.

Mặc dù các loại cà phê có giá 41.000 – 71.000 đồng/ly trở nên phổ biến hơn, với tỷ lệ người lựa chọn tăng 11,5%, nhưng phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỷ lệ người sẵn sàng chi trên 100.000 đồng/ly đã giảm từ 6% xuống còn 1,7%.

Công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng tiết kiệm này, từ giữa năm 2023 đến nay, tỷ lệ người chọn phương thức tiết kiệm tăng đều. 16% số người được hỏi cho biết họ đã giảm mua sắm hàng tạp hóa, trong khi 50% không mua hàng xa xỉ, tăng lần lượt 6 và 8 điểm phần trăm so với quý 3-2023.

Miếng bánh thị phần ngành F&B đang được chia lại?

Các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ có lẽ cảm nhận rõ nét nhất về sự thắt chặt chi tiêu của người Việt, đặc biệt giới trẻ.

Mới đây, Starbucks Việt Nam đã đóng cửa điểm bán cao cấp duy nhất tại TP.HCM sau 7 năm hoạt động. Trước khi đóng cửa, Starbucks Reserve Hàn Thuyên từng là điểm đến quen thuộc của giới sành cà phê nhờ vào các loại cà phê rang cao cấp. Việc quán phải ngừng hoạt động khiến không ít khách hàng tiếc nuối và bất ngờ.

Cũng trong tháng 8 này, chuỗi cà phê The Coffee House tuyên bố đóng tất cả các cửa hàng tại Cần Thơ và sắp tới là Đà Nẵng. Tính đến cuối tháng 7-2024, The Coffee House chỉ còn lại 117 quán trên toàn quốc, giảm đáng kể so với con số 150 quán vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuỗi cà phê đều gặp khó khăn. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Vietdata, bên cạnh một số ông lớn chững lại và thu hẹp quy mô, vẫn có nhiều thương hiệu như Trung Nguyên Legend, Highlands… mở thêm chi nhánh mới.

Báo cáo ngành F&B 6 tháng đầu năm 2024 của iPOS cũng cho thấy mặc dù nhiều nhà hàng và quán ăn phải đóng cửa và trả lại mặt bằng, doanh thu ngành F&B trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt 403.900 tỉ đồng, tương đương gần 70% doanh thu của cả năm 2023.

Điều này chứng tỏ rằng dù có nhiều khó khăn, ngành F&B vẫn tiếp tục phát triển và giữ được sự sôi động song đang có sự thay đổi, thanh lọc.

Một trong những nguyên nhân tăng trưởng được báo cáo chỉ ra do tổng số lượng giao dịch tăng trưởng đáng kể có thể đến từ các chương trình khuyến mại của các cửa hàng F&B, giúp kích thích nhu cầu và khiến khách hàng ra quyết định mua hàng nhiều hơn.

Dù ngành F&B phát triển, các chuyên gia nhận định rằng ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Tùng, chủ tịch F&B Investment, cho rằng ngành F&B hiện nhiều nhà hàng gặp khó khăn về dòng tiền và buộc phải đóng cửa do mô hình kinh doanh không hiệu quả.

Chi tiêu của người tiêu dùng giảm, đặc biệt trong phân khúc cao cấp, khách hàng không còn sẵn sàng chi trả cao cho các thực đơn không đặc biệt.

Theo ông Tùng, sự chuyển đổi trong cơ cấu ngành diễn ra mạnh mẽ, với doanh số tăng tập trung vào phân khúc bình dân, ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế hơn so với các mô hình cao cấp.

Lượng nhà hàng bình dân, ki-ốt, và xe đẩy ngày càng phổ biến, đáp ứng nhu cầu của số đông người tiêu dùng. 

“Tuy khó khăn nhưng những sản phẩm làm đúng, mô hình vững, làm bài bản ngay từ đầu và luôn làm mới sản phẩm… khách luôn đông và phát triển tốt”, ông Tùng nhấn mạnh.

Các chuyên gia dự đoán, xu hướng bán hàng online trong lĩnh vực F&B sẽ còn phát triển mạnh mẽ, góp phần làm giảm số lượng cửa hàng truyền thống trong bối cảnh giá thuê mặt bằng ngày càng đắt đỏ.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *