Chiều 19-8, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, thứ trưởng Bộ Công an, đã thông tin về một số nội dung liên quan.
Học sinh chạy xe máy khi chưa có bằng diễn ra phổ biến
Theo ông Lâm, qua theo dõi, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp.
Nhất là học sinh THCS, THPT đi học bằng xe máy điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, kéo, đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi lái xe, đặc biệt chạy xe máy khi chưa có bằng lái đang diễn ra phổ biến làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Từ đầu năm 2024, cảnh sát giao thông đã xử lý 65.491 trường hợp học sinh vi phạm, trong đó có 18.327 trường hợp vi phạm khi chạy xe máy điện, 28.971 trường hợp chưa đủ tuổi chạy xe máy.
Thống kê tháng 7-2024, các vụ tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh liên quan đến xe đạp điện có 174 xe (bằng 4,36%), xảy ra 102 vụ tai nạn giao thông (bằng 7,93%), làm chết 29 người (bằng 5,28%), làm bị thương 101 người.
Bên cạnh đó, một số bậc cha mẹ học sinh chưa gương mẫu, nêu gương, chưa nhận thức được việc giáo dục con em mình chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…
Nhiều người còn giao xe cho con em chạy khi chưa đủ điều kiện.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông với học sinh sử dụng xe máy điện, theo thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Bộ Công an đã triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Gồm tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh chạy xe máy, nhất là xe máy điện vi phạm giao thông.
Cùng với đó, đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, tuyên truyền sâu rộng cho học sinh các quy định.
Phát động, xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là từng gia đình chấp hành nghiêm quy định, không giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái.
Xây dựng, nhân rộng mô hình “cổng trường an toàn giao thông”, bố trí các đội thanh niên tình nguyện, đội cờ đỏ… tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm. Tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường cho học sinh, phụ huynh.
Lừa đảo qua mạng tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm cũng thông tin thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp mặc dù thủ đoạn không mới nhưng cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, nhất là lừa đảo trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Theo ông Lâm, phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng thông qua hình thức tạo lập website giả danh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là một trong các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến, chiếm tỉ lệ khoảng 15%.
Trong đó, các đối tượng lập website giả mạo Cổng dịch vụ công quốc gia, ngân hàng để thu thập dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng của bị hại.
Sau đó sử dụng để gọi điện, nhắn tin lừa đảo, giả mạo các doanh nghiệp lớn có uy tín, sàn thương mại điện tử với các thông tin lừa đảo như huy động vốn có lãi suất cao, tuyển dụng, mua bán hàng hóa, chiết khấu cao làm nhiệm vụ kiểm tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
6 tháng đầu năm, công an các đơn vị, địa phương đã điều tra, khám phá 286 vụ án lừa đảo trên không gian mạng, khởi tố 452 đối tượng, đạt tỉ lệ 12,7%.
Ông Lâm nhấn mạnh bộ đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm. Phối hợp với các nhà mạng gửi tin nhắn đến điện thoại di động để người dân nâng cao phòng ngừa…
Phối hợp các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý trên không gian mạng, triển khai các biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm, công bố số điện thoại của Cục Cảnh sát hình sự là đơn vị được giao giải quyết, tăng cường hợp tác quốc tế…