Sáng 17-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính – chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng – đã chủ trì hội nghị lần thứ tư của hội đồng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, TP trong vùng cùng dự.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu về sự phát triển của các vùng
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị được tổ chức để thảo luận các nội dung nhằm tăng cường liên kết, phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng từ nay đến cuối năm 2024.
Trước đó, hội đồng đã tổ chức 3 hội nghị liên quan phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng bày tỏ, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu về sự phát triển của các vùng; luôn nhắc, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nỗ lực phát triển các vùng. Nhiệm kỳ này Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển vùng. Sau đó Chính phủ có các chương trình hành động, thành lập các hội đồng vùng.
Thông tin về kết quả phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng cho biết tăng trưởng kinh tế 6 tháng năm 2024 đạt 7,21%, cao hơn so với bình quân chung cả nước (6,42%) và vùng Đông Nam Bộ (5,58%).
Tổng thu ngân sách 7 tháng đạt hơn 521.000 tỉ đồng, cao nhất cả nước, chiếm 41% tổng thu ngân sách cả nước. Giá trị xuất khẩu 7 tháng đạt trên 80,04 tỉ USD, đứng thứ nhất cả nước, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (227,5 tỉ USD).
Trong 7 tháng có 29.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 14.319 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng lần lượt 3,39% và 6,87% so với cùng kỳ 2023.
Thủ tướng đánh giá các kết quả trên có được là nhờ quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm cao của lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập
Ngoài những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập như chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khả năng chống chịu và ứng phó trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài chưa cao; khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn, làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, chất bán dẫn… Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Các nội dung liên kết vùng quan trọng (liên kết trong hạ tầng giao thông liên vùng và khu vực, nhất là đường sắt; liên kết đầu tư phát triển; khả năng kết nối, tích hợp kinh tế tỉnh, thành vào chuỗi giá trị toàn cầu) còn hạn chế.
Về quan điểm, yêu cầu triển khai quy hoạch và phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.
“Bất luận trong trường hợp nào cũng phải bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân, không để tăng giá; bảo đảm năng lượng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng” – Thủ tướng chỉ đạo.
Về triển khai hoạt động của hội đồng điều phối vùng, Thủ tướng yêu cầu cần bám sát, triển khai hiệu quả nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị. Tổ chức thực hiện, hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.
Hoàn thành thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vùng và liên vùng
Về các nhiệm vụ hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan đảm bảo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, không để chậm hay kéo dài thời gian thực hiện các nhiệm vụ sang năm 2025.
“Làm việc nào dứt việc đó. Trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn cần báo cáo lại cấp có thẩm quyền lý do không hoàn thành, giải pháp tháo gỡ” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị “5 tiên phong” đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế; tiên phong trong cải cách hành chính; tiên phong trong lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiên phong huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư, để phát triển nhanh và bền vững…
Về các nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần “thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị”.
Đồng thời tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Trong đó tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào chế biến, chế tạo; ưu tiên công nghiệp cơ điện tử, chip bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới…
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng; phát triển các nguồn cung và lưới điện, nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hạ tầng thủy lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vùng và liên vùng: dự án tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng; các dự án tại cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.