Diễn đàn Kinh tế Thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM” khai mạc phiên toàn thể sáng ngày 25-9.
TP.HCM mong muốn thông qua Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm nay, có thể xác định những ưu tiên, trọng tâm trong chuyển đổi công nghiệp, qua đó tập trung nguồn lực, đảm bảo tính đồng bộ trong cơ chế chính sách và triển khai thực hiện.
Chuyển đổi xanh là động lực, chuyển đổi số là đột phá
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết định hướng của TP.HCM là xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại, nghĩa tình nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho TP.HCM đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại, ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực.
Với vươn tầm nhìn và nhiều chỉ tiêu lớn, cụ thể, để làm được nhiệm vụ đề ra thành phố cần các giải pháp bền vững, phát triển bền vững. TP.HCM chọn chuyển đổi xanh nhiệm vụ trọng tâm là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu.
“Trước mắt phải tập trung vượt qua khoảng cách lớn. Đó là cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ môi trường, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế, thủ tục hành chính.
Thành phố cũng cần có những cơ chế chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển.
Cùng với đó, TP.HCM mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư hoạt động và phát triển”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu bật những ưu tiên để phát triển bền vững.
Ông Nên cho biết qua các kỳ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe và nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi kinh nghiệm, những hiến kế đầy quý báu của các đại biểu trong nước cũng như quốc tế. Và thành phố cũng đã nghe những cam kết hành động.
Chính quyền thành phố tiếp thu, đưa vào từng giai đoạn phát triển trung và ngắn hạn, đưa ra các chỉ đạo hiệu quả cho nền kinh tế.
“Ngoài các cơ quan ngoại giao, lãnh sự đoàn, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, còn có những người bạn gắn bó với TP.HCM từ những ngày khó khăn. Thành phố không bao giờ quên những người đã từng giúp mình vượt qua thời khắc cam go của đại dịch COVID-19”, ông Nguyễn Văn Nên nhắn nhủ.
Theo TS Phạm Bình An, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố mong muốn HEF 2024 là nơi gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt các xu hướng phát triển mới.
Diễn đàn năm nay ghi nhận 40 đoàn địa phương và bộ, ngành quốc tế cùng chuyên gia xác nhận tham dự HEF 2024 đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.