Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, và là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 10 năm.
Theo Bộ Ngoại giao, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ (được nâng cấp tháng 9-2016) tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng củng cố thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân
Đồng thời hai bên duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước như Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ cấp bộ trưởng Ngoại giao, Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ;
Tham khảo chính trị và Đối thoại chiến lược, Đối thoại An ninh, Đối thoại Chính sách quốc phòng, Đối thoại Chính sách đối ngoại, Đối thoại An ninh biển…
Trong đó hợp tác quốc phòng – an ninh tiếp tục là lĩnh vực hợp tác trụ cột, quan trọng và chiến lược. Hợp tác kinh tế – thương mại phục hồi và phát triển tích cực sau đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 15 tỉ USD.
Tính đến tháng 5-2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 5,94 tỉ USD.
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 3,56 tỉ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt gần 2,38 tỉ USD (Việt Nam xuất siêu 1,1 tỉ USD).
Ấn Độ hiện có 380 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn 1,067 tỉ USD, đứng thứ 24/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam;
Một số tập đoàn lớn của Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam trên lĩnh vực hạ tầng, năng lượng tái tạo, trong đó có Tập đoàn Adani.
Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân tiếp tục được tăng cường và mở rộng. Kết nối giữa hai nước về hàng không và hàng hải được đẩy mạnh; hiện giữa hai nước có 54 chuyến bay thẳng hằng tuần.
Ngoài ra là các hợp tác trên các lĩnh vực khoa học – công nghệ, thông tin – truyền thông, giáo dục – đào tạo, văn hóa – du lịch, giao lưu nhân dân đều phát triển tích cực.