Thư viện ghép chung với phòng chức năng, còn đâu cảm hứng đọc sách?

Học sinh đọc sách tại thư viện nhà trường – Ảnh: LÊ TẤN THỜI

Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Việt Nam đã có ngày 24-4 là Ngày Sách Việt Nam. Tuy nhiên số lượng người thường xuyên đọc sách hiện nay còn quá ít.

Một trong những nguyên nhân học sinh ít đến thư viện nhà trường đọc sách là sách thiếu, chưa phong phú về các thể loại, nội dung sách chưa hấp dẫn. 

Góp thêm góc nhìn về chuyện này, thầy giáo Lê Tấn Thời (An Giang) và Trần Văn Tám (Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ ý kiến của mình.

Thư viện ghép chung với phòng chức năng

Nếu ví von môi trường sư phạm góp phần ươm mầm văn hóa đọc thì thư viện chính là nơi khởi nguồn. 

Trẻ có ham muốn đọc sách báo hay không tùy thuộc vào không gian văn hóa đọc. 

Được đọc sách báo trong một không gian rộng rãi, thoáng mát với nhiều thể loại sách báo phù hợp với sở thích của mình là ước muốn của nhiều đứa trẻ. 

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều thư viện ở vùng nông thôn chưa đạt chuẩn theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Do nhiều nguyên nhân, đa số các trường hiện nay chỉ tập trung cơ sở vật chất cho việc dạy và học. Nếu có thêm phòng thì dành cho các phòng bộ môn. 

Thư viện được ghép chung với những phòng chức năng khác, hoặc đôi khi chỉ là góc nhỏ trưng bày sách báo trong phòng giáo viên. 

Trong những môi trường như thế, thật khó phát triển được văn hóa đọc. 

Ở một góc độ khác, với những đầu sách hiện nay được trang bị trong thư viện phần lớn là sách tham khảo, phục vụ cho việc dạy và học nên để có được những quyển sách để giải trí là một điều xa xỉ. 

Công tác xã hội hóa của nhà trường chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu. Mỗi khi thư viện lưu động đến để phục vụ là những ngày hội thực sự với các em. 

Nhưng những hoạt động như thế thật là hiếm hoi. 

Cần lắm những người thầy “truyền lửa”

Tôi nhớ mãi đến những quyển sách thiếu nhi sờn gáy, rách bìa của mình được các em chuyền tay nhau đọc. Trong những tiết dạy, thỉnh thoảng tôi giới thiệu đến các em những tác phẩm hay mà tôi đã đọc để các em có thêm sự chọn lựa cho niềm đam mê của mình.

Ở một góc độ khác, cán bộ thư viện đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng và hình thành văn hóa đọc cho học sinh. 

Trong điều kiện hiện có, một người quản thư giỏi, tâm huyết với văn hóa đọc là phải biết linh hoạt trong các hoạt động để khơi gợi việc yêu mến văn hóa đọc trong nhà trường. 

Chọn sách thế nào để phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, cần có những hoạt động phối hợp nào với các đoàn thể khác trong nhà trường để phát triển văn hóa đọc theo chiều sâu lẫn chiều rộng.

Trong những hoạt động ngoại khóa, những cuộc thi viết về những quyển sách mà mình yêu thích, sân khấu hóa tác phẩm văn học, kết hợp trò chơi dân gian cùng văn hóa đọc… đã có sức lan tỏa sâu rộng để các em được bày tỏ quan điểm của mình về việc cổ súy cho văn hóa đọc. 

Thật nhiều ý tưởng được đưa ra: nào là treo khẩu hiệu, biểu ngữ về ý nghĩa của việc đọc sách ở những nơi công cộng, nào là quyên góp để xây dựng thư viện miễn phí, mọi người nên đọc sách chứ đừng nên tốn thời gian với mạng xã hội hay tận hưởng văn hóa đọc theo cách riêng của mình. 

Việc đọc sách của học sinh ở nông thôn bị thiệt thòi rất nhiều so với ở thành thị. 

Để giải tỏa cơn khát sách, những gia đình có kinh tế khá giả thường đến những nhà sách lớn ở tỉnh tìm mua những quyển con em mình thích, còn phần lớn các em mượn của bạn bè, người thân.

Điều quan trọng là những nhà quản lý phải biết linh động và sáng tạo trong điều kiện hiện có để hoạt động thư viện thu hút học sinh và góp phần hình hình văn hóa đọc trong nhà trường.

Để học sinh thích đến thư viện đọc sách: kinh nghiệm từ 2 trường vùng ven TP.HCM - Ảnh 2.

Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, (TP.HCM) có thư viện điện tử phục vụ cho giáo viên, học sinh – Ảnh: TRẦN VĂN TÁM

Thư viện điện tử thu hút nhiều phụ huynh, học sinh

Trường tiểu học Phạm Văn Cội huyện Củ Chi, (TP.HCM) có thư viện điện tử phục vụ cho giáo viên, học sinh, nên lúc nào cũng thu hút các em đến thư viện vì sự mới, lạ.

Không chỉ vậy, cả phụ huynh của nhà trường khi đưa con đến trường có nhu cầu cần đọc sách hay tra cứu sách tham khảo để dạy cho con học, cũng được phục vụ miễn phí.

Thầy Đoàn Thanh Lâm, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết hiện nay ngoài phòng thư viện truyền thống, nhà trường còn trang bị thêm phòng thư viện điện tử với số tiền trên 1,5 tỉ đồng do ngân sách huyện hỗ trợ, các máy móc, thiết bị phục vụ.

Phòng thư viện điện tử gồm có: 1 bảng tương tác hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong việc giảng dạy, 2 màn hình tương tác và 40 máy tính bảng dành cho học sinh đọc sách.

Thầy Lâm cho biết thêm: “Thư viện điện tử với tài nguyên khá phong phú nên có nhiều thuận lợi giúp giáo viên và học sinh trong việc giảng dạy, học tập, không bị ràng buộc giới hạn về không gian đọc, thời gian đọc như thư viện truyền thống”.

Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, ban giám hiệu nhà trường đã chủ động phối hợp với phụ huynh tư vấn học sinh để các em đừng quá say mê thích thú mà chăm chú vào màn hình có thể ảnh hưởng đến mắt, đồng thời bố trí thời gian cho phù hợp như giờ chơi, giờ học ngoại khóa”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *