Mới đây Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, từ đó báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Để có nguồn điện ổn định dài hạn
Trước đó Bộ Công Thương đặt vấn đề phát triển các nguồn năng lượng mới, trong đó có điện hạt nhân khi lấy ý kiến sửa đổi Quy hoạch điện 8.
Theo bộ này, hiện có trên 30 quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân, tạo ra khoảng 9,1% lượng điện năm 2023.
Nguồn điện này chủ yếu phát triển tại châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Mỹ là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất. Với Việt Nam, Quy hoạch điện 8 chưa đưa vào phát triển điện hạt nhân.
Thực tế, năm 2010 quy hoạch phát triển điện hạt nhân đã được phê duyệt, với hai địa điểm được tư vấn của Nga và Nhật Bản khảo sát, lựa chọn là Phước Dinh và Vĩnh Hải (tỉnh Ninh Thuận).
Năm 2016, Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Mặc dù Quy hoạch điện 8 được phê duyệt với tỉ trọng lớn là năng lượng tái tạo, giảm các nguồn điện truyền thống, song điện hạt nhân vẫn chưa phải là ưu tiên được lựa chọn.
Trong kiến nghị gửi Chính phủ, các chuyên gia thuộc Hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam cho rằng việc sớm tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân là cần thiết.
Bởi ngoài việc cung cấp điện năng công suất lớn, ổn định, giá thành phù hợp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, chiếm ít diện tích đất thì nguồn điện này ít phát thải khí nhà kính nhất và sẽ trở thành nguồn điện quan trọng giảm nhẹ tác động đến biến đổi khí hậu.
“Trong bối cảnh hạn chế phát triển nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than, việc quy hoạch phát triển các nguồn điện sẽ gặp khó khăn do thiếu nguồn có công suất lớn, ổn định, giá thành phù hợp.
Điện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Công nghệ điện hạt nhân ngày càng tiên tiến, có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối theo các yêu cầu khắt khe”, kiến nghị được nêu trong báo cáo gửi Chính phủ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lã Hồng Kỳ, văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng, cho rằng điện hạt nhân đáp ứng yêu cầu của một nguồn điện nền ổn định với chi phí giá thành chấp nhận được.
Bởi trong cơ cấu nguồn hiện nay, thủy điện không còn nhiều dư địa để khai thác, điện than sẽ giảm dần và dừng phát triển, việc phát triển nguồn điện khí cũng khó khăn và chi phí giá thành cao.
Ông Kỳ nói để đảm bảo an ninh năng lượng cần đa dạng hóa nguồn năng lượng và phải có nguồn điện nền ổn định. Vì vậy, việc lựa chọn các nguồn điện thay thế trong đó có điện hạt nhân là phù hợp.
Bởi theo ông Kỳ, đây là nguồn điện có tính ổn định cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp bảo vệ môi trường, chống phát thải khí nhà kính, nhằm thực hiện mục tiêu cam kết tại COP26.
“Thực tế các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều đang sử dụng điện hạt nhân, với công nghệ ngày càng được cải tiến. Vì vậy, nếu Việt Nam lựa chọn điện hạt nhân sẽ có lợi thế là tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới.
Mặc dù suất đầu tư ban đầu với điện hạt nhân cao nhưng hiệu quả tổng thể cao hơn, càng làm thì sẽ càng tối ưu hiệu suất và có giá rẻ hơn, kéo theo các lợi ích kép về phát triển kinh tế – xã hội. Có thể khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để tận dụng những thành quả đã nghiên cứu”, ông Kỳ nói thêm.
Lựa chọn công nghệ nào để an toàn
Bộ Công Thương nhìn nhận việc phát triển điện hạt nhân đang có những thuận lợi khi nhiều nước trên thế giới đang phát triển điện hạt nhân.
Đặc biệt là có thể xem xét phát triển lò phản ứng hạt nhân mô đun nhỏ (SMR), nhà máy điện hạt nhân nổi. Bởi SMR là lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có công suất lên tới 300MW mỗi tổ máy, bằng khoảng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng hạt nhân truyền thống.
SMR có thể sản xuất một lượng lớn điện có hàm lượng carbon thấp, được kết hợp và tăng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, giúp các quốc gia giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững.
Dự kiến, các lò SMR có thời gian xây dựng khá ngắn với khoảng 24 – 36 tháng, có thể được triển khai từng bước để phù hợp với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc Hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam lại cho rằng các lò SMR dù được đánh giá là có mức độ an toàn cao hơn, song cần thêm thời gian để triển khai, kiểm chứng công nghệ và an toàn.
Đặc biệt khi các lò này sử dụng kim loại lỏng làm mát nên dự báo công nghệ SMR sẽ được phổ biến sau 30 – 40 năm nữa.
Trong khi đó, các lò đang được xây dựng hiện nay là lò nước áp lực thế hệ lò III, III+ (VVER-1200, AP1000, EPR1600, APR1400, HPR-1000, hay còn gọi là HuaLong One, ACR700…).
Đây là các lò tiên tiến, có hệ thống an toàn thụ động, đảm bảo trong trường hợp sự cố xấu nhất xảy ra cũng không phải sơ tán người dân, tránh được các sự cố nặng xảy ra gây hậu quả đến môi trường và con người.
Vì vậy, các chuyên gia năng lượng nhận định ngành công nghiệp điện hạt nhân thế giới tiếp tục tồn tại và phát triển trong 40 – 50 năm tiếp theo với công nghệ lò nước nhẹ nên trước hết cần ưu tiên nguồn điện hạt nhân với công nghệ lò nước khi xem xét khởi động lại chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam.
Theo ông Lã Hồng Kỳ, việc xem xét phát triển điện hạt nhân là một chủ trương lớn, đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý vững chắc.
Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là từ cơ sở nghiên cứu, cần xác định rõ quan điểm về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, xem xét đây là nguồn điện lớn giữ vai trò điện nền trong toàn hệ thống hay không?
Từ đó làm căn cứ để xác định công suất nguồn điện, tỉ lệ phần trăm trong toàn hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển của hệ thống điện quốc gia và trong mối quan hệ với các nguồn điện khác. Việc xác định công suất, tỉ lệ cơ cấu nguồn điện là căn cứ để lựa chọn công nghệ và mô hình phát triển cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Cần đưa điện hạt nhân vào luật
Ông Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết xu hướng hiện nay thế giới đang quay trở lại điện hạt nhân rất mạnh mẽ.
Do đó nếu không đưa nội dung này vào Luật Điện lực (sửa đổi) đang xây dựng, trong tương lai khi muốn quay trở lại điện hạt nhân chắc chắn chúng ta không thể triển khai được những chủ trương lớn và khó có cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng.
Bởi việc phát triển điện hạt nhân không phải ngày một ngày hai là có thể làm được. Vì cần công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên gia công nghệ, an toàn và hạ tầng cho điện hạt nhân, cần phải thời gian dài.
Việc triển khai điện hạt nhân hiện nay có ba vấn đề băn khoăn được đặt ra là an toàn, với công nghệ thế hệ III+ và thế hệ IV thì mức độ an toàn có thể được khắc phục. Hai là xử lý chất thải phóng xạ và ba là vấn đề giá thành, điện hạt nhân chắc chắn rẻ hơn so với năng lượng tái tạo nếu có hệ thống lưu trữ.
Các nước phát triển điện hạt nhân thế nào?
Theo số liệu cập nhật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tính đến tháng 8-2024, có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sử dụng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tổng số có 415 lò phản ứng điện hạt nhân đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 373.735MW.
Trong đó, Mỹ đứng đầu trên thế giới với 94 lò phản ứng điện hạt nhân, tổng công suất đặt là 96.952MW. Tiếp theo là Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada, Ukraine.
Trên thế giới hiện có 61 lò phản ứng điện hạt nhân đang xây dựng với tổng công suất 63.873MW. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với số lượng 27 lò, tổng công suất 28.501MW. Ấn Độ hiện đang xây dựng 7 lò…
Đến nay, điện hạt nhân thế giới đã bắt đầu phục hồi và đang phát triển ở nhiều nước (đặc biệt các nước châu Á). Tại Mỹ đang tiếp tục đẩy mạnh điện hạt nhân với công nghệ mới sử dụng an toàn thụ động (AP1000), cũng như lò mô đun nhỏ (SMR), một số thiết kế đã được cấp phép và đang được triển khai xây dựng.
Nga tiếp tục đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân với công nghệ chính là lò VVER thế hệ III+ (AES2006) và xuất khẩu các lò hạt nhân sang nhiều nước trên thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Hungary, Phần Lan, Ai Cập…). Trung Quốc có chương trình điện hạt nhân đầy tham vọng với mục tiêu đến 2030 sẽ có hơn 100 lò, đến 2050 sẽ vận hành hơn 270 lò hạt nhân.