Như Tuổi Trẻ Online thông tin, câu chuyện thầy giáo Nguyễn Ngọc Duy sau 13 năm dạy học trên non chuyển về TP Quảng Ngãi dạy học, khiến học sinh cũ khóc như mưa, bịn rịn không muốn chia tay thầy, được xem là hình ảnh đẹp về tình thầy trò.
Nói về điều này, nhiều bạn đọc cho rằng chỉ xuất phát từ tình cảm trong sáng vô tư của học trò dành cho thầy và ngược lại thầy giáo cũng phải là người như thế nào mới tạo nên những thước phim đáng quý đó.
Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Đình Khoa chia sẻ những điều đẹp đẽ ẩn chứa trong chữ “thầy”.
Phép màu từ tình yêu thương
Điều gì ở thầy Nguyễn Ngọc Duy khiến những học sinh gặp thầy từ khi bước vào lớp 1 vẫn giữ mãi đến tận năm lớp 9, và khi biết tin thầy chuyển công tác đã bật khóc?
Câu trả lời chỉ có thể là tình yêu thương đã tạo nên “phép màu” để người thầy vượt qua khó khăn, mở rộng trái tim, bao dung học sinh.
Không chỉ dạy học sinh về con chữ, kiến thức, kỹ năng, thầy cô còn là những người cha người mẹ thứ hai trong một gia đình lớn; cùng nhau vượt qua khó khăn thiếu thốn với tinh thần lạc quan, miệt mài ngày đêm chạy “đuổi” theo con chữ hằng mong thay đổi cho những cuộc đời.
Câu chuyện về những hạt ân tình thầy Duy đã gieo ở vùng cao Sơn Liên (xã xa bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi) khiến tôi nhớ đến những người thầy, người cô ở xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu).
Họ đều là những người không chỉ đi gieo con chữ mà từ tình yêu thương của mình còn giúp các em học sinh thay đổi cuộc đời.
Đó là cô giáo trẻ Lại Thị Tình, từ Nam Định lên vùng người Thái vào năm 1989, là thầy Lê Đình Chuyền (quê ở Thanh Oai, Hà Nội) được điều về trường năm 2009 và hiện là hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Chà.
Cũng như thầy Nguyễn Ngọc Duy, họ bắt đầu hành trình gian nan, vất vả. Và với nghị lực, tình yêu thương, những người thầy, người cô đó đã vượt qua tất cả để gắn bó với nghề và nhận lại sự yêu thương từ học trò.
Ươm mầm cho tương lai các em
Đó là câu nói đầy tâm huyết của thầy Lê Đình Chuyền – hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Chà. Và không chỉ nói, thầy Chuyền đã chứng minh điều đó qua công việc hằng ngày của mình.
Tháng 2-2009 thầy Lê Đình Chuyền (quê huyện Thanh Oai, Hà Nội) đến nhận công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Chà. Mỗi năm, thầy Chuyền được về thăm nhà 2 lần vào dịp học sinh nghỉ hè và dịp Tết Nguyên đán.
Kỷ niệm đáng nhớ được thầy chia sẻ là do điều kiện liên lạc lúc ấy rất khó khăn, chưa có sóng điện thoại nên những lần muốn gọi điện về cho gia đình phải đi bộ gần cả ngày trời.
“Năm 2012, Nậm Chà mới có đường xe máy để đi, năm 2014 mới có sóng điện thoại và đến năm 2016 mới có điện để thắp sáng. Bệnh viện ở xa, cách điểm trường trung tâm gần 100km, đi bộ mất khoảng 6 – 7 tiếng mới ra được đường lớn để bắt xe”, thầy Chuyền kể.
Cái khó tiếp theo là học sinh nơi đây chủ yếu thuộc các dân tộc Cống, Dao, Mông. Ở đây phụ nữ đa phần không biết nói tiếng phổ thông, nên các thầy cô thuyết phục cho trẻ đến trường không hề dễ.
Và để dạy cho trẻ, các thầy cô giáo từ xuôi lên không chỉ có mỗi việc dạy mà còn phải học tiếng của trẻ – tiếng Mông, tiếng Dao rồi mới dạy được tiếng Kinh. Chưa kể, mỗi khi trái gió trở trời, thầy cô giáo còn là bác sĩ, y tá của các em…
Năm 2013, được mời thuyên chuyển công tác với chức vụ cao hơn, cơ hội thăng tiến nhiều hơn nhưng thầy Chuyền đã từ chối với một lý do rất giản dị: “Tôi đã nguyện gắn bó với sự nghiệp giáo dục”.
Theo thầy Chuyền, “chỉ có giáo dục mới thay đổi được cuộc đời các em, nhất là ở những nơi còn nhiều khó khăn như thế này”, câu nói phút chia tay chúng tôi cùng nụ cười hiền lành của thầy Chuyền đã trở thành hình ảnh khó quên.
Người tốt việc tốt không chỉ có nghe! Khi một lần lên với các điểm trường vùng cao, tận mắt chứng kiến những câu chuyện kể của các thầy cô như thầy Duy, cô Tình, thầy Chuyền mới cảm nhận được hết về ý nghĩa lớn lao về hai chữ “người thầy”.
Chữ thầy đẹp đẽ, bao dung lắm
Chữ thầy có một sức nặng mà ngàn đời không bao giờ thay đổi. Sức nặng ấy để níu giữ, lắng lại những điều tốt đẹp, nhân nghĩa ở đời cho tâm hồn – khi cuộc đời mỗi người tựa như con thuyền trôi giữa dòng đời lao xao sóng, luôn nhiều vòng xoáy, đổi thay.
Những người thầy như ngọn hải đăng – luôn sáng và chỉ lối cho mỗi học trò đi qua từng khoảnh khắc, từng giai đoạn riêng trong cuộc đời.
Thứ ánh sáng của niềm tin gửi trao, và đôi mắt học trò luôn dõi nhìn theo với tất cả niềm kính trọng.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại ví người thầy như những người chèo đò trên sông. Mặc mưa dông bão nổi, mặc nắng cháy sương sa. Từng chuyến đò vẫn cứ ngang qua, đưa đàn em tới bến, đặt chân lên một nấc thang mới trong cuộc đời.
Người trên đò như mỗi cánh chim bay, mải miết theo những ước mơ, khao khát ở mỗi vòm trời. Chỉ người đưa đò ở lại, đứng lặng nhìn theo, lấy sự thành công trên mỗi bước đường của học sinh làm niềm vui cho nghề, cho cuộc đời làm thầy của mình.
Có thể những suy nghĩ ấy bạn từng nghe, và ai cũng hiểu là như vậy.
Nhưng chỉ khi trên vai bạn mang một chữ thầy, chỉ khi là người trong cuộc, bạn mới cảm hết được trái tim bao dung của mỗi người thầy.