132 tân sinh viên đến từ 19 tỉnh, thành Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.
Tham dự lễ trao học bổng có bà Đinh Thị Lụa – phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam, ông Trần Xuân Lộc – nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, ông Trần Xuân Dưỡng – tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Trung tướng Nguyễn Đình Thuận – cục trưởng Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an; Thiếu tướng Trần Thanh Phong – phó cục trưởng Cục truyền thông Bộ Công an; ông Trần Thanh Lâm – phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre; ông Nguyễn Ngọc Thanh – trưởng ban Nhân dân Điện tử, Báo Nhân Dân; bà Lê Thị Thuý Sen – vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Trần Quang Nghị – phó chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam; ông Trương Thế Quốc – chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân Hòa; ông Trần Đình Vọng – chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Kiến Hưng và ông Trịnh Hùng Sơn – hiệu trưởng Trường liên cấp Lý Thái Tổ.
Về phía đơn vị tài trợ có ông Vũ Hải Sơn – phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Vinacam, -hó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Vinacam; ông Nguyễn Đức Thọ – phó giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền Ninh Bình; ông Hoàng Văn Trọng – phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; bà Lê Thị Hoài Thương – trưởng phòng Đối ngoại cấp cao Công ty TNHH Nestlé Việt Nam và bà Nguyễn Thị Hồng Quang – giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nam, Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu.
Về phía ban tổ chức, có nhà báo Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; anh Trần Ngọc Nam – tỉnh ủy viên, bí thư Tỉnh đoàn, Ccủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Hà Nam. Cùng các thành viên Ban thường vụ Tỉnh đoàn Hà Nam và đại diện các tỉnh, Thành đoàn Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc.
Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đại diện các phóng viên báo, đài phát thanh, truyền hình; đặc biệt là sự hiện diện của các tân sinh viên nhận học bổng.
Dù 15h, lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường mới chính thức diễn ra nhưng từ 11 – 12h trưa, nhiều tân sinh viên cùng người thân đã có mặt tại điểm trao. Tới 14h, hội trường đã kín người; các sinh viên ổn định chỗ ngồi. Trong 132 tân sinh viên, có bạn đi cùng ông bà, cha mẹ; có bạn đi một mình như cách nhiều bạn một mình nhập học.
Ngày vui thì vui thật, nhưng cũng không ít nét mặt hồi hộp, lo lắng. Trên gương mặt có phần bối rối đó, nay thêm phần vui vì sắp nhận được một món quà của các nhà hảo tâm, cổ vũ chặng đường phía trước của các sinh viên nghèo.
Bốn bà cháu đi từ Hải Dương có mặt sớm nhất
Bà Phạm Thị Huê (61 tuổi, quê xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) dậy từ 4h sáng, hôm nay là một ngày đặc biệt với cả gia đình, khi cháu ngoại Đoàn Quỳnh Diệu về Hà Nam nhận được học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Diệu là tân sinh viên trường Đại học Hải Phòng.
Bà ngoại còn dắt thêm hai người em đi cùng Diệu vì muốn hai em nhỏ dự chương trình, cảm thấy tự hào và xem chị làm tấm gương phấn đấu.
Bốn bà cháu gần như là những người đến địa điểm trao sớm nhất.
Bà kể trước đây, gia đình Diệu sống trong Bình Phước nhưng vì “bố phức tạp, mẹ nó bồng bế ba con nhỏ về sống cùng ông bà từ bấy tới giờ”.
Hằng tháng lương làm công nhân của mẹ Diệu khoảng vài triệu đồng. Khi biết tin Diệu đậu đại học, cả nhà nửa mừng nửa lo. Học phí một năm đã 28 triệu đồng, trong khi mẹ vét túi chỉ có mấy triệu. Ngay chiếc laptop cũ giá 7 triệu để phục vụ ngành học công nghệ thông tin của Diệu, mẹ cũng nhờ bác mua hộ rồi tìm cách trả sau. Cho nên, bà ngoại nói 15 triệu báo Tuổi Trẻ trao tặng ‘rất to’ với cả nhà bà.
“Thay mặt mẹ cháu, tôi xin gửi lời cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã thực hiện một chương trình rất ý nghĩa, nhân văn, tiếp sức những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vào giảng đường đại học”, bà chia sẻ.
Cháu 1 tuổi mồ côi cha, 2 tuổi mất mẹ, ông ngoại cám ơn Tuổi Trẻ nhớ đến cháu mình
Bạn Vũ Thu Hương là tân sinh viên trường Đại học Kinh tế, Kĩ thuật và Công nghiệp. Chiều nay Hương đến nhận học bổng cùng với ông ngoại Trần Văn Hiếu.
Từ xã Tân Hưng, TP Hưng Yên, ông Hiếu chở cháu trên xe máy cũ đến Hà Nam. “Trước khi đi, bà ngoại nó dặn ông cố gắng đèo cháu đi, nhưng đi chậm thôi nhé. Hai ông cháu không biết đường nên cả đi cả hỏi đường. Mãi mới đến nơi”, ông kể.
Nói về đứa cháu gái của mình, ông Trần Văn Hiếu nghẹn ngào vì thương cháu nhiều vô kể. Bố mất năm Hương mới hơn 1 tuổi. Hơn một năm sau, mẹ Hương cũng qua đời. Hai ông bà nuôi cháu từ khi bé xíu tới ngày hôm nay, cháu chạm chân vào cánh cổng trường đại học.
Ông nói Hương học giỏi, hiếu thảo với ông bà nhưng tính hơi nhút nhát. Hôm nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của cháu, hai ông bà trải qua nhiều cảm xúc hỗn độn. Hiện cả hai đều đã ngoài 70 tuổi, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào ruộng hoa màu.
Xốc lại tinh thần, hai ông bà bàn nhau đi vay tiền từ ngân hàng chính sách nhưng không được. May mắn khi sang Ngân hàng nông nghiệp thì được vay 30 triệu đồng, vừa đủ nộp học phí năm đầu, thuê trọ và sắm sửa đồ đạc ban đầu cho Hương.
Ông Hiếu chia sẻ, dù không biết phía trước ra sao nhưng hai ông bà “vẫn muốn cháu học hành đến nơi đến chốn; ông bà sớm muộn rồi cũng mất, chỉ mong cháu ra trường tự lo cho mình được, trở thành người có ích cho xã hội”.
Ông nói khi biết tin cháu nhận được học bổng, hai ông bà không còn gì mừng hơn. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ cũng như những mạnh thường quân đã quan tâm tới những sinh viên nghèo, giúp các em vượt khó.
“15 triệu với nhiều người có thể không phải là một món tiền lớn nhưng rất quý với gia đình. Đó là tài sản to để tiếp sức đứa cháu ngoại côi cút của tôi có thể đến trường để thực hiện ước mơ của mình”, ông tâm sự.
Nhà báo Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: Ba chữ yêu hãy mang vào đời, yêu bản thân, yêu gia đình và yêu đất nước
Nhà báo Trần Xuân Toàn nhắc lại câu chuyện đúng 1 năm trước, cũng tại Phủ Lý (Hà Nam), báo Tuổi Trẻ đã trao 120 suất học bổng cho các bạn tân sinh viên. Ngày hôm nay, cũng tại nơi đây, báo Tuổi Trẻ trao 132 suất học bổng cho các tân sinh viên khó khăn khác.
Nhà báo Trần Xuân Toàn nhắc lại để minh chứng cho cam kết của báo Tuổi Trẻ và các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ những bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài những suất học bổng, những phần quà của nhà tài trợ, các bạn tân sinh viên có thêm cuốn sách Khéo khôn với tiền của bà Lê Thị Thúy Sen – vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhà báo Trần Xuân Toàn nói các bạn tân sinh viên có thể tham khảo cuốn sách này để hiểu hơn về giá trị của đồng tiền và cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả.
Dịp này, nhà báo Trần Xuân Toàn tặng các bạn tân sinh vên ba chữ “yêu”: Yêu bản thân, yêu gia đình và yêu quê hương đất nước.
Tình yêu bản thân không phải là tình yêu ích kỷ mà là những kỹ năng để tự chăm sóc mình, biết vượt qua khó khăn, cám dỗ để học tập.
Yêu gia đình để luôn nhớ đến người thân, những người ở phía sau để các bạn được đến giảng đường.
Chữ yêu thứ là yêu quê hương đất nước.
“Khi các bạn yêu quê hương, yêu đất nước mình, các bạn mới có nghị lực cố gắng và cống hiến. Các bạn sau này sẽ thành công, nhưng sau khi các bạn thành công phải có sự sẻ chia, đóng góp cùng đất nước.
Chúng tôi không cần các bạn trả lại hay đền đáp, mà mong các bạn có những đóng góp cho cộng đồng. Chính các bạn sẽ là người làm nên kỷ nguyên Vươn mình của đất nước” – nhà báo Trần Xuân Toàn nói.
Nhà báo Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – Thực hiện: NGUYÊN BẢO – NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN
Bà Đinh Thị Lụa – phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam: Các tân sinh viên miền Bắc hãy tự hào vì mình đã không đầu hàng số phận
Trong những năm qua, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai phức tạp. Vừa qua, khu vực Đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng nặng nề vì bão Yagi, khiến cuộc sống của người dân chồng chất khó khăn. Nhiều tân sinh viên đứng trước nguy cơ không được đến trường.
“Sự hiện diện của báo Tuổi Trẻ với học bổng Tiếp sức đến trường thắp lên hi vọng cho các em vượt khó để viết tiếp ước mơ, trưởng thành và phát triển. Mỗi một tân sinh viên là một câu chuyện của nghị lực vượt khó, vươn lên đỉnh cao của tri thức”, bà Lụa nói.
Theo đại diện Tỉnh ủy Hà Nam, mỗi suất học bổng không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt hơn, với tinh thần người đi trước nâng bước người đi sau, hơn 20 năm qua nhiều sinh viên nhận được hỗ trợ của học bổng đã “quay về” góp thêm sức vào quỹ học bổng, góp phần lan rộng thông điệp Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ.
Bà Đinh Thị Lụa nhận định, những tân sinh viên có mặt ngày hôm nay có thể cảm thấy mình không phải là những người may mắn nhưng các em hãy biết tự hào vì bản thân đã không đầu hàng số phận để tiếp tục con được chinh phục ước mơ.
“Mong các em trân trọng món quà, tiếp tục vươn lên, không ngừng trau dồi tri thức, để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng quê hương đất nước”, bà nói.
Ông Nguyễn Đức Thọ – phó giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền Ninh Bình – đơn vị tài trợ: Mỗi năm học mới vẫn còn sinh viên nghèo, chúng tôi lại muốn động viên các bạn
Ông Nguyễn Đức Thọ cho biết: “Cứ năm học mới đến, các em sinh viên được đến trường, vẫn còn có những con em của nhiều gia đình không đủ điều kiện để tiếp tục chinh phục ước mơ. Đồng hành cùng học bổng Tiếp sức đến trường, Công ty cổ phần Bình Điền chúng tôi mong tạo động lực cho học sinh nghèo, hiếu học. Đây sẽ là nguồn động viên với các bạn trên chặng đường tiếp theo để sau này trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Ông nhắn nhủ, mong các bạn đã không từ bỏ. Chúng tôi tin tưởng và mong các bạn không ngừng cố gắng, trau dồi bản thân để sau này giúp quê hương, đất nước giàu đẹp hơn.
Ông Nguyễn Đức Thọ – phó giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền Ninh Bình phát biểu tại chương trình – Thực hiện: NGUYÊN BẢO – NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN
Nhắn tin hỏi cô giáo và dòng họ ‘học bổng này có thật không?’
“Mình vẫn không tin là sự thật!” – Nguyễn Thị Hồng Mai, tân sinh viên ngành Quản trị ngân hàng – Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, không ngăn được nước mắt khi bước lên xe về Hà Nam nhận học bổng.
Đi cùng Mai còn có mẹ cô – bà Nguyễn Thị Lan, năm nay đã 65 tuổi. Bà Lan dậy từ mờ sáng bắt xe khách từ Định Hóa về TP. Thái Nguyên. Hai mẹ con đi tiếp một chặng xe khách nữa từ Thái Nguyên về Hà Nội và lên xe của Ban tổ chức học bổng Tiếp sức đến trường về Hà Nam. Bà Lan bị đau lưng nhưng kiên quyết vượt hơn 200 cây số cùng con dự lễ nhận học bổng.
Bà Lan chia sẻ một mình nuôi con. Hai mẹ con sống nhờ vào gánh hàng rau nhỏ ở chợ trung tâm xã. Bà đã phải chạy vạy gần chục nhà anh em, bạn bè mới đủ tiền cho con đóng học phí. “Tôi mừng lắm! Học bổng cho con gái tôi làm cả nhà tôi đỡ khó khăn, cháu có động lực để tiếp tục đến trường” – bà Lan chia sẻ.
Cô tân sinh viên Nguyễn Thị Hồng Mai rơi nước mắt khi kể lại giây phút nhận được tin có tên nhận học bổng tiếp sức đến trường. “Mình không tin là sự thật! – Mai nhắn tin hỏi cô giáo chủ nhiệm, cô nói phải, đây là học bổng uy tín. Rồi cô lại nhờ người hỏi Ban tổ chức xem lại lần nữa có đúng không. Anh em trong dòng họ cũng nhờ người hỏi nhiều nơi, đúng là mình được nhận học bổng rồi” .
Mẹ nuôi mừng không nói nên lời
Chuyến xe chở các tân sinh viên các tỉnh thành từ Đại học Bách khoa Hà Nội về thành phố Phủ Lý (Hà Nam) có hơn chục bạn muốn ngồi ghế trên vì say xe. Ai cũng háo hức được nhận học bổng. Nhiều người khe khẽ gọi điện, khoe bạn bè, người thân rằng mình được đi nhận học bổng.
Nguyễn Lệ Hằng mặt tái mét vì say xe nhưng vẫn nhắn tin khoe khắp chúng bạn. Hằng kể, người đầu tiên cô báo tin là mẹ nuôi, cũng là mẹ kế.
“Mẹ tôi mừng đến nỗi không nói được lên lời, cứ cười rồi khen con gái giỏi” – Hằng kể.
Cô mất mẹ từ nhỏ, bố đi bước nữa. Đến năm cô học lớp 9, bố cô mất vì căn bệnh ung thư, Hằng ở với mẹ nuôi, cũng là mẹ kế.
Từ ngày bố mất, cả nhà chật vật vì bao nhiêu tiền của đã chạy chữa cho bố. Mẹ nuôi Hằng làm công nhân của một xưởng may, thu nhập chẳng đáng là bao lại nuôi ba đứa con, cả con chồng, con riêng.
Trước khi lên học Đại học, Hằng nhờ cô họ ở Hà Nội tìm việc. Cô được nhận làm trợ giảng môn toán của một trung tâm giáo dục.
Hàng ngày cứ tan học buổi trưa, Hằng chạy đi làm trợ giảng cách trường hơn chục cây số. Xong tiết đầu, khoảng 14h chiều cô mới tranh thủ lót dạ để dạy tiếp. Công việc vất vả nhưng cô quyết tâm vừa học, vừa làm vì hoàn cảnh gia đình không cho phép cô ngơi nghỉ.
“Tôi thực sự bất ngờ, và hạnh phúc khi được nhận học bổng của chương trình. Trước khi nhập học, bà ngoại tôi đã lấy hết số tiền tiếp kiệm cả chục năm cho tôi, mẹ nuôi cũng dành cả một tháng lương tôi mới đủ. Tiền sinh hoạt, nhà trọ… tôi sẽ tự kiếm để đỡ gánh nặng cho mẹ” – Hằng nói.
Mẹ một mình nuôi 3 con, nghe học bổng ‘không phải người ta lừa’ mà nhẹ cả lòng
Từ xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, chị Hoàng Thị Thơm (42 tuổi) dẫn con Lê Thị Hà về Hà Nam nhận học bổng. Hà hiện là tân sinh viên khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Thái Nguyên.
Chồng mất để lại hai đứa con, một mình chị Thơm bươn chải với mấy sào ruộng, thu nhập cũng quanh quẩn vài triệu đồng.
Vừa qua, bão Yagi (bão số 3) gây sạt lở, đất cát tràn vào nhà của ba mẹ con, tới giờ vẫn chưa khắc phục được. Chính quyền có vận động gia đình chuyển đi chỗ khác, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép, chị Thơm đưa hai con đến ở nhờ nhà bác gần đó.
Chị Thơm kể, dù hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, 12 năm học, Hà luôn cố gắng học tập. “Cháu nói cháu ham học, thích học; là mẹ thì phải cố thôi”, chị nói.
Nói về chuyện Hà nhận được học bổng Tiếp sức đến trường, chị Thơm cười rất tươi. “Hôm nghe tin, tôi hỏi đi hỏi lại, từ cô giáo chủ nhiệm cũ tới người bên Tỉnh đoàn, vì tưởng bị lừa. Tại trước đó cả huyện chưa có ai được nhận học bổng này. Tới khi người bên Tỉnh đoàn bảo gia đình yên tâm thì tôi mới nhẹ cả lòng”, chị kể.
Đi học bằng tiền phúng điếu của mẹ, quyết học để có tương lai
Hoàn cảnh đáng thương của hai tân sinh viên Bùi Đình Bình và Bùi Phương Mai -Thực hiện: VŨ TUẤN – NGUYỄN HIỀN – ĐẬU DUNG – NHÃ CHÂN – DIỄM HƯỜNG
Khán phòng trầm lặng khi trình chiếu clip của hai bạn tân sinh viên Bùi Đình Bình – trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Bùi Phương Mai, trường đại học Văn hóa Hà Nội. Những chiếc điện thoại đang sáng màn hình đã được đặt xuống, nhiều ánh mắt đỏ hoe.
Nhập học bằng tiền phúng điếu từ cái chết đau thương của mẹ Bùi Phương Mai – tân sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội là con một trong gia đình, mẹ cô hơn 40 tuổi mới có Mai. Ngày Mai học lớp 6 thì bố mất vì ung thư. Nhà nghèo lại càng khốn khó hơn. Mẹ Mai một mình tần tảo nuôi con.
Cả nhà chỉ có vài sào ruộng, cấy lúa chỉ đủ hai mẹ con không phải ra chợ đong gạo. Mọi chi phí khác trông vào ngày công đi làm đồng thuê của mẹ.
Mấy năm gần đây, mẹ cô có thêm nghề thu mua đồng nát (lạc xoong). Cả ngày bà đạp xe đi khắp xóm thu mua từ mảnh bìa, xô nhựa, dép rách… bán lại cho đầu mối.
Lam lũ, vất vả bà cũng chỉ kiếm đủ tiền cho hai mẹ con rau cháo qua ngày.
Cuối năm 2023, tin vui đến với hai mẹ con cô bé Phương Mai: Nhà nước cho vay 90 triệu đồng để làm nhà, gia đình Mai không còn phải ở căn nhà cũ sập xệ.
Căn nhà chưa cất xong, mái tôn, cửa giả chưa lắp thì mẹ Mai bị tai nạn. Vụ tai nạn khiến người mẹ nghèo nguy kịch, phải nằm viện thêm vài tháng rồi mất. Cô học trò mảnh mai còn lại một mình.
Tai hoạ chẳng buông tha cho cô học trò nghèo, nhưng Mai không chịu khuất phục trước số phận. Mai thi đỗ đại học, ngành mà cô mong ước.
Vừa lo an táng cho mẹ xong, Mai đi làm thêm để có tiền đóng học phí. Những khoản tiền nộp đầu năm và cả tiền chi phí sinh hoạt hiện tại Mai đang mượn tạm từ những đồng phúng điếu của mẹ.
Cô chia sẻ một thời gian nữa cô sẽ tranh thủ đi làm thêm, một mình phải cố gắng vừa học vừa kiếm sống. Căn nhà của bố mẹ cô để lại cô sẽ giữ, chăm sóc để vong linh bố mẹ được yên nghỉ.
Bố tâm thần, mẹ bỏ đi xa, tân SV “sống 1 lần, tôi muốn sống có ích
Chỉ hơn một năm trước, cậu học sinh luôn đứng đầu lớp Bùi Đình Bình, ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) luôn cau có, chán ghét với mọi thứ chung quanh vì chứng rối loạn lo âu.
Gia đình nông dân nghèo của cậu chẳng được bình yên từ ngày cậu học lớp 1. Lúc ấy, bố cậu bỗng nổi cơn điên, la hét, đập phá mọi thứ. Hơn chục năm ông không lúc nào tỉnh.
Mẹ cậu vừa sợ vừa thương con đành bỏ đi làm ăn xa, để Bình lại cho ông bà nội nuôi.
Ông bà cậu năm nay cũng hơn 90 tuổi, cả nhà trông vào đồng lương hưu vỏn vẹn dăm triệu đồng của ông. Bà nội mắt đã mờ, chân run vẫn đi làm đồng để cả nhà có thêm mớ rau.
Hai vợ chồng già nuôi một người con tâm thần với cháu học đại học muốn kiệt sức.
Khi Bùi Đình Bình trở thành tân sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, hai ông cháu chạy vạy khắp nơi mới vay đủ tiền cho cậu đóng học phí.
“Tôi mong một ngày nào đó mẹ tôi sẽ về chăm sóc bố tôi. Tôi sẽ cố gắng học thật tốt để có cơ hội việc làm tốt hơn phụng dưỡng ông bà và bố mẹ” – Bình nói.
Chia sẻ của ông Vũ Hải Sơn – phó tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Vinacam, và bà Lê Thị Hoài Thương – trưởng phòng đối ngoại cấp cao Công ty TNHH Nestle Việt Nam – Thực hiện: NGUYÊN BẢO – NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN
Tài trợ cho sinh viên nghèo hiếu học là đóng góp cho tương lai
Ông Vũ Hải Sơn – phó tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Vinacam – cho hay Vinacam đã đồng hành với chương trình Tiếp sức đến trường 21 năm nay. Ông đánh giá trong các hoạt động thiện nguyện, Tiếp sức đến trường là chương trình ý nghĩa cao cả. Chương trình đã hỗ trợ được hàng chục nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường, học tập và cống hiến cho đất nước.
Theo ông Hải, tài trợ cho các sinh viên vượt khó học tập chính là góp phần xây dựng cho tương lai.”
Chúng tôi rất mong các bạn thực sự cố gắng, tập trung học tập, đạt được kết quả tốt nhất. Đó là mong muốn của chúng tôi và cũng là cách các bạn báo đáp tốt nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi mong muốn chúng ta thấy được tinh thần của người Việt luôn luôn chia sẻ với những khó khăn, luôn chia sẻ, giúp đỡ những tấm gương vượt khó” – ông Sơn nói.
Nestle lần đầu tài trợ tân sinh viên miền Bắc: Được truyền thêm động lực từ nghị lực sinh viên nghèo
Bà Lê Thị Hoài Thương – trưởng phòng đối ngoại cấp cao Công ty TNHH Nestle Việt Nam: Trưởng phòng đối ngoại cấp cao Nestle Việt Nam cho hay, đây là lần thứ 8 Công ty Nestle đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong chương trình Tiếp sức đến trường.
Những năm trước, Nestle tham gia trao thưởng ở các cụm trao phía Nam, đây là lần đầu tiên công ty cùng báo Tuổi Trẻ trao học bổng cho các bạn tân sinh viên ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên của công ty luôn dõi theo hoạt động của Tiếp sức đến trường.
Bà Thương cho hay, Nestle hướng đến chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, tạo sinh kế cho người dân và hướng đến những hoạt động chung tay vì cộng đồng. Vì vậy, chương trình Tiếp sức đến trường và uy tín, giá trị nhân văn lan tỏa trong suốt hơn 20 năm qua khiến Nestle luôn muốn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
“Chúng tôi được chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng của các em. Những câu chuyện ấy khiến chúng tôi rất xúc động và cảm thấy được truyền thêm động lực từ những câu chuyện ấy” – bà Thương cho hay.
Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên các tỉnh thành phía Bắc:
>> TTO đang cập nhật
Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Hà Nam do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Nam và các Tỉnh, Thành đoàn phía Bắc tổ chức.
Tổng kinh phí chương trình hơn 2 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.
Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có 2 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/ suốt 4 năm học và 5 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập.
Năm 2024 là năm thứ 21 của học bổng và là điểm trao thứ 9 trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng.
Ngoài những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 19 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, chương trình còn được tổ chức trao học bổng Tiếp sức đến trường theo các khu vực: miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực Tây Bắc…
Chương trình Tiếp sức đến trường được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam) và các Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị, Phú Yên; Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam; ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 balo trị giá khoảng 250 triệu đồng; Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng.
Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên.
* Tuổi Trẻ Online đang cập nhật